BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Cải cách nền hành chính với việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

01/08/2015 10:12

Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ trân trọng giới thiệu bài viết "Cải cách nền hành chính với việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức" của đồng chí Vũ Viết Thịnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ.

Ngày 28/8/1945, ngày ra đời của Bộ Nội vụ trong cơ cấu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trở thành “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước”; Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 17/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28/8 hàng năm làm “Ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước”. Trong 70 năm qua, trải qua nhiều chặng đường lịch sử, với những tên gọi khác nhau của Bộ Nội vụ, của cơ cấu tổ chức ngành Tổ chức Nhà nước, nhưng 70 năm qua đã ghi dấu nhiều bước tiến trưởng thành và phát triển, nhiều thành tích rất đáng tự hào của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức Nhà nước; và sẽ hòa chung vào không khí hào hùng của cả nước, cả dân tộc tiến tới chào mừng 70 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Kỷ niệm và chào mừng ngày thành lập Bộ Nội vụ và “Ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước” là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức Nhà nước gặp gỡ, ôn lại quãng đường 70 năm lịch sử xây dựng và phát triển trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc , thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để tôn vinh ngành Tổ chức Nhà nước với những thành tích quan trọng và nổi bật đã đạt được trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân; đồng thời với việc đảm đương ngày càng tốt hơn vai trò quản lý với mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn đã qua và hiện nay, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển sôi động của đất nước trong tiến trình tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế.

Xuyên suốt chặng đường 70 năm qua, chức năng, nhiệm vụ trọng tâm và chủ yếu của Bộ Nội vụ là tổ chức bộ máy nhà nước với nhiều nội dung, trong đó có nội dung quan trọng hơn cả là xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính các cấp nói riêng. Theo dòng lịch sử hình thành và phát triển của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước với từng giai đoạn, thời kỳ đều thấy rõ yêu cầu luôn luôn phải cải tiến, cải cách mô hình tổ chức bộ máy hành chính với việc xây dựng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của bộ máy đó sao cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu cải tiến, cải cách bộ máy hành chính. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới đất nước hiện nay với yêu cầu phải dần xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung với nhiều nội dung đã trở thành quan liêu bao cấp để hướng đến thực hiện các cơ chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiến hành việc chuyển đổi được coi như là một cuộc cách mạng với biện pháp cần phải làm là tiến hành cải cách – cải cách kinh tế, cải cách tư pháp, cải cách hành chính …trong đó cải cách hành chính là một trong các nội dung quan trọng hàng đầu vì liên quan đến bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện quyền hành pháp quản lý hành chính nhà nước.

Tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước trong giai đoạn đổi mới và thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay nhằm vào hai nội dung quan trọng là từng bước tinh giản bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Nói cách khác là hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả xã hội yêu cầu phải cải cách hành chính để khắc phục tình trạng bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức cấu thành và các cấp, các ngành chồng chéo; chức trách, thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không rõ ràng, nhiều chức danh không xứng danh và không chịu trách nhiệm, tinh thần làm việc thiếu say sưa, thiếu kiến thức, kém hiệu quả.

Mục tiêu phát triển kinh tế bền vững yêu cầu phải có thượng tầng kiến trúc chuyển đổi sao cho phù hợp với, thích ứng với hạ tầng cơ sở, chính vì vậy phải cải cách nền hành chính, phải cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Xã hội yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước để qua đó trông đợi một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tài giỏi, làm việc có hiệu quả, liêm khiết và có bản sắc văn hóa cao. Nhà nước yêu cầu phải xây dựng bộ máy hành pháp, hành chính, chính quyền hiện đại, có sức mạnh. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và khoa học hành chính yêu cầu phải xây dựng và sử dụng công cụ luật pháp để quản lý, quản trị nền hành chính và cải cách nền hành chính trên nền tảng ý nghĩa tổng hợp của triết học, kinh tế học, chính trị học, luật pháp học, xã hội học, thẩm mỹ học …để từ đó tạo ra các quan niệm giá trị mới cho công cuộc đổi mới, cho tiến trình cải cách hành chính. Mục tiêu là phải xây dựng, đào tạo, nuôi dưỡng, bồi dưỡng cho được đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đúng nghĩa là “công bộc” của nhân dân, đội ngũ viên chức thực sự làm dịch vụ công hiệu quả cho nhà nước và xã hội và xây dựng, đào tạo được đội ngũ doanh nhân ưu tú để thúc đẩy phát triển kinh tế có hiệu quả và bền vững.

