BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

- Thông báo số 451/TB-TTTT ngày 24/7/2024 của Trung tâm Thông tin về việc điều chỉnh điều kiện, yêu cầu tuyển dụng và gia hạn thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức của Trung tâm Thông tin năm 2024 - Báo cáo số 4088/BC-BNV ngày 15/07/2024 của Bộ Nội vụ sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Nội vụ - Thông báo số 4087/TB-BNV ngày 15/7/2024 của Bộ Nội vụ kết luận của Bộ trưởng tại Hội nghị của Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Nội vụ - Thông báo số 3954/TB-HĐTC ngày 09/7/2024 của Hội đồng sát hạch, tuyển chọn về việc triệu tập công chức, viên chức tham dự tổ chức sát hạch, tuyển chọn cán bộ Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ.." năm 2024. - Thông tư số 07/2024/TT-BNV ngày 05/07/2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, ĐVSNCL của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính - xã hội và hội - Thông tư số 8/2024/TT-BNV ngày 05/07/2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc
A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Dự án 600 trí thức trẻ: Kết quả có như kỳ vọng ?

10/05/2016 10:06

Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo trong cả nước (gọi tắt là Dự án 600) của Bộ Nội vụ, triển khai từ tháng 4-2011. Hơn một năm nữa (tháng 6-2017), mới kết thúc, nhưng đang có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về hiệu quả Dự án và các cơ quan chức năng còn lúng túng trong cách ứng xử với số trí thức trẻ này.

Trí thức trẻ Dự án 600 Đinh Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La)
hướng dẫn người dân trồng và thu hoạch chè. Ảnh: Xuân Tùng

Bài 1: Còn nhiều rào cản

Qua gần 5 năm thực hiện dự án, hầu hết trong số 575 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo được đánh giá là phát huy tốt năng lực trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, các trí thức trẻ lại đang khó khăn khi tìm việc làm ở vùng đất mình gắn bó nhiều năm qua khi dự án kết thúc; và còn nhiều vấn đề khác đặt ra. Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Bắc Cạn,… cho thấy rõ điều đó.

Về đâu khi dự án kết thúc ?

Sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang, anh Ma Công An là một trí thức trẻ thuộc Dự án 600 về làm Phó Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vào tháng 6-2012. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chuyên ngành quản lý đất đai, được giao phụ trách khối kinh tế-lâm-ngư nghiệp, anh An nhanh chóng tiếp cận cơ sở, tìm hiểu phong tục tập quán, học tiếng đồng bào. Hơn một năm sau, anh đã bắt nhịp tốt với công việc, tích cực tham mưu với Đảng ủy, UBND xã về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Vừa phối hợp cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con người Dao đưa giống mới vào sản xuất, anh vừa giúp Đảng ủy, HĐND chuẩn bị văn bản, báo cáo, xây dựng nhiều kế hoạch chi tiết. Đến nay, Thông Nguyên là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện vùng cao Hoàng Su Phì.

Từ miền quê biển Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Vinh, chuyên ngành Ngữ văn năm 2006, sau một thời gian làm giáo viên hợp đồng, Ngô Thị Thanh về nhận công tác tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Cạn. Tháng 3-2012, chị đảm nhận cương vị phó chủ tịch UBND xã, phụ trách văn hóa, giáo dục, y tế. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng chị không nề hà, thường xuyên đến các thôn, bản vận động con em đồng bào đến lớp. Năm 2014, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng và tại Đại hội Đảng bộ xã Công Bằng nhiệm kỳ 2015-2020, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Tuy nhiên, chị rất lo khi nghĩ đến tương lai, dù đã lập gia đình, sinh con và xác định an cư lạc nghiệp tại vùng đất này. Chị tâm sự, sau khi kết thúc Dự án 600, mong cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để ổn định việc làm tại địa phương,…

