Mỗi câu chuyện của khách mời là bài học quý giá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tới dự.
Khách mời tham gia chương trình giao lưu là những cá nhân điển hình tiêu biểu, những tấm gương bình dị nhưng có sức lan tỏa sâu rộng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác ở các địa phương phía Bắc.
Đó là một bác sỹ đã có đóng góp cho ngành Thần kinh học Việt Nam; người sáng lập cơ sở bảo trợ Thuận Hòa (ở bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), để giúp những người khuyết tật ở địa phương có công ăn việc làm; một cô giáo luôn truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh ở tỉnh Hưng Yên...
GS,TS. Lê Đức Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam chia sẻ kỷ niệm về buổi gặp Bác Hồ vào ngày Tết Trung thu độc lập đầu tiên năm 1945, những lời dạy giản dị của Bác Hồ đã ảnh hưởng đến con đường và sự nghiệp sau này của ông.
“Năm 1946, Bác Hồ đã dặn dò ngành Y là phải dấn thân vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào những chỗ đau khổ để làm dịu bớt đau khổ, lương y phải như từ mẫu, phải thương yêu, khiêm tốn với đồng bào, không được hách dịch, ban ơn. Những lời đó từ khi vào ngành Y đến giờ đội ngũ y, bác sỹ vẫn luôn tâm niệm. Do đó trong học tập, lao động cũng như sau này đi phục vụ, những người làm ngành Y không nề hà bất cứ công việc nào khi được nhà trường, bệnh viện, được Đảng, Chính phủ giao cho”, GS,TS. Lê Đức Hinh chia sẻ.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt những năm qua, GS,TS. Lê Đức Hinh luôn lấy việc phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân làm mục tiêu, trong giảng dạy nếu biết đến đâu dạy đến đó, không giấu dốt, thường xuyên học tập để cập nhật những kiến thức mới của ngành.
Tham gia chương trình giao lưu, chị Vi Thị Thuận ở bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chia sẻ về những động lực khi quyết định thành lập cơ sở sản xuất để giúp những người khuyết tật ở địa phương có được việc làm; những tâm tư, tình cảm của mình và mong muốn tạo được việc làm cho người khuyết tật.
“Ở cơ sở sản xuất, mỗi em có một dị tật khác nhau, quê quán và dân tộc khác nhau nhưng có điểm chung nhất đó là hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mình phải lựa chọn được các em yêu thích nghề dệt để phù hợp với sức khỏe và có điều kiện lao động nuôi sống bản thân. Ban đầu mới thành lập vô cùng khó khăn, nhưng mình luôn luôn kiên trì, giúp đỡ từng em khi các em chưa biết cầm kim, xâu chỉ để các em có được việc làm như ngày hôm nay”, chị Thuận xúc động khi kể về những khó khăn ngày bắt đầu mở cơ sở sản xuất cho những người khuyết tật.
Chương trình giao lưu càng trở nên có ý nghĩa khi xen giữa những chia sẻ của khách mời về công việc của mình là các bài hát về Bác, về quê hương, đất nước, những phóng sự về công việc thầm lặng của các khách mời. Những công việc của họ dù ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều tác động mạnh mẽ đến cộng đồng xã hội, tạo ra nhiều kết quả thiết thực.
Mỗi câu chuyện kể của khách mời trong chương trình đều là những bài học quý giá, để mỗi người có thể cùng soi vào, từ đó tự hoàn thiện mình hơn nữa trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn