BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Không gian cởi mở và dân chủ là sức sống của cơ quan dân cử

13/07/2009 10:14

Nếu Thường trực HĐND và các đại biểu HĐND cũng chỉ coi hoạt động của HĐND mang tính định kỳ, một năm hai Kỳ họp, “đến hẹn lại lên” theo luật định thì cơ quan dân cử sẽ không có sức sống...

Đã là đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, điều quan trọng nhất là phải thể hiện được chính kiến của mình. Nếu không tạo điều kiện và không gian cởi mở, dân chủ để đại biểu phát biểu chính kiến thì đại biểu sẽ khó có động lực trong việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri hay giám sát hoạt động của các cơ quan hữu quan. Phó Chủ Tịch HĐND Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội LÊ HỒNG PHÚ đã chia sẻ như vậy với PV Báo NĐBND bên hành lang Kỳ họp thứ 14, HĐND quận Hoàn Kiếm Khóa XVII.

   - Là quận trung tâm của Thủ đô, sức ép đối với cơ quan dân cử Hoàn Kiếm có lẽ không nhẹ nhàng, thưa Phó chủ tịch? 
   - Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban và cá nhân các đại biểu HĐND quận Hoàn Kiếm thời gian qua đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, quyết định và giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật, thực thi các Nghị quyết do HĐND ban hành của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, là quận trung tâm của Thủ đô, nhận thức của người dân quận Hoàn Kiếm về pháp luật, văn hóa, các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố khá cao so với người dân ở các địa phương khác nên sức ép của cử tri, sức ép của thực tiễn cuộc sống với HĐND Hoàn Kiếm cũng khá nặng nề, nhiều khi rất gay gắt. Do đó, Thường trực HĐND Hoàn Kiếm luôn xác định phương châm phải sâu sát với thực tiễn, mọi quyết định của HĐND đều phải xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của cử tri và phải thường xuyên giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các cơ quan chức năng để có thể kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. 
    Các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp chúng tôi đều phải chuẩn bị hết sức chu đáo, bảo đảm tất cả ý kiến, kiến nghị của cử tri đều phải được nêu ra tại Kỳ họp, được các đại biểu thảo luận và các cơ quan chức năng phải giải trình rõ ràng. Trước thềm Kỳ họp thứ 14, HĐND Hoàn Kiếm đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để có thể ghi nhận được nhiều nhất ý kiến của cử tri ở đủ mọi đối tượng, thành phần... Điều này sẽ giúp cho HĐND có thêm căn cứ trong quá trình thảo luận, quyết định các vấn đề của đại biểu HĐND quận cũng như giám sát việc thực hiện sau này của các cơ quan chức năng. Sâu sát thực tiễn, không bỏ qua những vấn đề tưởng như vụn vặt, cụ thể trong đời sống của người dân khiến cho hoạt động của HĐND Hoàn Kiếm ngày càng thiết thực, hiệu quả, bớt dần tính hình thức và được cử tri đồng tình, ủng hộ. 
   - Mới chỉ hoạt động chuyên trách trong cơ quan dân cử ở cơ sở hơn một năm, cảm nhận chung nhất của Phó chủ tịch về HĐND quận, huyện như thế nào?
    - Tôi biết, có không ít người cho rằng hoạt động của HĐND rất hình thức. Nhưng qua một thời gian hoạt động chuyên trách trong cơ quan dân cử, tôi cho rằng, hoạt động của HĐND sẽ chỉ hình thức nếu HĐND tách mình ra khỏi hệ thống chính trị ở cơ sở, không gắn kết, sâu sát với thực tiễn cuộc sống của người dân... 

