Các đại biểu bỏ phiếu bầu nhân sự HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Việc ngăn chặn bộ phận suy thoái không nhỏ ấy tuy có được quyết tâm rất lớn của Đảng thúc đẩy, xử lý, minh chứng bằng việc bắt giữ hàng loạt cán bộ các cấp thời gian gần đây, nhưng rõ ràng kết quả vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân. Còn rất nhiều thách thức lớn đặt ra với Đảng.
Trong điều kiện của một đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt cảnh báo: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Lời yêu cầu và cảnh báo này, đã 50 năm rồi từ ngày Người ra đi mãi mãi để lại bản Di chúc bất hủ cho chúng ta, vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. Qua hàng loạt các vụ việc bị phanh phui trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta thời gian qua, đặc biệt là vài năm trở lại đây, nhiều cán bộ các cấp, thậm chí có cả cán bộ cấp cao đã bị “lộ”, để lại nhiều xúc cảm trái ngược nhau trong nhân dân, trong đảng viên toàn Đảng.
Trái ngược, bởi chống tham nhũng thật sự không có vùng cấm, chưa bao giờ số lượng quan chức cao cấp (kể cả số lượng đương chức và về hưu) đưa ra truy tố, xét xử, tước bỏ danh hiệu nhiều đến thế. Người dân phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư đã và đang rất hiệu quả.
Nhưng đồng thời cũng rất nhiều đảng viên, người dân cảm thấy đau xót. Đau xót bởi đó là số lượng cán bộ, công chức các cấp được đặt nhiều kỳ vọng, giữ các cương vị quan trọng ở các cấp, nhưng liên tiếp vi phạm; có những người vi phạm rất nặng, gây tổn thất lớn cho đất nước.
Từ đó đã đặt ra dấu hỏi lớn về công tác nhân sự, lựa chọn cán bộ vào bộ máy của chúng ta thời gian qua rõ ràng vẫn chưa đảm bảo chất lượng đầu vào; đồng thời cũng chứng minh rất rõ những cán bộ “bị lộ” nói trên hoàn toàn không tương xứng về trí tuệ lẫn đạo đức khi được giao nắm giữ những cương vị quan trọng.
Họ có chức có quyền nhưng không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức người cách mạng. Quyền lực không bị giám sát, hạn chế chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật, thì việc lạm dụng chức quyền và tư lợi từ đó mà ra cũng là điều khó tránh khỏi. Đây gần như là một quy luật tất yếu trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
Cả cuộc đời của Bác Hồ đã hy sinh trọn vẹn cho nhân dân, cho Đảng và là tấm gương sáng về sự liêm khiết. Theo lời Người, cán bộ, đảng viên muốn trở thành người cách mạng chân chính, người lãnh đạo được dân tin tưởng, ủng hộ, hoàn toàn không có gì khó. Muốn được điều đó, hoàn toàn do lòng mình mà ra.
Lòng mình chỉ biết có Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít đi, những tính tốt ngày càng nhiều thêm. Vì vậy, ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó, sợ khổ, là tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Theo Bác, muốn được như vậy, một trong những biện pháp quan trọng và cơ bản nhất vẫn là Đảng ta phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn. Đảng cầm quyền nhưng nhân dân phải thật sự làm chủ. Quan điểm này phải được thực hiện thật xuyên suốt.
VĂN QUANG (Cán bộ hưu trí, quận Thủ Đức, TPHCM)
Nguồn: sggp.org.vn