50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân chủ trong Đảng

16/05/2019 15:02
  • Print
  • Lượt xem: 1531

Trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó, Người căn dặn “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố, phát triển đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Nhiều vi phạm tập trung dân chủ bị xử lý

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng, vừa bảo đảm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động vừa phát huy dân chủ, tạo nên sức mạnh của Đảng.

Có thể thấy nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp hài hòa và khoa học giữa hai mặt tập trung và dân chủ, tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung; cũng như tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện.

Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chế độ tập trung, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững. Những quyết sách lớn của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của đảng viên và tổ chức đảng từ cơ sở. Sinh hoạt chi bộ, các hội nghị Đảng được tiến hành dân chủ.

Dân chủ trong Đảng ngày càng được mở rộng. Việc bầu cử trong Đảng ngày càng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt, bầu cử tại Đại hội XII của Đảng đã thể hiện rõ nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác tổ chức và cán bộ, nhất là đánh giá tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ đã được tiến hành cơ bản công khai, dân chủ. Tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh; những tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử lý kịp thời.


Hội nghị Thành ủy tạo điều kiện cho các đại biểu thẳng thắn bày tỏ ý kiến, 
góp ý theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Ảnh: VIỆT DŨNG


Những năm gần đây, khi Đảng đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn, rất nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí lớn đã được lôi ra ánh sáng. Rất nhiều cán bộ, đảng viên; trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ chức vụ cao đã bị kỷ luật. Không phải tất cả, nhưng có thể thấy đa phần cán bộ bị kỷ luật đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành và trong sinh hoạt Đảng.

Ví dụ mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9 và Đại tá Trương Thanh Nam, Đảng ủy viên, Phó Tham mưu Trưởng Quân khu 9, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8, Quân khu 9. Trong các vi phạm có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong đó, Đại tá Trương Thanh Nam bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng; Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy bị cảnh cáo.

Làm rõ tập trung dân chủ trong tình hình mới

Về vấn đề dân chủ trong Đảng, thực tiễn cho thấy thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, nếu không kịp thời khắc phục sẽ gây ra hậu quả rất lớn. Đây là những nội dung đã được Đại hội XII của Đảng chỉ ra. Những khuyết điểm, hạn chế cũng được nhận diện như một số cấp ủy vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ. Còn tình trạng dân chủ hình thức, thống nhất một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận thấu đáo hoặc hiểu không đúng nguyên tắc này, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ ở một số nơi. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ở nhiều nơi còn mang tính hình thức…

Hệ quả dẫn đến là vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân vừa không khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Điều này tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, vô trách nhiệm, trì trệ; lợi dụng cơ chế tập thể để thực hiện ý đồ cá nhân, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn lại những ưu, khuyết điểm của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng thời gian qua và để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ hiện nay nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể; cần phải nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc này. Cụ thể hóa, làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ. Mở rộng dân chủ đi cùng với tăng cường kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trong Đảng.

Muốn dân chủ trong xã hội thì trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi. Vì vậy, Đảng cần xây dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy thật sự mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến.

Cùng đó là việc hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt là cần thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Nguồn: http://www.sggp.org.vn

VIDEO