Ghi nhận ở một số địa phương, dù hầu hết các cán bộ trẻ đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng nhiều người không được bầu vào cấp ủy trong kỳ đại hội đảng bộ cấp cơ sở vừa qua. Ngay cả khi được bầu vào cấp ủy, các phó chủ tịch UBND xã cũng khó được bố trí, sắp xếp công việc ổn định lâu dài vì được cho là cán bộ dự án. Dù trẻ, nhiệt tình, làm việc hiệu quả, nhưng họ chỉ được địa phương coi như cán bộ học việc. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Su Phì Nguyễn Duy Thập phân tích, các trí thức trẻ vừa tốt nghiệp ra trường về làm lãnh đạo là bất cập và gây áp lực cho chính bản thân họ, kinh nghiệm chưa có, lúng túng trong điều hành công việc. Nhiều bạn không biết duy trì một cuộc họp, không biết ghi biên bản, hiệu quả công việc không cao.

Đối với Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn Điêu Quỳnh Nga (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) là trường hợp “may mắn”, trở thành công chức thuộc biên chế của xã khi dự án chưa kết thúc. Là phó chủ tịch UBND xã phụ trách khối nông-lâm-ngư nghiệp, Đại hội Đảng bộ cấp xã Chiềng Ơn vừa qua, chị không được cơ cấu bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã do thời điểm đó, chưa là đảng viên chính thức. Sau đại hội, do khuyết chức danh chủ tịch và phó chủ tịch UBND, đồng thời xét thấy năng lực, trình độ chuyên môn, quá trình công tác của chị tại địa phương, lãnh đạo xã Chiềng Ơn đã kiến nghị các cấp và được Bộ Nội vụ đồng ý và tháng 12-2015, chị trở thành công chức của địa phương theo Nghị định 92 của Chính phủ (không còn là diện trong Dự án 600).

Dù mỗi người một công việc, nhưng có thể thấy, các trí thức trẻ đang hằng ngày lăn lộn với cơ sở, cống hiến sức lực, tri thức, muốn được tiếp tục gắn bó lâu dài với địa phương. Song, để có việc làm ổn định sau khi dự án kết thúc, đối với họ, đang có nhiều rào cản do cục bộ địa phương, không muốn người từ nơi khác đến làm cán bộ lãnh đạo.

Nhiều ý kiến trái chiều từ các địa phương

Tìm hiểu về quá trình hoạt động của các trí thức trẻ thuộc Dự án 600 tại một số địa phương, không thể phủ nhận vai trò, đóng góp của họ, đó là: nhiệt tình, năng nổ, không ngại khó, ngại khổ và đam mê công việc. Tuy nhiên, do mới tốt nghiệp đại học đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, trải nghiệm thực tế chưa nhiều, cho nên thời gian đầu, một số người điều hành, quản lý công việc chưa thật tốt, có những trường hợp còn lúng túng.

Năm 2012, tỉnh Hà Giang nhận 65 trí thức trẻ về năm huyện nghèo. Theo đánh giá kết quả công tác năm 2015, có 57 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, sáu người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, 19 người được quy hoạch vị trí khác, 45 người được quy hoạch giữ nguyên chức vụ phó chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016-2021, một trường hợp chuyển xuống làm công chức xã. Tuy nhiên, khi trao đổi ý kiến về dự án này, có người lại cho rằng, Dự án 600 phù hợp với tỉnh khác, nhưng không phát huy hiệu quả ở Hà Giang, bởi với tỉnh vùng cao biên giới này, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã phủ khắp các huyện, xã và thôn.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang cùng thực hiện ba dự án về trí thức trẻ: Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500); Đề án 07 của Tỉnh ủy về hợp đồng trí thức trẻ là người địa phương công tác tại xã đặc biệt khó khăn, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội và Dự án 600. Một số cán bộ địa phương cho rằng: Cùng trình độ đại học, anh em vừa tốt nghiệp ra trường chưa có kinh nghiệm đã hưởng chế độ cao hơn so với cán bộ xã, thậm chí bí thư, chủ tịch UBND xã có thâm niên công tác, tiền lương cũng không được như vậy. Điều này tạo ra sự chênh lệch về thu nhập giữa các cán bộ lãnh đạo. Với mức lương cao gần gấp đôi mức lương công chức xã, nếu tuyển dụng và hưởng lương xã thì ngân sách để chi trả lương quá lớn so với ngân sách của tỉnh, vì vậy địa phương không dám nhận.