Thực tế đã phản ảnh rằng quá trình cải cách trong bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt là trong tiến trình cải cách hành chính, thực chất đều là quá trình thay đổi, điều chỉnh lợi ích và thượng tôn lợi ích nhân dân, xã hội và nhà nước. Chính vì vậy tất nhiên phải có một bộ phận của cơ cấu tổ chức và đặc biệt có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ phải chịu cái sự được cho là thiệt thòi và từ đó chắc chắn sẽ nẩy sinh trở lực kìm hãm tiến trình cải cách. Xây dựng chế độ chính sách để từng bước giải quyết và ngăn cản trở lực kìm hãm này là một quá trình khó, đòi hỏi sự kiên trì, khách quan và linh hoạt của quá trình quản lý, chuyển đổi cơ chế đánh giá, tổng hợp chính xác các thay đổi xã hội để xác định chính sách điều chỉnh các mối quan hệ xã hội cho phù hợp.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2001 -2010 và giai đoạn 2011 – 2020, trong đó với vai trò của Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ quản lý, điều phối, tổng hợp kết quả …của tiến trình cải cách hành chính; nếu cô đọng lại các nội dung có thể tổng hợp thành mục tiêu và nguyên tắc cải cách hành chính mà Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức Nhà nước phải tiến tới làm cho được là: Về mục tiêu sẽ tiến đến xây dựng cho được một hệ thống quản lý hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có tính quy phạm, vận hành nhịp nhàng, trọng tâm trọng điểm nâng cao được hiệu quả đảm bảo mọi mặt cho an sinh xã hội. Để làm được việc này sẽ phải từng bước hoàn thiện chế độ công vụ với đội ngũ cán bộ công chức nền hành chính, có phẩm chất, chuyên môn hóa cao, có bản sắc văn hóa dân tộc và thích ứng với hội nhập quốc tế và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về nguyên tắc cần có sự chuyển đổi chức năng của bộ máy hành chính đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quản lý nhà nước bằng pháp luật; điều hành nền hành chính bằng pháp luật và tăng cường xây dựng hệ thống pháp chế cho nền hành chính; điều chỉnh và tinh giản bộ máy hành chính đi đôi với việc tinh giản biên chế và xác định rõ chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức; hoàn thiện cơ chế vận hành nền hành chính giữa cơ quan hành chính với đơn vị sự nghiệp công, dịch vụ công và các tổ chức sản xuất kinh doanh; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Sau gần 30 năm đất nước tiến hành đổi mới và cũng gần từng đó thời gian Chính phủ tiến hành và ngày càng tăng cường cải cách nền hành chính. Bộ Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã có những báo cáo hàng năm, 5 năm và tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010, thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020 của Chính phủ với nhiều kết quả đã đạt được theo như mục tiêu và nguyên tắc đã nêu trên. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ và chính quyền địa phương đã được tinh gọn hơn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm đã được quy định cụ thể rõ hơn, hệ thống pháp luật về tổ chức nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung và xây dựng hoàn thiện hơn như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật bầu cử…Đặc biệt, với vai trò của mình Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức Nhà nước đã xây dựng và được ban hành Pháp lệnh cán bộ công chức (1998) để về căn bản theo nội dung của Pháp lệnh này đã tách biệt được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước của các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước với đội ngũ lao động của các tổ chức sản xuất kinh doanh. Sau đó theo Luật cán bộ, công chức (2008) và Luật viên chức (2010) đã từng bước làm rõ và dần có cơ chế tách biệt được đội ngũ cán bộ công chức của các cơ quan hành chính nhà nước và đội ngũ viên chức của các đơn vị sự nghiệp; đồng thời với việc tiến hành xây dựng xác định hệ thống vị trí việc làm gắn với việc xây dựng cơ chế và biên chế. Đây là những nội dung quan trọng, cơ bản làm tiền đề cho việc từng bước tinh gọn và xây dựng chế độ, chính sách cụ thể hơn cho đội ngũ cán bộ công chức các cơ quan hành chính và đội ngũ viên chức cho các đơn vị sự nghiệp, đồng thời cũng làm tiền đề cho việc xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản trị nhà nước sau này theo xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ và kỷ niệm ngày truyền thống “ngành Tổ chức Nhà nước”, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành báo cáo kết quả của cả quá trình đã qua của Bộ và của ngành, sẽ rút ra những bài học sâu sắc để tuyên truyền và động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ và ngành Tổ chức Nhà nước; đồng thời cũng sẽ xác định những nội dung cần phải làm cho thời gian tiếp theo nhằm động viên, huy động sức sáng tạo, niềm say mê và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức Nhà nước phấn đấu thực hiện. Những nhiệm vụ sắp tới sẽ ngày càng nhiều với trách nhiệm yêu cầu ngày càng cao để đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi của đổi mới, hội nhập và tăng cường công tác cải cách hành chính. Xin được tham gia một số đề xuất nhỏ về phương hướng xây dựng chế độ, chính sách theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, của ngành Tổ chức Nhà nước để cùng suy ngẫm, nghiên cứu.

