Kon Tum: Chú trọng kiểm tra, giám sát ngăn ngừa sai phạm

24/12/2018 11:06
  • Print
  • Lượt xem: 2818

Bám sát các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã chú trọng đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao trách nhiệm trong các lĩnh vực công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Chú trọng kiểm tra những vụ việc bức xúc

Tỉnh Kon Tum có diện tích đất rừng hơn 6.000 ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nằm trong khu vực biên giới, xen kẽ núi cao, suối sâu. Thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng trái phép diễn ra phức tạp, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng. Điển hình là các vụ: Phá 5.278 ha rừng phòng hộ tại khu vực đèo Măng Đen, huyện Kon Rẫy; trộm gỗ và chống người thi hành công vụ tại rừng đặc dụng Đác Uy, huyện Đác Hà; vi phạm về quản lý bảo vệ rừng tại huyện Đác Glei… Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn tình trạng phá rừng, đồng thời yêu cầu ủy ban kiểm tra các cấp vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các tổ chức đảng, cán bộ liên quan những vi phạm nêu trên.

Sau khi kiểm tra, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, các cấp ủy đảng đã xử lý nghiêm những sai phạm. Vụ phá rừng tại huyện Kon Rẫy, dù có nhiều nguyên nhân khách quan như lực lượng mỏng, một cán bộ kiểm lâm phụ trách 1 km2 rừng, có thời điểm phải mắc võng trông rừng… nhưng UBKT Tỉnh ủy Kon Tum vẫn có những kết luận nghiêm khắc. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ làm rẫy trái pháp luật nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. UBND huyện Kon Rẫy chưa chủ động tham mưu, đề xuất triển khai các kế hoạch, biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Chi bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy, Chi bộ Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy chưa làm tròn nhiệm vụ, thiếu trung thực khi báo cáo, dẫn đến vi phạm kéo dài. Cấp ủy và UBKT các cấp quyết định xử lý kỷ luậtbằng hình thức khiển trách một tổ chức đảng và 13 đảng viên; về chính quyền, đã xử lý kỷ luật 16 cán bộ, công chức liên quan.

Về vụ trộm gỗ và chống người thi hành công vụ tại rừng đặc dụng Đác Uy, huyện Đác Hà, 1 tổ chức đảng và đảng viên bị xử lý kỷ luật cảnh cáo; khiển trách 3 đảng viên khác và quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng để khởi tố bị can đối với đảng viên là nhân viên Ban Quản lý rừng đặc dụng Đác Uy. Đối với vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đác Glei, một đồng chí giám đốc lâm trường bị cách chức, hai nhân viên quản lý rừng bị cảnh cáo. Ở cấp tỉnh, Tỉnh ủy quyết định kỷ luật Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Kon Tum vì thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực được phân công phụ trách.

Đánh giá, rút kinh nghiệm thực tiễn, đại diện UBKT Tỉnh ủy Kon Tum cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, làm rõ trách nhiệm, xử lý đúng người, đúng việc đã tích cực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nhờ vậy, tình trạng chặt phá rừng tại Kon Tum đã giảm. Ba tháng đầu năm 2018, chưa xảy ra vụ xâm hại rừng nào. Các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, chú trọng bảo vệ rừng giáp ranh, rừng nguyên sinh; tích cực trồng rừng phòng hộ, rừng đệm; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, truy bắt các đối tượng buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép.

Chấn chỉnh nền nếp kỷ luật

Tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, giờ làm việc đã hết nhưng cán bộ vẫn nhiệt tình hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính. Nhiều ý kiến người dân ghi nhận sự đổi mới tác phong công tác của cán bộ, nhân viên ở đây trong thời gian vừa qua. Đồng chí Lê Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy phường Quyết Thắng cho biết, phường có số dân đông, có chợ trung tâm, nhiều khu phố buôn bán quy mô lớn cho nên công tác quản lý, nhất là quản lý thương mại, thu chi ngân sách đòi hỏi yêu cầu cao ở đội ngũ cán bộ chủ chốt. Vì vậy, Đảng ủy phường đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh nền nếp tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhằm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây chính là sự đổi mới rõ nét ở phường.

