Gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn
Tỉnh Bắc Kạn hiện có nhiều sản phẩm đặc sản như: Gạo Bao thai Chợ Đồn, Gạo nếp nương, Miến dong, Khoai sọ, Lạp sườn, Hồng không hạt, cam, quýt, bí xanh thơm, rượu men lá… là những sản phẩm có thể phát triển để tạo thành thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài các sản phẩm đặc trưng về văn hóa ẩm thực, còn có các sản phẩm thủ công truyền thống, văn hóa đặc trưng cho mỗi vùng miền, nhiều điểm danh lam thắng cảnh tập trung ở vùng nông thôn…
Sự vào cuộc đồng bộ
Ông Nông Ngọc Huấn, Phó chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn cho biết, xác định thực hiện Chương trình OCOP là một giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, coi đây là giải pháp thực hiện một trong bốn nhiệm vụ trong tâm tại Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; là một nội dung của Chương trình hành động số 04 của Tỉnh ủy, trên cơ sở đó UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương tập trung tổ chức thực hiện. Ngay từ năm 2016 tỉnh đã thành lập Ban điều hành Đề án/Chương trình; tổ chức điều tra các sản phẩm theo 6 nhóm ngành hàng để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu phục vụ xây dựng Đề án; tổ chức xây dựng và phê duyệt Đề án của tỉnh giai đoạn 2018-2020. Đồng thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cho từng năm. Tháng 4/2019, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Qua gần 2 năm tổ chức triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đúng theo chu trình OCOP với 6 bước trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, theo hướng đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Các bước triển khai chu trình cụ thể gồm: 1) Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; 2) Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; 3) Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; 4) Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; 5) Đánh giá và xếp hạng sản phẩm; 6) Xúc tiến thương mại. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ quan chủ trì được giao thực hiện đề án luôn bám sát theo các nội dung và thời gian cụ thể đã được ban hành theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Nâng cao vai trò của các thành viên
Để có được kết quả đó, vai trò đóng góp của các Sở, ban, ngành trong thực hiện chương trình là rất quan trọng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường theo đúng quy chuẩn OCOP. Cụ thể như: đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chứng nhận, công bố hợp quy về chất lượng, an toàn thực phẩm; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP (hội chợ, triển lãm....); điểm giới thiệu và bán sản phẩm; đăng ký công bố chất lượng, sở hữu trí tuệ sản phẩm, hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch,…
Ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch Hội doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn cho biết, ngay sau khi thành lập, Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn tổ chức nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Điều kiện tự nhiên và xã hội tỉnh Bắc Kạn khá thuận lợi khi thực hiện Đề án OCOP vì có nhiều nông sản đặc trưng có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường. Người tiêu dùng đã từng bước biết đến các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Bắc Kạn như gạo nếp Khẩu Nua Lếch, miến dong Bắc Kạn, hồng không hạt Ba Bể, cam Chợ Đồn, quýt Bạch Thông, thịt dê, trâu, bò, ngựa Pác Nặm, rượu ngô men lá, mơ ngâm, thịt hun khói….
Việc thành lập Hội doanh nhân OCOP đã giúp các thành viên tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn có hơn 90 hội viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh hàng chục sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Trong đó, có 37 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên theo tiêu chí xếp hạng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được người tiêu dùng đánh giá cao.
“Hội doanh nhân OCOP đang từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân vùng nông thôn trong việc thay đổi về phong cách, tập quán sản xuất cũ, manh mún, nhỏ lẻ tự phát. Đến nay người dân đã dần từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với việc giới thiệu, quảng bá, tiếp thị và xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đa dạng”, ông Nguyễn Đình Tân cho biết.
Nguồn: http://vca.org.vn