BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bài 4: Luân chuyển, thử thách để cán bộ bộc lộ tài năng, bản lĩnh

25/10/2022 13:55

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung đưa cán bộ luân chuyển đến các địa bàn khó khăn để rèn luyện, qua đó có thể bộc lộ được tài năng, bản lĩnh của mình.

Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị “Về luân chuyển cán bộ” ngày 28/5 - Ảnh: dangcongsan.vn

Bên cạnh những thành công rất căn bản, theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy định 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nhận diện rõ và có giải pháp phù hợp.

Đó là chưa tạo được sự chủ động trong việc đưa cán bộ đi luân chuyển do phải chờ các địa phương khuyết chức danh; việc xử lý hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, một số cán bộ luân chuyển chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, chưa nắm chắc các quy định, quy chế, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc. Có không ít cán bộ còn nhận thức đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn, vì vậy có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, giữ mình "chờ ngày về".

Chính vì vậy, Quy định 65-QĐ/TW được ban hành lần này đã giải quyết được những tồn tại hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ. Có cán bộ luân chuyển thì luôn giữ tròn cho bản thân mình, sợ đấu tranh, thiếu máu lửa và thiếu sự gắn bó với nhân dân và địa phương…

Ông Nguyễn Đức Hà: Việc đánh giá cán bộ và thực hiện chủ trương luân chuyển phải xuất phát từ lợi ích chung, không chủ quan, không lồng ghép cá nhân, không lợi ích nhóm mà phải hoàn toàn xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc - Ảnh: VGP

Không đi tắt, không chủ quan, không cá nhân

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), Quy định 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nêu quy trình để thực hiện luân chuyển là qua 5 bước, phải thực hiện tất cả các bước đầy đủ, trọn vẹn, nghiêm túc, không được đi tắt, không được lướt qua, không được chủ quan, không được bỏ bước nào.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng có một bước không nằm riêng trong quy trình nào nhưng đây chính là vấn đề quyết định nhất. Đó là việc đánh giá, nhận xét cán bộ và thực hiện chủ trương luân chuyển phải xuất phát từ lợi ích chung, không được chủ quan, không được lồng ghép cá nhân, không được lợi ích nhóm mà phải hoàn toàn xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Như vậy mới công tâm, khách quan, dân chủ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Phải có con mắt tinh đời" để nhìn nhận vấn đề, đánh giá, xem xét cán bộ một cách khách quan, trong sáng. Điều này rất quan trọng, quyết định toàn bộ vấn đề về công tác cán bộ.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hà, yêu cầu "luân chuyển phải nằm trong quy hoạch" không phải bây giờ Bộ Chính trị mới đề cập, ngay từ Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002, của Bộ Chính trị, về "Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp" đã quy định "đối tượng đưa đi luân chuyển cán bộ là những cán bộ trẻ đã được quy hoạch và có khả năng phát triển". Thời gian thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW rất đúng đối tượng và đã có rất nhiều cán bộ đã trưởng thành. Tuy nhiên, sau thực tiễn 20 năm, vẫn còn chỗ này chỗ khác, cấp này cấp khác, lĩnh vực này lĩnh vực khác vẫn có bộc lộ những mặt tiêu cực. Cũng đã có những người đi luân chuyển không còn trẻ, có người không nằm trong quy hoạch…

Vì vậy, lần này, Quy định 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã tập hợp tất cả những điều còn phù hợp trong các văn bản trước đây và quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết, khắc phục được những mặt tiêu cực, hạn chế đã từng xảy ra trong thực tiễn. Chắc chắn những quy định này sẽ khắc phục được tình trạng "chọn nơi đi", "chọn nơi về", thay đổi được suy nghĩ cố hữu của một bộ phân cán bộ rằng "sau luân chuyển sẽ được ở chức vụ cao hơn".

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

PGS. TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng giải pháp để công tác luân chuyển cán bộ cấp chiến lược trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn nữa, rất cần thực hiện luân chuyển cán bộ từ sớm.

 Theo đó, để có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đông về số lượng, tốt về chất lượng, việc thực hiện luân chuyển cán bộ cần được tiến hành sớm và chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn một là thực hiện luân chuyển từ lúc cán bộ còn trẻ. Mục đích chủ yếu là để đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng xử lý vấn đề từ sớm.

Trong giai đoạn này, cán bộ, công chức sau khoảng 5 năm được tuyển dụng, bắt đầu thể hiện năng lực chuyên môn, tố chất lãnh đạo sẽ được lựa chọn, bố trí luân chuyển. Cán bộ luân chuyển sẽ được đảm nhiệm những vị trí chuyên môn khác nhau nhưng trong cùng một lĩnh vực.

Mục tiêu của giai đoạn này là tạo nguồn dồi dào cho quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý sau này, nên không hạn chế về số lượng. Tuy nhiên, không phải cán bộ nào cũng được luân chuyển từ sớm, mà phải có một quá trình theo dõi, đánh giá liên tục trong 5 năm đầu công tác. PGS. TS. Lê Văn Chiến cho rằng để làm được điều này, vai trò của người làm công tác tổ chức-cán bộ trong việc theo dõi, đánh giá cán bộ thật khách quan và công tâm để sớm phát hiện cán bộ có đức, có tài, có tố chất là rất quan trọng.

