BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tăng cường công tác quản lý địa giới đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới

11/08/2020 12:05

Tổ chức đơn vị hành chính là thành tố quan trọng của cấu trúc hành chính nhà nước, thể hiện sự phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với chính quyền của các cộng đồng lãnh thổ địa phương. Việc tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm lịch sử truyền thống và các đặc trưng vùng miền, khả năng quản lý của các cấp chính quyền, tạo thuận lợi cho đời sống của người dân là yêu cầu thiết yếu để chính quyền địa phương ở mỗi quốc gia hoạt động hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Nguồn: vov.vn

I. TỔ CHỨC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM

1. Ở nước ta, vấn đề tổ chức (phân chia) lại đơn vị hành chính đã được tiến hành ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trong tiến trình xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước, hệ thống đơn vị hành chính nước ta đã được tổ chức lại, trong đó có sự kế thừa các đơn vị hành chính cũ như tỉnh, huyện, có đơn vị tổ chức lại như xã, thành phố và cũng có đơn vị tổ chức mới như thị xã, phường. Ngoài ra, còn phải kể đến một số loại đơn vị được lập ra nhưng nay đã bãi bỏ như bộ, khu tự trị, đặc khu và đặc biệt là việc điều chỉnh nhiều lần (lúc sáp nhập, khi lại chia tách các đơn vị hành chính).

2. Theo quy định hiện hành, đơn vị hành chính nước ta được phân chia theo ba cấp: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện) và  xã, phường, thị trấn (cấp xã). Thời điểm năm 1980, cả nước có 40 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 36 tỉnh, 03 thành phố trực thuộc Trung ương và 01 đặc khu), 521 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 433 huyện, 68 thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 20 quận) và 10.657 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 9.560 xã, 800 phường và 297 thị trấn). Sau nhiều lần tổ chức lại các đơn vị hành chính, đến cuối năm 2004, cả nước có 64 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 59 tỉnh và 05 thành phố trực thuộc Trung ương); 662 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 536 huyện, 42 quận, 59 thị xã và 25 thành phố thuộc tỉnh); 10.776 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 9.012 xã, 1.181 phường và 583 thị trấn)1. Đến năm 2009, sau khi hợp nhất tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 58 tỉnh và 05 thành phố trực thuộc Trung ương); 697 đơn vị cấp huyện (gồm 556; huyện, 47 quận, 46 thị xã và 48 thành phố thuộc tỉnh); 11.112 đơn vị cấp xã (gồm 9.121 xã, 1.366 phường và 625 thị trấn). Hết năm 2017, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 58 tỉnh và 05 thành phố trực thuộc Trung ương); 713 đơn vị cấp huyện (gồm 546; huyện, 49 quận, 50 thị xã và 68 thành phố thuộc tỉnh); 11.162 đơn vị cấp xã (gồm 8.974 xã, 1.585 phường và 603 thị trấn).

3. Thực hiện Nghị quyết Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm được 06 đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp 1.025 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 546 đơn vị hành chính cấp xã. Hết tháng 3 năm 2020, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 58 tỉnh và 05 thành phố trực thuộc Trung ương; 707 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 532 huyện, 49 quận, 49 thị xã và 77 thành phố thuộc tỉnh; 10.614 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8.324 xã, 1.680 phường và 610 thị trấn.

II. QUẢN LÝ ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CÁC CẤP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

1. Quản lý địa giới đơn vị hành chính các cấp

Tổ chức đơn vị hành chính nước ta thời gian qua có nhiều lần thay đổi, khi  thì hợp nhất, lúc lại tách ra, có lý do nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn đã nảy sinh những bất cập nhất định. Khi giành được chính quyền về tay Nhân dân (sau Cách mạng tháng Tám năm 1945), nước ta tiếp quản nguyên trạng địa giới đơn vị hành chính các cấp từ chế độ cũ, có ranh giới hành chính không rõ ràng, sự giao thoa (xâm canh, xâm cư) giữa các đơn vị hành chính khá phổ biến, gây khó khăn trong công tác quản lý địa bàn của các địa phương. Để giải quyết vấn đề này, ngày 06 tháng 11 năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có Chỉ thị số 364-CT về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 1995, cả nước đã cơ bản giải quyết được những khu vực chồng lấn về địa giới giữa các đơn vị hành chính và lập được hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp làm căn cứ có tính pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý địa giới hành chính và quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong phạm vi từng đơn vị hành chính nói riêng và cả nước nói chung.

