Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Thẩm tra các báo cáo, tờ trình của UBND và các cơ quan chức năng là nhiệm vụ thường xuyên của ban HĐND. Báo cáo thẩm tra không chỉ thể hiện chính kiến của ban đối với từng nội dung được thẩm tra mà còn hướng đại biểu tập trung vào những vấn đề cần bàn thảo, thống nhất trước khi quyết định. Chính vì vậy, việc phối hợp với cơ quan chuyên môn ngay từ khi soạn thảo để nâng cao chất lượng thẩm tra được các ban HĐND đặc biệt quan tâm.
Theo quy định, các ban HĐND có thể tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo báo cáo, đề án... của UBND (uỷ ban nhân dân) và các cơ quan chuyên môn. Đối với lĩnh vực ngân sách, Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương ban hành theo Nghị định số 73/2003/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Kinh tế - Xã hội... phối hợp với cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư... trong quá trình lập dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách. Tuy nhiên, trong hoạt động thẩm tra của các ban hiện nay, việc vận dụng và thực hiện những quy định này rất hãn hữu. Điều này chủ yếu do phía các cơ quan được giao xây dựng báo cáo, đề án chưa quan tâm, chủ động mời các ban HĐND tham gia. Nhiều báo cáo, đề án phức tạp phải thảo luận, điều chỉnh nhiều lần dẫn đến việc chuyển tờ trình, báo cáo sang các ban thẩm tra chậm, có khi đến sát ngày khai mạc kỳ họp HĐND, ban được phân công thẩm tra mới nhận được văn bản. Vì thế, chất lượng báo cáo thẩm tra chưa bảo đảm yêu cầu là điều khó tránh khỏi. Làm thế nào để nắm bắt được sớm thông tin của các dự thảo báo cáo, đề án… để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thẩm tra của các ban HĐND? Từ thực tiễn hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách một số tỉnh cho thấy, phải chủ động tiếp cận cơ quan trình ngay từ đầu, thay vì ngồi chờ được mời tham gia. Thực tế, do đa số thành viên ban HĐND kiêm nhiệm, việc sắp xếp thời gian cho hoạt động của đại biểu gặp khó khăn nên thông thường các ban chỉ yêu cầu một số thành viên tham gia quá trình soạn thảo. Tuy nhiên, Trưởng Ban và các chuyên viên giúp việc thì nhất thiết phải tham gia. Qua các buổi làm việc với cơ quan trình, thành viên các ban có điều kiện để cùng thảo luận, bày tỏ quan điểm, chính kiến về những nội dung mà cơ quan chức năng chuẩn bị trình tại kỳ họp HĐND. Những vấn đề đồng tình, vấn đề cần được giải trình, làm rõ thêm; vấn đề cần cân nhắc thời điểm trình và điều kiện cần và đủ để trình HĐND…đều được các ban làm rõ, đặc biệt là các nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, như quy định về phí, lệ phí, các khoản đóng góp, quy hoạch hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn... Không khí thảo luận thường sôi nổi, thành viên ban HĐND vừa trong vai của người phản biện, vừa đóng vai trò người tham gia xây dựng các dự thảo; các ý kiến, quan điểm dần xích lại gần nhau, tập trung hơn. Đặc biệt, đa số ý kiến của thành viên ban HĐND đều được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu. Các dự thảo báo cáo, đề án nhờ vậy hoàn thiện với tính khả thi cao hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề, nội dung đưa ra đều được thống nhất. Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau được đưa vào báo cáo thẩm tra, thể hiện chính kiến của Ban; đồng thời là cơ sở, gợi mở cho các đại biểu HĐND nghiên cứu, thảo luận và quyết định. Trong nhiều vấn đề đưa ra để thảo luận, phản biện, đương nhiên có những vấn đề chưa thống nhất. Tuy nhiên, khi đã tham gia vào quá trình xây dựng, chuẩn bị dự thảo có nghĩa là ban HĐND đã được tiếp cận sớm hơn, sâu hơn các vấn đề phải thẩm tra; nhờ đó đến “công đoạn” thẩm tra chính thức sẽ thuận lợi hơn, báo cáo thẩm tra sẽ rõ ràng, thiết thực. Như vậy, hoạt động thẩm tra của các ban không phải chỉ thực hiện tại cuộc họp thẩm tra của ban mà đã được thực hiện ngay từ trong quá trình xây dựng, chuẩn bị dự thảo của các cơ quan chuyên môn. Điều đáng mừng là sự phối hợp giữa ban HĐND và cơ quan trình rất “ăn ý”. Trước khi chuẩn bị nội dung để trình HĐND tại kỳ họp, các cơ quan chủ trì đều chủ động mời ban HĐND tham gia và tranh thủ ý kiến của ban với sự cầu thị. Hiệu quả phối hợp để chuẩn bị các nội dung trình HĐND rất lớn. Và, khi được chuẩn bị kỹ, HĐND sẽ có cơ sở để quyết định đúng. Theo http://www.nguoidaibieu.com.vn