Thứ nhất, cần xây dựng chế độ, chính sách thật tốt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ hiện đang công tác.

Hiện tại, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao đề án xây dựng Nghị định của Chính phủ nhằm thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tri thức trẻ. Đây là một bước chuẩn bị cho tương lai, rất cần phải tiến hành. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng quá khứ và hiện tại sẽ là bệ phóng cho tương lai bay cao lên. Nếu như có chế độ, chính sách tốt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ hiện đang công tác thì khi đó không chỉ các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tri thức trẻ mà nhiều đối tượng khác nữa sẽ tự đi tìm bệ phóng để được bay cao hơn vào tương lai bằng cả sức trẻ và lòng hăng hái của mình. Như vậy, trước mắt chế độ, chính sách phải tạo điều kiện sao cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ chủ động có việc để phát huy được khả năng, sở trường, nhu cầu tiến bộ và thấy được lộ trình thăng tiến nhanh trong công tác …Ví dụ, có kế hoạch trong mỗi đơn vị mạnh dạn có lãnh đạo trẻ; có phòng, nhóm, tổ gồm công chức, viên chức trẻ được giao việc tương xứng, độc lập, tự chủ, có hình thái thi đua trong công tác chuyên môn để công chức, viên chức trẻ thể hiện, rèn luyện khả năng nhằm vươn tới tương lai …

Thứ hai, đổi mới các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 Đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức về thời đại, chính trị, kinh tế học, xã hội học. Ví dụ, nên có kế hoạch đầu tư để có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về hội nhập và quan hệ đối tác quốc tế gắn liền với việc phát triển bền vững, bản sắc văn hóa; chương trình về thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước với hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, chương trình về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với quản lý, quản trị nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và các loại hình dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp nhà nước; chương trình về cải cách hành chính và cơ chế quản lý, chế độ, chính sách các mặt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức …

Thứ 3, thúc đẩy làm rõ và cụ thể hóa hơn nữa chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ nhằm thực hiện có kết quả cụ thể về bình đẳng giới và chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ.

 Nội dung này rất lớn vì vai trò lao động nữ trong các cơ quan hành chính và sự nghiệp sẽ ngày một tăng. Theo quy định ưu việt của đất nước ta hiện nay, lao động nữ được hưởng chế độ hưu khi đủ 55 tuổi (nói chung). Về nhận thức thì xã hội là phần nhiều lao động nữ đều thấy là ưu việt, nhưng thực tế vẫn còn tâm tư. Ví dụ, cùng chức vụ, cùng tuổi nhưng được hưởng hưu sớm cho nên lương khi nghỉ thấp hơn nam giới ít nhất 2 bậc dẫn đến lương hưu thấp hơn, cả một số đông như vậy cho nên lao động nữ thấy có sự chưa thỏa đáng và tạo nên vết gợn trong quan hệ xã hội. Nên chăng xem xét có chế độ, chính sách để giải quyết rút ngắn khoảng cách này, từ đó sẽ tốt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ đang công tác thấy được sự ưu việt, yên tâm hơn.