Tuy nhiên, theo quy định, trí thức trẻ thuộc Dự án 600 khi về công tác tại địa phương, được xếp hệ số lương đại học mới ra trường và hưởng thêm 70% phụ cấp. Sau khi kết thúc dự án, nếu được đưa vào biên chế của địa phương thì các cán bộ trẻ chỉ hưởng lương như công chức xã, không còn 70% phụ cấp thu hút nữa.

Với tỉnh miền núi Lai Châu, theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh, trong tổng số 46 trí thức trẻ đang làm việc tại địa phương, đến nay có 25 người giữ nguyên chức vụ phó chủ tịch UBND xã, 21 người được quy hoạch vào chức danh cao hơn của xã, huyện. Đến cuối năm 2015, có 29 người được kết nạp Đảng sau khi về xã công tác, bốn người đang được cấp ủy giúp đỡ để phát triển Đảng trong thời gian tới. Ở Lai Châu, đội ngũ trí thức trẻ này là nguồn nhân lực chất lượng cao, địa phương cũng mong muốn có chính sách để tiếp tục sử dụng.

Dự án 600 được đánh giá là tổ chức bài bản, các khâu tuyển chọn kỹ càng. Các trí thức trẻ được đi tập huấn, bảo vệ đề án phát triển kinh tế - xã hội đạt yêu cầu mới đưa về cơ sở. Các tỉnh có trí thức trẻ về công tác trực tiếp tuyển dụng họ, Bộ Nội vụ chỉ thực hiện chức năng giám sát. Song, không hiểu tại sao, nhiều địa phương vẫn phản ánh tình trạng trí thức trẻ được bố trí công việc không phù hợp với trình độ chuyên môn ?

Là tỉnh đánh giá cao Dự án 600, nhưng Giám đốc Sở Nội vụ Lai Châu Nguyễn Tiến Tăng nhìn nhận, việc tuyển trí thức trẻ phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Người tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ, chuyên ngành Tiếng Anh về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó phát huy trình độ chuyên môn; tốt nghiệp chuyên ngành thương mại công nghiệp, du lịch, rất khó phù hợp với một tỉnh nghèo như Lai Châu.

Bộ Nội vụ đã quy định rõ, sau ba năm, nếu các cán bộ trẻ phát huy được khả năng và địa phương có nhu cầu, thì tuyển vào biên chế. Tuy nhiên, đến nay Lai Châu chưa có trường hợp nào được tuyển dụng. Lý giải điều này, đồng chí Nguyễn Tiến Tăng cho biết, dù tỉnh đã chỉ đạo cơ sở, thực hiện chủ trương nói trên song nhiều xã vẫn cho rằng, trí thức trẻ là người của dự án, chỉ đến giúp địa phương một thời gian rồi trở về. Hơn nữa, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường của địa phương đang thất nghiệp khá cao, vì thế nảy sinh sự so sánh giữa người địa phương và người từ nơi khác đến. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tăng, nếu lãnh đạo cấp huyện có tầm nhìn xa, mạnh dạn tuyển dụng một số trường hợp thì sẽ có tác động lan tỏa đến các xã có cán bộ Dự án 600.

Qua gần 5 năm thực hiện, Dự án 600 đã phát sinh nhiều vấn đề cần nghiên cứu điều chỉnh. Những xã nghèo giờ đây đã trở thành quê hương thứ hai đối với những trí thức trẻ Dự án 600, họ khao khát được tiếp tục gắn bó và cống hiến. Song, những ước mơ của họ khó thành hiện thực vì chưa có định hướng rõ ràng khi dự án chuẩn bị kết thúc.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tìm kiếm