   Với khung pháp lý hiện nay thì theo tôi, hoạt động của HĐND quận, huyện cũng không bị vướng mắc gì cả. Nhưng nếu muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND thì phải xuất phát trước hết từ Thường trực HĐND và chính các đại biểu HĐND. Nếu Thường trực HĐND và từng đại biểu thường xuyên đeo bám, gắn kết chặt chẽ với cử tri, với các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở thì hoạt động của HĐND sẽ có sức sống. Còn nếu Thường trực HĐND và các đại biểu cũng chỉ coi hoạt động của HĐND mang tính định kỳ, một năm hai lần, đến hẹn lại lên theo luật định thôi thì sẽ không có sức sống, tính hình thức là điều khó tránh khỏi. Chúng ta quan niệm như thế nào và hành động cụ thể ra sao thì dư luận xã hội, dư luận cử tri sẽ nhìn nhận về hoạt động của HĐND như thế. Cơ quan dân cử địa phương và các đại biểu dân cử trước hết cần phải tự vượt qua những rào cản tâm lý của chính mình. Nếu những người trong cuộc cũng nghĩ cơ quan dân cử chỉ nên thế này thôi, đừng nên thế kia... thì dù chiếc áo có đẹp đến mấy, rộng rãi, thoải mái đến mấy cũng chưa chắc phát huy được tác dụng. 
    - Nếu Thường trực HĐND và các đại biểu cũng chỉ coi hoạt động của HĐND mang tính định kỳ, một năm hai lần, đến hẹn lại lên theo luật định thì sẽ không có sức sống... Xin được chia sẻ với Phó chủ tịch điều này. Vậy, Thường trực HĐND, các đại biểu HĐND đã tạo sức sống cho cơ quan dân cử địa phương như thế nào? 
    - Như tôi đã nói, phương châm hoạt động của HĐND Hoàn Kiếm là sâu sát thực tiễn. Một năm, HĐND chỉ họp hai kỳ, nếu Thường trực HĐND cứ độc lập tác chiến thì không thể bao sân hết tất cả những vấn đề của Quận được. Vì thế, Thường trực HĐND Hoàn Kiếm luôn cố gắng phát huy vai trò của các Tổ đại biểu và cá nhân đại biểu trong việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng và theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri... Thường trực HĐND Hoàn Kiếm đặc biệt coi trọng đề xuất từ cơ sở của các Tổ đại biểu, cá nhân đại biểu. Trong Kỳ họp, Thường trực HĐND cũng luôn cố gắng tạo điều kiện tối đa để đại biểu, các Tổ đại biểu trình bày quan điểm của mình. Tôi nghĩ, đã là đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, điều quan trọng nhất là phải thể hiện được chính kiến của mình. Nếu không tạo điều kiện và không gian cởi mở, dân chủ để đại biểu phát biểu chính kiến thì đại biểu sẽ khó có động lực trong việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri hay giám sát hoạt động của các cơ quan hữu quan. 
    - Đã có những lo ngại cho rằng, nếu tới đây, chúng ta không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nữa thì HĐND các tỉnh, thành phố khó có đủ sức “với tay” xuống tận các xã, phường để có thể kịp thời lắng nghe, chia sẻ và giải quyết những băn khoăn, bức xúc, những mong muốn, kiến nghị của người dân. Với một khoảng thời gian khá dài làm Chủ tịch UBND phường, hiểu rõ sự vận hành của hệ thống chính trị ở cơ sở, Phó chủ tịch có cho rằng, lo ngại như thế là hơi... xa quá không? 
    - Ở các thành phố lớn có hệ thống chính quyền đô thị tương đối phát triển thì việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo tôi cũng không gây quá nhiều sức ép đối với HĐND tỉnh, thành phố. Nhưng với các tỉnh, thành phố mà chính quyền đô thị chưa hoàn chỉnh thì lo ngại trên là có cơ sở. Nếu HĐND tỉnh, thành phố không kịp thời nắm bắt và xử lý ngay những băn khoăn, bức xúc của người dân ở các phường, xã thì việc nhỏ có thể thành to, việc đơn giản có khi lại hóa phức tạp...
Theo http://nguoidaibieu.com.vn

 

Tìm kiếm