Thứ 4, Hiện đại hóa nền hành chính gắn liền với xây dựng Chính phủ điện tử.

 Để xây dựng được Chính phủ điện tử thì yêu cầu phải có cơ chế quản lý, xử lý, giữ gìn bảo mật, thanh lọc thông tin quản lý, quản trị nhà nước bằng điện tử. Điều này sẽ yêu cầu phải có đề án xây dựng về tổ chức và đội ngũ chuyên nghiệp. Quản lý nhà nước, quản trị nhà nước, quản lý dữ liệu chuyên môn của nền hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước phải có sự khác biệt với dịch vụ công, sự nghiệp công về công nghệ thông tin. Chính sự khác biệt này là tiền đề cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để thực thi công việc của chính phủ điện tử. Việc này đồng nghĩa với việc xây dựng và mô hình tổ chức, xác định vị trí việc làm, cơ cấu, biên chế, chức danh tiêu chuẩn công chức, điều kiện làm việc, chức trách và trách nhiệm, chế độ chính sách …trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. Đây sẽ là một trong các nội dung của động lực cho hội nhập và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nền hành chính nước ta.

Thứ 5, nên đầu tư nghiên cứu xây dựng cơ chế hữu hiệu làm rõ bản chất công việc của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cho nền hành chính.

Vai trò quản lý nhà nước, quản trị nhà nước thực thi quyền hành pháp của đội ngũ công chức và vai trò của đội ngũ viên chức thực thi việc nghiên cứu, đề xuất các phương án nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, từ đó giúp cho các cơ quan hành chính có nhiều sự lựa chọn phương thức quản lý. Một trong các nội dung thường được lựa chọn phương thức quản lý là sử dụng thuê khoán kèm trách nhiệm, uy tín của đơn vị sự nghiệp.

Thứ 6, xem xét tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển dụng công chức hàng năm

Một trong các nội dung của Luật cán bộ công chức và Luật viên chức được đánh giá có tính cải cách hiện thực là vấn đề thực hiện việc tổ chức thi đề cao tính cạnh tranh. Mặt khác, trong hai luật trên cũng nêu rõ việc tiến hành xây dựng các nội dung xác định vị trí việc làm gắn liền với việc xác định cơ cấu và biên chế đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này cho thấy rằng trong tương lai sẽ tiến đến việc phải xem xét tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển dụng công chức hàng năm. Tuy nhiên, để làm được việc này rất cần sự nỗ lực vì việc xây dựng và xác định được hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu công chức, biên chế đòi hỏi phải có quá trình, nếu làm nhanh được thì rất tốt cho việc nâng cao năng lực mọi mặt đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan hành chính nhà nước; và sau đó áp dụng cho đội ngũ viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt, đề nghị nên xem xét phân định các loại hình thi sao cho phù hợp với các hoàn cảnh, đặc thù, không gian và thời gian…cho nhu cầu thi. Hai là: Thi đề cao tính cạnh tranh nhưng có hạn chế (giành cho các thành phần cần cho nhu cầu). Ba là: Thi đề cao tính cạnh tranh cho những đối tượng được đề cử. Bốn là: thi sát hạch để xem xét khả năng. Năm là: thi đề cao tính cạnh tranh về sự hiểu biết rộng, chuyên sâu (giành cho các nhân sự cấp cao hoặc chọn lựa làm chủ đề án, dự án chuyên biệt…). Như vậy, với mỗi loại hình thi sẽ áp dụng cho việc thi ở cơ quan Trung ương, chuyên ngành và địa phương để phù hợp hơn trong thực tiễn.

Tác giả: Vũ Viết Thịnh - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ.

 

Tìm kiếm