BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nghề dân cử lạ lùng và có sự sàng lọc rõ ràng lắm

07/07/2009 10:14

 Nghề dân cử lạ lùng lắm! Với cơ chế hiện nay thì không nhiều đại biểu dân cử, dù ở cấp đại diện nào đi chăng nữa, đến với nghề dân cử bằng con đường tự lựa chọn, tự ý thức được những niềm vui, nỗi buồn của nghề đại diện cho dân.

Một góc huyện Đông Anh, Hà Nội

Nhưng sự sàng lọc của nghề dân cử thì rõ ràng lắm - CHỦ TỊCH HĐND XÃ KIM CHUNG, ĐÔNG ANH, HÀ NỘI NGUYỄN NGỌC HẢI đã chia sẻ như thế với PV Báo NĐBND và khẳng định: chỉ những ai thực sự tâm huyết với dân, thực sự vì lợi ích của dân, không một chút toan tính thì mới có thể ở lại được với cơ quan dân cử và có được những vinh quang của nghề dân cử mà thôi… 


                - Thưa Chủ tịch, được chứng kiến hoặc tham gia trực tiếp vào mọi hoạt động trong đời sống của người dân địa phương, đại biểu HĐND xã có lẽ là những đại biểu dân cử hiểu rõ nhất tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, bức xúc của người dân trong một phạm vi khá hẹp. Điều này, chắc hẳn sẽ là một thuận lợi lớn cho HĐND trong việc thực hiện chức năng và trách nhiệm của cơ quan dân cử ở địa phương?
- HĐND cấp xã hoạt động trong khuôn khổ các quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong xã. Đại biểu HĐND đều là những người sống trực tiếp hàng ngày bên cạnh cử tri, sống với cử tri, trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia vào hầu hết những sự kiện của cử tri trong xã nên hiểu rất rõ những mong muốn, nguyện vọng, những bức xúc của cử tri và cả những việc làm của cán bộ chính quyền địa phương. Đây là thuận lợi lớn của các đại biểu HĐND xã trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của người đại diện cho dân ở cấp thấp nhất cũng còn nhiều hạn chế lắm. Đại biểu HĐND xã gần dân nhất nhưng trình độ, năng lực đều có hạn. Họ có thể là cán bộ xã, cán bộ đoàn thể nhưng nhiều người là những người nông dân thuần túy, quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng, vườn, phân bón, thuốc trừ sâu... được người dân tin tưởng, tín nhiệm bầu làm người đại diện. Nhưng vì không được đào tạo, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản của một đại biểu dân cử nên nhiều khi, các đại biểu này rất cứng nhắc trong hoạt động, chưa biết cách chuyển hóa những tâm tư nguyện vọng của người dân thành các nghị quyết, quyết định của HĐND xã. Hoặc nếu có chuyển tải được vào các hoạt động của HĐND xã thì nhiều khi cũng mang màu sắc cảm tính.
Ở HĐND thành phố, huyện, các đại biểu đều có một vị trí công tác nhất định, nhiều đại biểu rất am hiểu về các cơ chế chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nên việc chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của người dân đến cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cũng sẽ tốt hơn. Khi đi tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh, huyện có thể giải thích chính sách pháp luật trực tiếp cho cử tri nên nhiều bức xúc của cử tri đã được giải tỏa ngay... Nhưng đại biểu HĐND xã thì hầu như rất hiếm người có thể làm được điều đó. Không phải là họ không có ý thức học hỏi, tìm hiểu nhưng cơ chế, chính sách, pháp luật từ Trung ương về đến tỉnh, huyện và xã đã có một chặng đường đi khá dài. Văn bản mới, văn bản cũ nhiều vô kể, đại biểu khó mà am hiểu hết được. Hơn nữa, càng về cơ sở, thực tiễn cuộc sống càng đặt ra những vấn đề phong phú và vô cùng đa dạng mà khi ban hành luật, nghị quyết các cơ quan dân cử cấp trên cũng chưa chắc đã dự báo hết được nên việc tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu cũng không dễ chút nào. Vậy nên, có khi sự việc nhỏ thôi mà đại biểu dân cử không giải đáp được cho cử tri cũng có thể khiến sự việc trở nên phức tạp và khó giải quyết. 

