BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ ra Nghị định cho phép xuất bản tờ Việt Nam Dân quốc Công báo

10/06/2020 12:44

Ngay sau khi thành lập, Bộ Nội vụ đã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao như: chuẩn bị các điều kiện và tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội; nghiên cứu thành lập các tổ chức của Chính phủ; xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền địa phương các cấp; xây dựng đội ngũ công chức cách mạng; thiết lập chế độ công chức mới; bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, Chính phủ trước sự chống phá của kẻ thù…


Việt Nam Dân quốc Công báo

Ngày 30/8/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh bổ nhiệm ông Hoàng Minh Giám giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ.

Ngày 31/8/1945, thay mặt Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám ký Nghị định cho phép xuất bản tờ Việt Nam Dân quốc Công báo. 

Theo đó, tờ Việt Nam Dân quốc Công báo sẽ thay thế tờ Đông Dương Quan báo của Phủ Toàn quyền Đông Dương kể từ ngày 01/9/1945.

Tờ Việt Nam Dân quốc Công báo có nhiệm vụ đăng tải những đạo luật, sắc lệnh do Chính phủ ban bố và những nghị định của các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ để công bố cho dân chúng biết.

Đến ngày ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL quy định về tổ chức Bộ Nội vụ. Sắc lệnh đã thay thế Nghị định số 14/NV ngày 19/01/1946 quy định về tổ chức Bộ Nội vụ. Đây là một văn bản pháp lý rất quan trọng, chính thức quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. 

Theo Sắc lệnh số 58/SL, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ gồm có Văn phòng; Nha Thanh tra; Nha Công chức và Kế toán; Nha Pháp chính; Nha Thông tin tuyên truyền; Việt Nam Công an vụ và Nha Dân tộc thiểu số.

Thi hành Sắc lệnh trên, ngày 31/5/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 174 về tổ chức của Nha Pháp chế. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Nha Pháp chế gồm: Ban Công văn, Ty Pháp chế và Ty Hành chính. 

Ban Công văn phụ trách các công việc về văn thư, nhân viên, cơ sở vật chất. 

Ty Pháp chế bao gồm hai phòng : Phòng Pháp chế phụ trách việc nghiên cứu, dự thảo các luật lệ thuộc về công pháp, xét duyệt các dự án nghị định hay quy định do cấp kỳ trình lên; đóng góp ý kiến về lĩnh vực pháp chế và công luật và tất cả những dự thảo về luật, sắc lệnh, nghị định, nghị quyết... do các cơ quan của Chính phủ gửi; đồng thời có trách nhiệm công bố các đạo luật, sắc lệnh, nghị định của Nhà nước. Phòng Công báo phụ trách công tác in ấn, xuất bản và quản lý tờ Việt Nam Dân quốc Công báo.

Ty Hành chính cũng bao gồm có hai phòng: Phòng Hành chính có nhiệm vụ giải thích và thi hành những luật lệ về hành chính, kết hợp với nhiều cơ quan khác của Chính phủ kiểm tra công việc hành chính nói chung, thi hành quyền kiểm soát của Chính phủ về hành chính, kiểm soát công tác hành chính của các thành phố, đô thị, thi hành luật lệ về quyền tự do của công dân như tuyển cử, lập hội, tự do hội họp v.v. và liên lạc với các cơ quan tư pháp để giải quyết các công việc liên quan đến tư pháp. Phòng Báo chí chuyên kiểm soát việc thi hành luật lệ về báo chí, in ấn, xuất bản, quyền tư hữu các sản phẩm văn hoá, kỹ thuật, v.v..

Như vậy, kể từ ngày 01/9/1945, mọi văn bản của Chính phủ, của các Bộ trưởng, của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đều được đăng trên tờ Việt Nam Dân quốc Công báo để công bố cho dân chúng biết./.

Thanh Tuấn

Tài liệu tham khảo: 
- Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Chính trị quốc gia, 2005;
- Biên niên Lịch sử Bộ Nội vụ, NXB Đại học Sư phạm, 2007;
- Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, năm 1945. 

Tìm kiếm