Giai đoạn hai  là thực hiện luân chuyển cán bộ có đích đến, vị trí rõ ràng, như hiện nay. Trên cơ sở đánh giá, rà soát kết quả quy hoạch của giai đoạn một, từ đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện qua nhiều vị trí, đơn vị khác nhau, Đảng lựa chọn những cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn vững vàng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý tốt để bố trí luân chuyển có hướng đích rõ ràng, sẽ bố trí vào vị trí cụ thể sau khi luân chuyển. Việc bố trí phải căn cứ vào kết quả công tác của họ trong thời gian luân chuyển.

Để có căn cứ bổ nhiệm cán bộ sau luân chuyển, theo Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công Lê Văn Chiến, Ban Tổ chức Trung ương cần lập hội đồng đánh giá toàn diện công tác luân chuyển cán bộ, bao gồm đánh giá cá nhân cán bộ luân chuyển; đánh giá tập thể lãnh đạo địa phương, đơn vị nơi cán bộ đến luân chuyển và đánh giá cá nhân, tập thể đề xuất cử cán bộ đi luân chuyển. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng cho việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ sau luân chuyển, bảo đảm khách quan, khoa học, hiệu quả.

Ban Tổ chức Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá cho từng cán bộ luân chuyển. Một số điểm cần tính đến trong bộ tiêu chí đánh giá cán bộ luân chuyển là những đóng góp của họ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương qua những kết quả cụ thể; sự ổn định, thống nhất, đoàn kết của tập thể nơi cán bộ đến luân chuyển; kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của bản thân cán bộ sau luân chuyển.

Đối với địa phương, đơn vị đón nhận cán bộ luân chuyển, cần đánh giá bối cảnh kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian cán bộ luân chuyển thực hiện nhiệm vụ; mức độ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá này có thể thông qua ý kiến trực tiếp của cán bộ luân chuyển, kết hợp với nghiên cứu các hoạt động tại địa phương, đơn vị có liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển. Đây là cơ sở để đánh giá nguyên nhân thành công hoặc chưa thành công của cán bộ luân chuyển.

PGS. TS. Lê Văn Chiến cho rằng điều này là rất cần thiết, bởi vì có trường hợp cán bộ luân chuyển có năng lực nhưng lại không thể hiện được năng lực của mình, do không được tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để làm việc. Đối với cá nhân, tập thể cử cán bộ đi luân chuyển, cần căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển, kết hợp đối chiếu với tiêu chuẩn cán bộ luân chuyển để đánh giá trách nhiệm của cá nhân, tập thể cử cán bộ đi luân chuyển. Bởi sự thành công hay không thành công của cán bộ luân chuyển, một phần là do cá nhân, tập thể cử cán bộ đi luân chuyển đã lựa chọn đúng người, đúng việc hay chưa để bộc lộ hết khả năng, nhận thực của mình.

Bên cạnh đó, cần tập trung đưa cán bộ luân chuyển đến các địa bàn khó khăn. Chính những nơi có điều kiện khó khăn, thử thách là những nơi rèn luyện cán bộ luân chuyển, qua đó họ có thể bộc lộ được tài năng, bản lĩnh của mình. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là những người nắm giữ vận mệnh của đất nước, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Vì vậy, yêu cầu mang tính tiên quyết đối với đội ngũ này là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, "thắng không kiêu, bại không nản". Những phẩm chất này không bỗng dưng mà có được, mà đòi hỏi phải được tôi luyện, thử thách qua công việc và qua thời gian. Trong bối cảnh khó khăn, đòi hỏi người lãnh đạo phải quyết đoán, sáng tạo, bản lĩnh, dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm và qua đó, những phẩm chất của họ mới được bộc lộ rõ. Vì vậy, cần đưa cán bộ luân chuyển đến các địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi thí điểm mô hình mới để thử thách, rèn luyện và giúp họ thể hiện được hết năng lực của mình. Đó cũng là cơ sở để Đảng đánh giá cán bộ một cách thực chất, chính xác, không để lọt những người không xứng đáng!

Cuối cùng, một trong những giải pháp quan trọng là việc cử cán bộ đi luân chuyển cần được thực hiện theo đúng các quy định của Đảng một cách công khai, minh bạch, khách quan, công tâm. Có như vậy mới tạo động lực tốt cho cán bộ được lựa chọn đi luân chuyển, đồng thời tạo điều kiện cho cấp trên, đồng nghiệp và nhân dân tham gia giám sát cơ quan cử cán bộ đi luân chuyển và cán bộ luân chuyển; qua đó, góp phần hạn chế, ngăn chặn hiện tượng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển" trong công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược./.

Phương Liên

(Còn tiếp)

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Tìm kiếm