Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên phát biểu
tại Lễ kỷ niệm 57 năm Ngày Truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2002). Ảnh Trần Tân
Bộ Nội vụ là một trong 26 Bộ và cơ quan ngang Bộ của Chính phủ khóa XI, nhiệm kỳ (2002-2007) do Quốc hội khóa XI quyết định. Ngày 19/9/2002, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 123/QĐ-TTg về việc chuyển Học viện Hành chính quốc gia về Bộ Nội vụ. Việc đổi tên Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ và việc sáp nhập Học viện Hành chính quốc gia về Bộ Nội vụ là bước phát triển quan trọng của Bộ Nội vụ. Điều đó cũng chứng tỏ, Bộ Nội vụ ngày càng đảm nhận vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, ngày 09/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương, quản lý địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; tổ chức hội và tổ chức phi Chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
Nghị định quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Bộ Nội vụ, đó là:
1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án Luật, Pháp lệnh và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
5. Về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án về: cơ cấu tổ chức của Chính phủ; thành lập, sáp nhập, giải thể, bãi bỏ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân; phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cơ chế quản lý đối với các tổ chức sự nghiệp nhà nước; quy định phân loại các tổ chức hành chính và sự nghiệp nhà nước; các đề án về tổ chức các cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ; thẩm định các đề án về điều chỉnh cơ cấu tổ chức các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân.
6. Về tổ chức chính quyền địa phương: Trình Chính phủ đề án về nguyên tắc và tiêu chí phân loại đơn vị hành chính; thành lập mới, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật; thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thống nhất quản lý công tác bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các đại biểu Hội đồng nhân dân; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban nhân dân thực hiện công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; hướng dẫn kiểm tra hoạt động của ủy ban nhân dân; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn...
7. Về địa giới hành chính: Nghiên cứu cơ bản về địa giới hành chính, xây dựng các nguyên tắc về quản lý, phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính; trình Chính phủ đề án về thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp, giải quyết hoặc hướng dẫn chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề tranh chấp địa giới hành chính theo phân cấp; quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
8. Về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước: Trình Chính phủ đề án về: phân công, phân cấp quản lý cán bộ, công chức và biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước và cán bộ cơ sở; chính sách, chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, cán bộ dân cử, cán bộ xã, phường, thị trấn; tiền lương lực lượng vũ trang và viên chức giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước và lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước; trình Thủ tướng Chính phủ đề án về sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và cơ cấu ngạch công chức;
Tổng hợp biên chế hành chính, sự nghiệp hàng năm của các cơ quan nhà nước. Ban hành các quy định về chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ngạch công chức;
Thống nhất quản lý chương trình, phương thức và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính nhà nước; làm thường trực công tác cải cách chính sách tiền lương nhà nước; thẩm định về nhân sự đối với các chức danh cán bộ, công chức do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ; quyết định việc bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ theo phân cấp.
9. Về tổ chức Hội và các Tổ chức phi chính phủ: Trình Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, phê duyệt điều lệ Hội, Tổ chức phi chính phủ. Hướng dẫn và quyết định cho phép thành lập, giải thể, phê duyệt điều lệ của Hội và Tổ chức phi chính phủ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện điều lệ đối với các Hội, Tổ chức phi chính phủ.
10. Về cải cách hành chính nhà nước: Trình Chính phủ các đề án chung về cải cách hành chính trong từng giai đoạn và tổ chức thực hiện các chương trình cải cách hành chính về lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; thẩm định các đề án cải cách hành chính do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ; làm thường trực công tác cải cách hành chính của Chính phủ.
11. Về công tác văn thư, lưu trữ: Trình Chính phủ đề án về quản lý công tác văn thư và tài liệu lưu trữ quốc gia; ban hành các quy định về quản lý công tác văn thư và tài liệu lưu trữ quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan nhà nước thực hiện các quy định về quản lý công tác văn thư, lưu trữ.
12. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính nhà nước. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của Bộ; chủ trì tổ chức và thực hiện các hoạt động hợp tác trong ASEAN về lĩnh vực công vụ...
13. Kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực công tác thuộc thẩm quyền của Bộ.
14. Trình Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng con dấu; hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng con dấu của các cơ quan nhà nước.
15. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước, khoa học hành chính và ứng dụng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công tác của Bộ.
16. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
17. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Đỗ Quang Trung tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên
nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước năm 2005. Ảnh: Trần Tân
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có 12 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Vụ Tổ chức - Biên chế; Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Công chức - Viên chức; Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước; Vụ Tiền lương; Vụ Tổ chức phi Chính phủ; Vụ Cải cách hành chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra; Văn phòng (có cơ quan thường trực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng).
Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ gồm: Học viện Hành chính Quốc gia; Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức nhà nước; Tạp chí Tổ chức nhà nước; Trung tâm Tin học.
Thực hiện Nghị định số 45/2003/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ tiến hành kiện toàn tổ chức, bộ máy các đơn vị trong Bộ. Từ ngày 17/7/2003 đến hết ngày 23/12/2003, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra 15 quyết định quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các đơn vị trong Bộ Nội vụ.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ gồm có: đồng chí Đỗ Quang Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Đặng Quốc Tiến, Thang Văn Phúc, Nguyễn Trọng Điều, Nguyễn Ngọc Hiến và Trần Hữu Thắng.
Sự đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ trong những năm đầu thế kỷ XXI đã tạo tiền đề để Bộ Nội vụ thực hiện tốt những nhiệm vụ to lớn được Đảng, Nhà nước giao./.
Thanh TuấnXem toàn văn tại File đính kèm dưới đây.