Qua hơn 20 năm quản lý địa giới đơn vị hành chính theo hồ sơ, bản đồ theo Chỉ thị số 364-CT đã nảy sinh những bất cập mới do có hạn chế của việc lập hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính trong điều kiện khoa học kỹ thuật bản đồ nước ta thời kỳ thập niên 90 thế kỷ trước còn lạc hậu, nhân lực, vật lực bảo đảm cho hoạt động điều tra, khảo sát thực địa địa hình còn thiếu thốn. Đặc biệt, do có tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và vận động của địa chất tự nhiên, lũ lụt đã làm nhiều khu vực địa giới đơn vị hành chính bị phá vỡ, biến dạng, mất dấu vết nhận biết trên thực địa, rất khó khăn trong công tác quản lý địa bàn của các cấp chính quyền địa phương có liên quan.

Để sớm khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (viết tắt là Dự án 513). Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Dự án 513, Bộ Nội vụ đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Chính phủ ban hành 08 Nghị quyết giải quyết dứt điểm được 15/16 khu vực chồng lấn về địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại. Đồng thời, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực chỉ đạo, phối hợp giải quyết được hàng trăm khu vực địa giới đơn vị hành chính các cấp bị phá vỡ, biến dạng do tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận động của địa chất tự nhiên, lũ lụt hoặc do có sự không thống nhất giữa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính lập theo Chỉ thị số 364-CT với thực tế quản lý của các địa phương. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng được phương án kỹ thuật phân định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo giữa các địa phương có biển và từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu về địa giới đơn vị hành chính các cấp. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khẩn trương hoàn thiện, hiện đại hóa các bộ hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp của địa phương, bảo đảm xác định rõ ranh giới quản lý hành chính giữa các địa phương cả trên đất liền và trên biển. Đến tháng 6 năm 2020 có 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sản phẩm hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp và được Hội đồng liên ngành Trung ương thẩm định, nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào quản lý, nộp lưu trữ quốc gia.  

2. Những vấn đề cần được giải quyết

Căn cứ Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án 513 và Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Dự án 513 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 thì thời gian còn lại để triển khai thực hiện Dự án 513 không còn nhiều. Tuy vậy, đến nay còn 50/63 tỉnh có khó khăn về nguồn vốn ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác triển khai thực hiện Dự án 513 mà nhiều hạng mục công việc của Dự án 513 tại địa phương chưa được triển khai thực hiện, như: Hoạt động khảo sát thực địa, xây dựng phương án giải quyết những khu vực có bất cập về địa giới đơn vị hành chính; đúc mốc, vận chuyển mốc, đo đạc tọa độ, vẽ sơ đồ vị trí mốc địa giới hành chính; biên tập, in nhân bản, ký pháp lý hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp, v.v... Để giải quyết khó khăn này, một mặt đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong địa phương có chính sách ưu tiên nguồn kinh phí ngân sách cho công tác triển khai Dự án 513 trên địa bàn. Mặt khác, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, có chủ trương tiếp tục kéo dài thời gian triển khai thực hiện Dự án 513 đến hết năm 2021 và có thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để các tỉnh thường xuyên phải nhận cân đối từ ngân sách Trung ương có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ triển khai thực hiện Dự án 513 tại địa phương./.

Vũ Đình Khang, Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ



1 Theo Niên giám thống kê năm 2004.

Tìm kiếm