BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân – Một thứ thuế vô lý!

11/06/2020 17:40

Thuế thân hay còn được gọi là thuế đinh, thuế đầu người hay sưu là một trong nhiều thứ thuế của chế độ phong kiến và quân chủ. Đây là sắc thuế tiêu biểu trong các sắc thuế khoán. Thuế thân căn cứ vào cư dân địa phương, mỗi dân đinh đều phải nộp. Ngoài thuế thân đóng bằng hiện vật hay bằng tiền, còn có sưu dịch là loại thuế thân phải đóng bằng sức lao động.

Dưới thời phong kiến, mà gần nhất là triều Nguyễn, thuế thân chỉ đánh vào nội tịch, tức là dân sở tại, có ít nhiều tài sản nên có khả năng đóng thuế. Vì vậy, người nộp thuế thân cũng được hưởng một số đặc quyền trong làng, xã như được chia ruộng đất công, được tham gia việc làng, được tham gia bầu các chức vụ trong làng, xã. Dân ngoại tịch (dân ngụ cư) không phải đóng và không được đóng thuế thân nên cũng không được hưởng các đặc quyền trên. Như vậy, dưới thời phong kiến, người nộp thuế thân vừa có nghĩa vụ vừa có quyền lợi khi nộp thuế, bởi đó là chính sách thuế của một nhà nước phong kiến độc lập, không có ngoại bang điều khiển.

Đến thời Pháp thuộc, thực dân Pháp giữ nguyên bộ máy quan lại thời phong kiến ở các làng xã và tận dụng triệt để hai loại thuế chính là thuế ruộng đất và thuế thân, đều là loại thuế trực thu nhưng với phương thức khác, mang tính áp đặt, mở rộng đối tượng thu, tăng loại tiền thu.

Thẻ thuế thân của chính quyền thực dân Pháp cấp cho ông Ban Súm ở tỉnh Cao Bằng các năm 1905,1908,1909,1911,1913.
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chính sách thuế của thực dân Pháp ở Việt Nam là một sự kết hợp giữa bóc lột phong kiến với bóc lột tư bản chủ nghĩa, tức là kết hợp giữ bóc lột địa tô (bằng hiện vật) với bóc lột giá trị thặng dư (bằng tiền). Thực dân Pháp duy trì và lợi dụng giai cấp phong kiến vì mục đích bóc lột lợi nhuận kinh tế ở nông thôn. Còn giai cấp phong kiến Việt Nam lại dựa vào thực dân Pháp để vơ vét cho bản thân. 

Trên thực tế, người dân vừa phải nộp thuế của nhà nước, vừa phải nộp những khoản phụ thu của chính quyền phong kiến địa phương. Vì vậy, mức thực nộp thuế của nhân dân dưới thời Pháp thuộc là rất nặng nề. Chính sách thuế và cách thu thuế thực dân Pháp càng đẩy nhanh quá trình phân hoá giàu nghèo, làm tăng mâu thuẫn trong xã hội và là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta đã đập tan chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. 

Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và "tuyệt đối cấm hút thuốc phiện".

Ngày 07/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 11 bãi bỏ thuế thân và định việc thay đổi chế độ thuế khóa hiện hành. Sắc lệnh gồm 3 điều nhằm “cải cách chế độ thuế khóa để đỡ gánh nặng cho dân chúng và hợp với công lý”.

Sắc lệnh số 11 đã khẳng định, “thuế thân là một thứ thuế vô lý, trái ngược với tinh thần chính thể Cộng hòa Dân chủ”. Do đó, Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý ra Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân. Chế độ thuế khóa hiện hành sẽ thay đổi dần nhưng mỗi khi bãi bỏ một thứ thuế cũ hay đặt ra một thứ thuế mới, phải có sắc lệnh ấn định.

Như vậy, kể từ ngày 07/9/1945, thuế thân – một thứ thuế vô lý của chế độ cũ đã được bãi bỏ. Sắc lệnh này đã thêm một lần nữa khẳng định tính ưu việt của chế độ mới, gỡ bỏ gánh nặng bao đời cho nhân dân, động viên nhân dân ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Thanh Tuấn

Tài liệu tham khảo: 
- Biên niên Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Đại học Sư phạm, 2007;
- Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945;
- Lịch sử Chính phủ Việt Nam. Tập 1: 1945-1955. NXB Chính trị quốc gia, 2005.
- Thuế thân thời phong kiến và thuế thân thời Pháp thuộc ở Bắc Kỳ, sự thâm độc trong chính sách bóc lột của thực dân Pháp. http://baotanglichsu.vn/.

Tìm kiếm