- Có phải vì trình độ, năng lực của đại biểu dân cử cấp xã còn hạn chế như thế nên hoạt động của HĐND xã từ trước đến nay đã bị nhiều ý kiến mặc nhiên cho rằng: rất hình thức không thưa Chủ tịch?
- Hai chức năng cơ bản nhất của HĐND xã là giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Từ thực tiễn hoạt động, tôi thấy việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương của HĐND xã cũng đã bảo đảm giải quyết được những vấn đề chung nhất về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và những bức xúc nổi cộm nhất trong đời sống xã hội của người dân trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Hay như hoạt động giám sát, tại mỗi Kỳ họp, HĐND xã Kim Chung đều thảo luận rất kỹ, chọn những vấn đề nhạy cảm, bức xúc nhất của người dân để ưu tiên giám sát trước, bảo đảm đưa hoạt động của cán bộ, chính quyền địa phương vào đúng khuôn khổ pháp luật đồng thời có thể phản ánh, trả lời, giải thích, phân tích cho người dân hiểu vì sao chính quyền địa phương lại làm như vậy và làm vậy là đúng hay không đúng...
Thường trực HĐND cũng đã bước đầu thực hiện được vai trò là cơ quan thường trực của HĐND xã, giải quyết những công việc của HĐND xã trong khoảng thời gian giữa các Kỳ họp. Tất nhiên, như tôi nói, mới chỉ là bước đầu thôi, chứ hoạt động cũng vẫn còn hình thức, cũng chưa làm tốt được trách nhiệm của mình.
 Hiện nay chúng ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện. Thú thực, cá nhân tôi cũng thấy rất lo lắng. Nếu kết quả thí điểm cho thấy không cần thiết phải tổ chức HĐND cấp huyện nữa thì việc nâng cao năng lực, trình độ cho đại biểu dân cử cấp xã, tăng cường vai trò trách nhiệm của HĐND cấp xã như thế nào cần phải được tính toán rất kỹ. Nếu không dự tính được hết thì e là, HĐND cấp xã sẽ khó mà đảm đương được công việc. 

- Trước khi đứng đầu cơ quan dân cử ở cơ sở, Chủ tịch đã từng là Chủ tịch UBND xã. Cảm nhận về cơ quan dân cử địa phương ở hai thời điểm, hai vị trí khác nhau của Chủ tịch như thế nào?
- Trước đây tôi là Chủ tịch UBND xã và cũng mới chuyển công tác sang làm Chủ tịch HĐND xã được vài năm trở lại đây. Từ chỗ là đối tượng chịu sự giám sát, bây giờ lại là người đi giám sát nhưng cảm nhận về cơ quan dân cử có lẽ không có khác biệt gì lớn. Khi làm Chủ tịch UBND, cảm nhận của cá nhân tôi luôn là sự tin cậy. Những việc làm của cơ quan chính quyền có hợp lòng dân hay không, có làm đúng pháp luật hay không, có sai sót gì cần phải điều chỉnh ngay không... thì cơ quan dân cử là nơi đáng tin cậy nhất để chúng tôi nhận biết về mình. Còn khi làm Chủ tịch HĐND xã, tôi hiểu được những khó khăn của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách pháp luật ở cơ sở nên trong Thường trực HĐND và UBND thường xuyên trao đổi, bàn bạc với nhau để thống nhất cách làm sao cho kết quả cao nhất. Cơ quan dân cử ở địa phương luôn phải là một trọng tài công bằng và khách quan nhất giữa chính quyền với người dân. 

- Có một thực tế hiện nay là, trở thành người đại diện cho dân với không ít đại biểu chưa phải là sự lựa chọn tự nguyện nên đôi khi chính bản thân họ cũng không mấy mặn mà, hoạt động cũng có tâm lý được chăng hay chớ thôi. Ở phạm vi hẹp hơn, đại biểu HĐND xã có tình trạng này không thưa Chủ tịch?
- Cũng có chứ. Nhưng tôi nghĩ nếu cứ toan tính ở vị trí này tốt, nhiều bổng lộc, vị trí kia vất vả, nhọc nhằn thì dù làm gì cũng khó. Mà nghề dân cử lạ lùng lắm. Với cơ chế hiện nay thì không nhiều đại biểu dân cử, dù ở cấp đại diện nào đi chăng nữa, đến với nghề dân cử bằng con đường tự lựa chọn, tự ý thức được những niềm vui, nỗi buồn của nghề đại diện cho dân. Nhưng sự sàng lọc của nghề dân cử thì rõ ràng lắm. Chỉ những ai thực sự tâm huyết với dân, thực sự vì lợi ích của dân, không một chút toan tính thì mới có thể ở lại được với cơ quan dân cử và có được những vinh quang của nghề dân cử mà thôi.

                                                                                                                        Theo: http://www.nguoidaibieu.com.vn

 

Tìm kiếm