Còn nhớ, hơn 3 năm trước, tình hình ở đây hoàn toàn khác. Cán bộ phường vì thiếu năng lực đã để xảy ra nhiều việc làm sai nguyên tắc, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, đảng viên. Điển hình là việc sử dụng không đúng mục đích số tiền hỗ trợ phòng, chống lụt bão; nợ tiền lương, bảo hiểm của cán bộ, công chức; đưa người thân vào làm hợp đồng trái quy định; thiếu dân chủ, mất đoàn kết nội bộ…UBKT Thành ủy Kon Tum đã vào cuộc kiểm tra toàn diện các mặt công tác của phường Quyết Thắng, làm rõ những sai phạm. Bí thư Thành ủy Kon Tum Lê Đình Quang cho biết, với tinh thần không bao che khuyết điểm cán bộ, Thành ủy Kon Tum căn cứ vào kết luận kiểm tra, mức độ vi phạm, đã quyết định thay Bí thư Đảng ủy phường, chuyển công tác hai đồng chí Chủ tịch UBND và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường.

Đồng chí Lê Văn Thanh chia sẻ, việc đầu tiên của anh trên cương vị Bí thư Đảng ủy phường Quyết Thắng là cùng Ban Thường vụ Đảng ủy rà soát, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấm dứt hợp đồng đối với số lao động hợp đồng sai quy định, thay thế cán bộ năng lực yếu, chú trọng kiểm tra những vị trí việc làm nhạy cảm như kế toán, văn phòng cấp ủy… Ban Thường vụ cũng chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra thực hiện quy định về tài chính, giải quyết tồn đọng về nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động. Sự quyết liệt của ban lãnh đạo mới đã khắc phục hạn chế, yếu kém trước đây, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên; Đảng bộ đoàn kết, thống nhất. Lần đầu tiên, Đảng ủy phường tổ chức thành công Hội thi Bí thư chi bộ giỏi, được Thành ủy khen thưởng.

Tháng 10-2017, thành phố Kon Tum nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng nhà xưởng không phép và khai thác đất sét trái phép tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung, phường Ngô Mây. Thành ủy quyết định kỷ luật khiển trách Chủ tịch UBND phường và cán bộ địa chính. Sau đó, tình hình trở lại ổn định, không còn tình trạng khai thác tài nguyên trái phép. Từ tình hình thực tiễn, tháng 12-2017, thành phố Kon Tum ban hành quy định về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị, tập trung vào việc chấp hành kỷ luật lao động, thái độ ứng xử với nhân dân. Quy định nêu rõ đơn vị, địa phương xếp loại từ trung bình trở xuống hoặc bị hạ hai bậc xếp hạng cải cách hành chính so với năm trước thì tập thể và người đứng đầu đơn vị, địa phương đó không được xét thi đua, khen thưởng trong năm. Qua kiểm tra cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.

Theo đồng chí Y Thị Bích Thọ, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Kon Tum, không chỉ Thành ủy Kon Tum mà hầu hết các cấp ủy trong tỉnh đều tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát như kiểm tra đột xuất, giám sát mở rộng, trong đó chú trọng việc chấp hành kỷ luật đảng của cán bộ, đảng viên, do đó đã tạo nhiều chuyển biến ở các đơn vị. Điển hình là tại Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, những cán bộ sau khi bị xử lý kỷ luật vì vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, đã nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm và tích cực sửa chữa, khắc phục. Ở xã Tân Cảnh và xã Ngọc Tụ (huyện Đác Tô), sau khi các cấp ủy đảng kiểm tra, xem xét kỷ luật các cán bộ sử dụng bằng THPT giả thì tinh thần tự học, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, công chức cơ sở chuyển biến rõ nét.

Đồng chí Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, năm 2017, các cấp ủy đảng tỉnh Kon Tum đã tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó giúp các tổ chức đảng và đảng viên thấy được ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục… Tuy nhiên, thiếu tính phát hiện, nhiều vụ vi phạm của cán bộ, đảng viên chủ yếu do phản ánh qua báo chí và đơn thư tố cáo của người dân. Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, công tác cán bộ… hầu như chưa phát hiện được tiêu cực. Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian tới, Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực khó, nhạy cảm; tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng rà soát phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên, chủ động ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

(Theo nhandan.com.vn)

 

VIDEO