BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nghị định số 14/NV – Nghị định đầu tiên về tổ chức của Bộ Nội vụ

16/06/2020 17:28

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra Tuyên cáo gửi toàn thể quốc dân đồng bào. 
Theo đó, Toàn quốc đại biểu hội họp ngày 16, 17/8/1945 đã cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức là Chính phủ nhân dân lâm thời Việt Nam để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành quyền độc lập.

Thành viên Chính phủ lâm thời. Ảnh tư liệu

Sau ngày lịch sử 19/8/1945, chính quyền toàn quốc đã vào trong tay Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Toàn dân tộc đúc thành một khối, ủng hộ chính quyền thoái vị nhường quyền cho Chính phủ nhân dân lâm thời. Phong trào cứu quốc cao với các tầng lớp nhân dân sôi nổi một bầu nhiệt huyết. Ai nấy đều sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ nhân dân lâm thời, sẵn sàng đứng dậy chống ngoại xâm, phá âm mưu khôi phục nền thống trị của Pháp.

Nhiệm vụ của Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, tuân theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân đã giao phó cho.

Chính phủ lâm thời có 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cơ cấu Chính phủ gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Ngay sau khi thành lập, Bộ Nội vụ đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao như: chuẩn bị các điều kiện và tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội; nghiên cứu thành lập các tổ chức của Chính phủ; xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền địa phương các cấp; thiết lập chế độ công chức mới…

Ngày 01/01/1946, Chính phủ lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời. Ngày 19/01/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký ban hành Nghị định số 14/NV về tổ chức Bộ Nội vụ. Nghị định gồm 02 chương và 06 điều quy định nhiệm vụ của các nhân viên và cơ quan chức năng của Bộ.

Theo Nghị định số 14/NV, giúp việc ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ có: 

1) Ông Đổng lý Văn phòng để điều khiển các công việc hành chính;

2) Ông Chánh Văn phòng để điều khiển các công việc chính trị và đặc biệt.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ gồm có Văn phòng và 04 Nha.

Văn phòng có nhiệm vụ giúp việc trực tiếp ông Bộ trưởng. Văn phòng đặt dưới quyền điều khiển của ông Chánh Văn phòng, có các ông tham chính văn phòng giúp việc.

Các Nha có nhiệm vụ giúp ông Đổng lý Văn phòng. Các Nha đặt dưới quyền điều khiển của ông Đổng lý Văn phòng và các ông Giám đốc các Nha.

1) Nha Công chức và Kế toán, có nhiệm vụ: nhân viên trong Bộ, kế toán.

2) Nha Pháp chế và Hành chính có nhiệm vụ: phụ trách công việc pháp chính và hành chính.

3) Nha Thanh tra có nhiệm vụ: phụ trách công việc thanh tra hành chính và chính trị.

4) Nha Công an có nhiệm vụ phụ trách công việc trị an.

Như vậy, sau khi được thành lập, Nghị định số 14/NV là Nghị định đầu tiên quy định về tổ chức của Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở Nghị định số 14/NV, nhân sự lãnh đạo của Bộ Nội vụ được phân công vào tháng 01/1946 như sau:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp.

Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ: Hoàng Minh Giám.

Chánh Văn phòng: Hoàng Hữu Nam.

Giám đốc Nha Công chức và Kế toán: Phạm Huy Thụ. 

Giám đốc Nha Pháp chế và Hành chính: Phạm Khắc Hoè.

Giám đốc Nha Công an: Lê Giản.

Riêng Nha Thanh tra sau này mới cử ông Tôn Quang Phiệt phụ trách./.

Thanh Tuấn


Xem toàn văn tại File đính kèm dưới đây.

Tìm kiếm