Ngăn chặn thói ganh ghét, đố kỵ nơi công sở

31/12/2019 11:18
  • Print
  • Lượt xem: 6060

Từ xa xưa, ông cha ta đã từng nói đến sự ganh ghét, đố kỵ của con người bằng những câu châm ngôn như: “Con gà tức nhau tiếng gáy”; “Trâu buộc ghét trâu ăn”; “Ăn không được thì đạp đổ”… Ngày nay, ganh ghét, đố kỵ xuất hiện trong cả một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra; rất cần được lưu tâm ngăn chặn.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

1. Ganh ghét, đố kỵ bắt nguồn từ cảm xúc của con người khi thấy mình thua kém người khác và cảm thấy bất mãn, tức giận. Cảm xúc đó không chỉ dừng lại trong suy nghĩ mà còn bộc lộ ra ngoài thông qua lời nói, thậm chí là hành động. Một trong những nguyên nhân tạo ra sự ganh ghét, đố kỵ chính là sự hẹp hòi, luôn so sánh mình với người khác, so sánh cái mình đạt được và người khác đạt được, dẫn đến khó chịu, bức bối trong lòng khi thấy người khác hơn mình, nhất là về danh, lợi và thường không “tâm phục, khẩu phục” với những “cái hơn” đó.

Tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị, sự ganh ghét, đố kỵ thường xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi thấy người giỏi hơn mình về chuyên môn, nghiệp vụ, đạt kết quả cao hơn trong công tác, nhất là được cấp trên ghi nhận với sự tín nhiệm cao... dẫn đến khó chịu, lâu dần trở thành sự phẫn uất, thù hận trong lòng. Trong suy nghĩ của họ, những thành tích người khác đạt được là do may mắn, là được “phù trợ”, giúp đỡ chứ không phải do năng lực. Những người luôn ganh ghét, đố kỵ này không chỉ không công tâm nhìn nhận, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của người khác mà còn tìm mọi cách lôi kéo người có chung suy nghĩ để soi mói, nói xấu sau lưng và tìm cách cản trở đồng chí, đồng nghiệp để họ chùn bước. Ngoài ra, họ còn tỏ ra vui sướng trước thất bại của người khác; thậm chí tỏ vẻ thông cảm, thấu hiểu ngoài mặt nhưng trong lòng lại thỏa mãn và hả hê. Vì thói ganh ghét, đố kỵ, họ không những không hợp tác với người năng động, dám nghĩ, dám làm mà tìm mọi cách làm hại người khác để thỏa mãn “cái tôi méo mó” của mình.

Trong một xã hội nói chung, mỗi công sở nói riêng mà luôn có sự ganh ghét, đố kỵ thì bầu không khí sẽ bất an. Người tốt, người tài dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ dễ bị soi mói, dè bỉu, gieo giắc nghi ngờ, thậm chí bị vùi dập, dẫn đến mất niềm tin vào nhau, vào tổ chức, để rồi không dám nói thật, sống thật và luôn đề phòng nhau. Ở nơi đó, thói ganh ghét, đố kỵ thường bộc lộ rõ trong những câu chuyện “trà dư, tửu hậu” về nhân tình thế thái, về công việc, về cuộc sống đời tư… và vì thế, không thể có sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, phát triển bền vững.

Ganh ghét, đố kỵ đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó chính là biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện về suy thoái về đạo đức, lối sống: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”.

2. Thói ganh ghét, đố kỵ cũng đã được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề cập đến tại Hội thảo “Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội trong điều kiện mới" do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 19-12. Đồng chí nhận định, tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở một số nơi vẫn còn xảy ra; có biểu hiện cục bộ, kèn cựa, địa vị, ganh tị, bè phái, lợi ích nhóm, thiếu sự phối hợp dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao...

Đây chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại một số cơ quan công quyền của thành phố. Những biểu hiện suy thoái này làm nản lòng, nhụt chí và cản trở sự phấn đấu của những nhân tố tích cực, làm xói mòn đạo đức, văn hóa trong mỗi cá nhân, gây hại cho tập thể. Đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất và là nguyên cớ của sự nhen nhóm, bè phái, lợi ích nhóm, dẫn đến nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ… Nếu không bị ngăn chặn, đẩy lùi, thói ganh ghét, đố kỵ sẽ là nhân tố cản trở sự phát triển, đi lên của Thủ đô. Vì thế, để chủ động phòng và chống những biểu hiện suy thoái đó, mỗi cấp ủy tại địa phương, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số công việc sau:

Một là, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể. Từ đó tạo bầu không khí đồng thuận, dân chủ giúp mọi người cùng phấn đấu và động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc chung, để ngày càng tiến bộ và phát triển. Đặc biệt, cần hoàn thiện, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo; từ đó, dùng thiết chế, cơ chế kỷ luật, kỷ cương để đưa mỗi cá nhân vào đúng vị trí công tác, làm đúng chức trách nhiệm vụ, có thái độ chuẩn mực và hành vi ứng xử thích hợp, xây dựng môi trường công tác, văn hóa công sở lành mạnh gắn liền với việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Nghĩa là, phải phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tự phê bình và phê bình trên cơ sở của “tình thương yêu đồng chí lẫn nhau”, chứ không phải là ganh ghét, đố kỵ rồi “bới lông tìm vết” lẫn nhau.

Hai là, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Trong đó: Cán bộ lãnh đạo, quản lý công tâm, khách quan, dân chủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nhận xét, đánh giá cấp dưới; nói đi đôi với làm và nêu gương đi đầu trong mọi việc. Cấp dưới, đồng nghiệp luôn nỗ lực phấn đấu, hết lòng vì công việc chung, thấy đúng kiên trì bảo vệ, thấy sai kiên quyết đấu tranh. Tạo dựng một môi trường công tác mà ở đó cái mới, cái tốt được cổ vũ, động viên kịp thời, cái sai, cái xấu được ngăn chặn, cùng nhau làm việc, cùng nhau phát triển, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn, “triệt tiêu” thói ganh ghét, đố kỵ, kèn cựa, địa vị, lợi ích nhóm…

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nhận thức đúng và luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân; nỗ lực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm, tận lực với công việc. Mỗi người cần khiêm nhường lắng nghe, học hỏi mọi người xung quanh, thân ái, giúp đỡ, sẻ chia, động viên kịp thời và nâng niu, trân trọng, khuyến khích những thành tích những ý tưởng, giải pháp của đồng chí, đồng nghiệp để cùng chung tay, góp sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi cá nhân tự nhìn nhận, đánh giá lại mình, dứt khoát từ bỏ thói quen ganh ghét, đố kỵ; mỗi cơ quan, tổ chức mạnh mẽ đấu tranh với những biểu hiện ganh ghét, đố kỵ diễn ra trong cơ quan, đơn vị mình thì chính là thiết thực  góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.



Nguồn: hanoimoi.com.vn

VIDEO