Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại đọc báo cáo bổ sung về chính sách dân tộc
trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu
Ngày 29/9/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 130/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ.
Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt công tác xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước và công tác dân chính, nhằm phát huy tác dụng của bộ máy chính quyền nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Bộ Nội vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ.
2. Chỉ đạo thực hiện việc xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước các cấp: Trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn việc thành lập hoặc bãi bỏ các Văn phòng, Vụ, Cục, Viện, Sở, Ty và các đơn vị tổ chức tương đương; Cùng các ngành, các cấp quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các Phòng và các đơn vị tổ chức tương đương; Hướng dẫn, theo dõi các ngành, các cấp thực hiện việc xây dựng và cải tiến chế độ công tác và lề lối làm việc.
3. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ dự án điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cho phù hợp với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
4. Chỉ đạo việc tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp theo luật lệ quy định.
5. Quản lý Trường Hành chính Trung ương, chỉ đạo việc huấn luyện uỷ viên Uỷ ban hành chính các cấp và cán bộ làm công tác hành chính trong Văn phòng của các ngành các cấp.
6. Thống kê lực lượng cán bộ nhân viên hành chính sự nghiệp trong bộ máy Nhà nước; kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục trong việc tuyển dụng cán bộ, nhân viên mới của các ngành các cấp; điều động, phân phối cán bộ thuộc phạm vi Bộ Nội vụ phụ trách; khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng cán bộ, nhân viên trong bộ máy giúp việc Uỷ ban hành chính.
7. Quản lý công tác biên chế các cơ quan Nhà nước thuộc khu vực không sản xuất.
8. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành những chế độ đãi ngộ chung đối với cán bộ các ngành, các cấp và hướng dẫn thi hành; chỉ đạo công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể của các cơ quan Nhà nước thuộc khu vực không sản xuất và của các đoàn thể được Nhà nước trợ cấp.
9. Chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ đối với thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên và các chính sách, luật lệ về hộ tịch, quốc tịch, lập hội, hội họp, di dân, lạc quyên, mồ mả, hàng binh Âu, Phi,...
10. Chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ đối với Việt kiều về nước.
11. Quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy.
12. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ của Bộ, theo chế độ chung của Nhà nước.
Tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ gồm: Văn phòng Bộ và các Vụ: Tổ chức và cán bộ; Chính quyền địa phương; Biên chế và tiền lương; Dân chính và thương binh; Việt kiều; Cục Phòng cháy và chữa cháy và các đơn vị sự nghiệp do Bộ quản lý.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ lúc này gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Kế Toại kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các đồng chí Thứ trưởng: Tô Quang Đẩu, Lê Tất Đắc và Nguyễn Văn Ngọc. Ngày 30/4/1963, Bộ trưởng Ung Văn Khiêm được cử giữ chức Bộ trưởng./.
Thanh TuấnXem toàn văn tại File đính kèm dưới đây.