Học theo Bác: Noi gương phải thực chất, không phải tạo ra hình ảnh

17/06/2019 09:23
  • Print
  • Lượt xem: 1956

Nêu gương phải thực chất, tránh hình thức, cố tạo ra hình ảnh, phải thật sự chân thực trong công việc.

Cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương cao đẹp, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”.
Ảnh Tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

50 năm đã trôi qua, đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người, đặc biệt là cán bộ đảng viên càng thấm nhuần lời dạy của Người, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, để không ngừng tự hoàn thiện mình. Nêu gương thật sự là tự tu dưỡng hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm.

Nhiều năm qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của sự kính yêu Bác, niềm tin vào con đường và sự nghiệp cách mạng của Người, để mỗi người sống và làm việc tốt hơn.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong 3 năm qua đã khen thưởng hàng chục vạn tập thể, cá nhân điển hình. Đáng chú ý, năm ngoái, tỉnh Bình Phước khen thưởng, biểu dương 787 tập thể, cá nhân ở các cấp; tỉnh Đồng Tháp khen thưởng, biểu dương 3 nghìn 610 tập thể, cá nhân...

Học tập và làm theo Bác, Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã nghiên cứu và có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, mang tới sự kỳ diệu cho nhiều gia đình ở Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm về y đức, Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng: “Tôi nghĩ y đức như Bác Hồ dạy “lương y như từ mẫu”. Lương y tức là thầy thuốc giỏi. Khi Bác Hồ dạy, “thầy thuốc giỏi phải tinh thông nghề nghiệp, phải kiến thức vững vàng, tay nghề lão luyện. Thầy thuốc như mẹ hiền thì không để đổ thừa là vì tôi kém mà tôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, sau ngày thắng lợi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Theo chỉ dẫn của Người, Đảng đã chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra những giải pháp toàn diện, đồng bộ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm. Cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, Đảng đã ban hành nhiều văn bản về trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là quy định của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII.

Nêu gương của cán bộ, đảng viên là tỏ rõ sự biết ơn Bác, tự hào và nguyện làm theo Bác. Nêu gương về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Thực hiện theo lời dạy của Người, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: Nêu gương về đạo đức, lối sống trong sáng; về bản lĩnh, trách nhiệm, niềm tin. Nêu gương phải thực chất, tránh hình thức, cố tạo ra hình ảnh, phải thật sự chân thực trong công việc, cuộc sống của mỗi người lãnh đạo phải bình dị, giản dị như cuộc đời của Bác.

“Muốn nêu gương, thì nói đi đôi với làm. Tôi chỉ tâm niệm 1 điều, mình nói cái gì thì mình làm cái đó cho chuẩn. Suy nghĩ và hành động phải đặt lợi ích chung lên trên hết, từ công tác cán bộ cho đến quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, nhất là phải có tư duy để sự phát triển chung của tỉnh tốt hơn. Mong muốn của tôi là Đảng phải mạnh, chính quyền phải hành động, nói đi đôi với làm”, ông Nguyễn Mạnh Hiển nói.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao là bước phát triển rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Trách nhiệm nêu gương được đề cao, từ quy định của Đảng đến tự giác thực hiện của mỗi người là bồi đắp tính tiền phong của Đảng và phẩm chất cao quý của cán bộ, đảng viên, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. 

Mỗi người, từ chính công việc, cuộc sống nếu được gương tốt cũng là niềm tự hào của bản thân, để không ngừng tự hoàn thiện mình. Nêu gương thật sự là tự tu dưỡng hướng tới những gì tốt đẹp, cao cả, cũng là sự phòng ngừa những sai phạm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Đọc Di chúc của Bác nghĩ về trách nhiệm  nêu gương, tôi nghĩ mỗi người làm đúng theo lương tâm, trách nhiệm của mình chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực theo quy định nêu gương tại Hội nghị Trung ương 8, chứ nếu 5 triệu Đảng viên mà cứ bình bình, không mang hết tâm huyết, nhiệt tình thực thi công việc thì sẽ chẳng tạo ra chuyển biến gì".

Học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hành động tự giác, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam, ở mọi thời kỳ cách mạng, ở mọi công việc, mọi suy nghĩ và hành động.

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương của Bác luôn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Càng yêu kính Bác, mỗi người càng phải ra sức nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thiện bản thân. Đặc biệt, luôn nhớ lời nhắc nhở của Người khi sinh thời: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đó là lời khen chân thành của nhân dân và cũng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên./.

Nguồn: vov.vn

VIDEO