Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần chăm lo
đời sống nhân dân trên địa bàn. Trong ảnh: Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn
Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tếVề xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) - một trong những nơi được mệnh danh là “vựa rau” lớn nhất của tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được biết, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển dịch vụ - thương mại; trong đó quan tâm chuyển dịch từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn và nuôi trồng thủy sản.
Từ năm 2015, xã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn Tứ Xã. Đến nay, hợp tác xã có gần 100 hộ tham gia sản xuất theo phương thức chuỗi liên kết; trung bình mỗi tháng cung ứng khoảng 100 tấn rau ra thị trường, doanh thu năm 2018 đạt 3,8 tỉ đồng, thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hồng Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Tứ Xã cho biết, từ khi tham gia hợp tác xã, nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Năm 2014, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2014-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của xã đạt 10,9%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,25%; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người, tăng gấp 2 lần so với năm 2014.
Không chỉ có xã Tứ Xã mà các địa phương khác trên địa bàn huyện Lâm Thao cũng có những bước đi phù hợp để phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Xuân Tường, Bí thư Huyện ủy Lâm Thao khẳng định: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đặc biệt, phát huy tiềm năng về đất đai, nhân lực, huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cận đô thị, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất rau an toàn gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huyện tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp trên, đến nay kinh tế của huyện Lâm Thao liên tục tăng trưởng khá, bình quân 8%/năm. Năm 2015, huyện trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận huyện nông thôn mới. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, với mức thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm còn 2,18%, giảm trên 6% so với năm 2000.
Đời sống được cải thiện, nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng phấn khởi và ủng hộ những chủ trương mới của chính quyền địa phương. Thực tế đó cho thấy sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, định hướng của Đảng bộ và chính quyền các địa phương ngày càng hướng tới đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng phát triển của người dân.
Mỗi địa phương, đơn vị đều có cách làm khác nhau tùy vào điều kiện cụ thể của mình. Tuy nhiên mục tiêu chung vẫn là chăm lo bằng được cho đời sống nhân dân, góp phần vào sự đi lên chung của đất nước, làm cho đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát huy các giá trị văn hóaNằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà cổ của gia đình bà Vũ Thị Hà (khu 2, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) đã có hơn 100 năm tuổi. Trung bình mỗi năm, gia đình bà Hà đón tiếp trên 20 đoàn khách Việt Nam và quốc tế đến thăm quan ngôi nhà. Bà Hà chia sẻ: Chúng tôi luôn cố gắng tiếp đón du khách một cách chu đáo, tận tình nhất, tự tay chuẩn bị những món ăn ngon, đậm đà hương vị truyền thống để thiết đãi du khách với phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Không chỉ riêng bà Hà, ý thức được giá trị văn hóa truyền thống, người dân Hùng Lô cùng với các cấp chính quyền đang nỗ lực xây dựng nên nét đặc trưng văn hóa của thành phố Việt Trì. Ông Nguyễn Văn Vấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, Việt Trì là địa phương đầu tiên ban hành và áp dụng Quy tắc ứng xử văn hóa, từ đó góp phần quan trọng xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình và xây dựng phong cách công dân thành phố Việt Trì: “Thanh lịch, mến khách, thân thiện, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ”. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ, từng bước xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Song song với phát triển kinh tế, trong những năm qua, Phú Thọ đã có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với một tầm nhìn mới vì sự phát triển bền vững. Minh chứng rõ nét nhất là tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 316 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 242 di tích cấp tỉnh) và 369 lễ hội. Hàng năm, các cấp, ngành đều quan tâm đầu tư, có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp theo từng giai đoạn để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Qua đó đã nâng cao giá trị cũng như lan tỏa sức sống của di sản đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, chung tay góp sức của cộng đồng cùng đưa di sản văn hóa vùng Đất Tổ trường tồn trong dòng chảy văn hóa của Việt Nam và trong lòng bạn bè thế giới.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Phú Thọ tự hào bởi đã triển khai thành công nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống nhân dân, từ đó tạo dựng được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đồng thời huy động được sức dân, dựng xây nên những tập thể, cá nhân ưu tú, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Bài cuối : Di chúc Bác Hồ- Lời của non sôngNhóm Phóng viên TTXVN