BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nghị định số 181/CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ

16/06/2020 17:06

Năm 1992, Hiến pháp mới được ban hành thay thế Hiến pháp năm 1980. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Chính phủ mới, ngày 30/9/1992, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ được xác định là cơ quan ngang Bộ với tên gọi là Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Bộ trưởng Đỗ Quang Trung phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tổ chức nhà nước
và biểu dương Chủ tịch UBND cấp xã lần thứ nhất năm 2004. Ảnh: Trần Tân

Ngày 09/11/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Theo đó, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng qua lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, công chức và viên chức Nhà nước, lập Hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ, phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể:

1. Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy của Chính phủ về tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách nền hành chính quốc gia, công chức và viên chức Nhà nước, việc thành lập và hoạt động của các Hội quần chúng, tổ chức phi Chính phủ, phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định; tổ chức thực hiện các dự án luật, pháp lệnh, văn bản pháp quy nói trên sau khi được phê duyệt.

2. Xây dựng các đề án tổ chức cơ cấu Chính phủ, đề án thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ, cơ quan ngang Bộ để Chính phủ trình Quốc hội; Trình Chính phủ quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan thuộc Chính phủ. Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập những doanh nghiệp quan trọng của Nhà nước thuộc Trung ương quản lý.

3. Thẩm định và trình Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức quản lý Nhà nước khác thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và tổ chức, hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thẩm định và có ý kiến đối với các dự án của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế Nhà nước. Tham gia ý kiến với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ việc trình Chính phủ quyết định phân cấp nhiệm vụ và nội dung quản lý Nhà nước của ngành cho Uỷ ban nhân dân địa phương.

4. Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép lập Hội quần chúng, tổ chức phi Chính phủ theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc lập Hội và hoạt động của các Hội quần chúng, tổ chức phi Chính phủ; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến lập Hội và hoạt động của các Hội quần chúng, tổ chức phi Chính phủ.

5. Trình Chính phủ quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Nhà nước, đại biểu Hội đồng nhân dân, quy chế quản lý, chính sách, chế độ đối với công chức, viên chức Nhà nước và cán bộ xã, phường, thị trấn; tổ chức thực hiện các vấn đề trên sau khi được phê duyệt.

6. Trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch biên chế hàng năm, quy định về tiêu chuẩn và định mức biên chế phân bổ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác do Thủ tướng Chính phủ quy định; quy chế về quản lý biên chế; phân bố chỉ tiêu biên chế; tổ chức việc thống kê công chức, viên chức trong cả nước. Phối hợp với Bộ Tài chính quản lý quỹ tiền lương công chức, viên chức Nhà nước.

Trình Chính phủ quy chế phân cấp quản lý công chức. Ban hành chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức, quy chế thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, và đánh giá công chức, viên chức Nhà nước. Quản lý công chức cao cấp theo quy định của Chính phủ.

7. Trình Chính phủ quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn làm căn cứ để xét duyệt việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính.

Trình Chính phủ quyết định việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Chính phủ đề án thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề điểu chỉnh địa giới, tranh chấp địa giới hành chính.

8. Giúp Chính phủ chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân theo quy định của pháp luật.

9. Xây dựng và quản lý ngành lưu trữ Nhà nước, quản lý tập trung thống nhất tài liệu lưu trữ quốc gia. Ban hành theo thẩm quyền các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ quốc gia.

10. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức.

11. Hướng dẫn và chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
12. Thanh tra, kiểm tra các cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, và công dân trong việc thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước thuộc lĩnh vực do Ban phụ trách.

Cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ gồm 10 đơn vị: Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Tổ chức; Vụ Công chức và viên chức; Vụ Biên chế và Tiền lương; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Thanh tra - Pháp chế; Vụ Đào tạo; Cục Lưu trữ Nhà nước; Viện Nghiên cứu khoa học tổ chức Nhà nước; Văn phòng (có bộ phận thường trực ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Nha Trang).

Căn cứ Nghị định số 181/CP ngày 09/11/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ, ngày 11/3/1995, Bộ trưởng – Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ ký ban hành Quyết định số 15/TCCP-CB quy định cơ cấu tổ chức của cơ quan.

Theo Quyết định số 15/TCCP-CB, Bộ trưởng – Trưởng ban quyết định thành lập và tổ chức cơ cấu các đơn vị của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ như sau: Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Tổ chức; Lập Vụ Công chức và Viên chức trên cơ sở Vụ Cán bộ hiện có; Lập Vụ Biên chế và Tiền lương trên cơ sở Vụ Viên chức hiện có; Lập Vụ Hợp tác quốc tế; Lập Vụ Thanh tra – Pháp chế trên cơ sở tách Vụ Tổng hợp và Pháp chế hiện có; Lập Vụ Đào tạo trên cơ sở tách Vụ Tổng hợp và Pháp chế hiện có; Lập Viện Nghiên cứu Khoa học tổ chức nhà nước trên cơ sở Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Thông tin hiện có; Cục Lưu trữ nhà nước; Văn phòng Ban (trong đó có bộ phận Thường trực của Ban tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Nha Trang, Khánh Hoà).

Trong hai năm 1998 – 1999, cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ được tiếp tục kiện toàn một bước; một số đơn vị mới được thành lập: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổ chức phi chính phủ; Tổ Cải cách hành chính (9/1998) sau nâng lên thành Vụ Cải cách hành chính (2002). 

Đồng thời, Ban còn sắp xếp lại và đổi tên một số đơn vị cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới: Vụ Tổ chức đổi thành Vụ Tổ chức - Biên chế nhà nước; Vụ Biên chế – Tiền lương đổi thành Vụ Tiền lương nhà nước (8/1998); giải thể Vụ Đào tạo để thành lập Cục Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước (1998). 

Ngoài ra, để triển khai thực hiện các Dự án quốc tế hỗ trợ cải cách hành chính, trong hai năm 1998-1999, Bộ trưởng – Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ đã quyết định thành lập các Ban Quản lý Dự án gồm: Ban Quản lý Dự án ADB/3023/VIE; Ban Quản lý Dự án Quốc gia UNDP/VIE/97/001; Ban Quản lý Dự án Na Uy; Ban Quản lý Dự án Việt Nam - Sida (Thụy điển).

Trong thời kỳ này, đội ngũ cán bộ lãnh đạo Ban đã có sự thay đổi và bổ sung đáng kể: Năm 1996, đồng chí Phan Ngọc Tường nghỉ quản lý, đồng chí Đỗ Quang Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. 

Tháng 10/1997, đồng chí Đặng Quốc Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. 

Nhằm tăng cường đội ngũ lãnh đạo, bên cạnh các đồng chí Phó Trưởng ban Tô Tử Hạ, Nguyễn Khắc Thái, lãnh đạo Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ đề nghị Chính phủ và cấp trên xem xét, bổ nhiệm hai đồng chí Phó Trưởng ban, đó là: đồng chí Thang Văn Phúc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tổ chức nhà nước (năm 1998); đồng chí Nguyễn Trọng Điều, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước (năm 1999)./.

Thanh Tuấn

Xem toàn văn tại File đính kèm dưới đây.

Tìm kiếm