BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Văn phòng Chính phủ: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ Nhân dân

15/12/2020 12:44

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo về cải cách hành chính là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Văn phòng Chính phủ xác định việc thúc đẩy các chính sách liên quan đế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin thủ tục hành chính, giám sát việc thực hiện và xử lý phản ánh, kiến nghị là nhiệm vụ thường xuyên. Văn phòng Chính phủ đã phát huy vai trò tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định điều kiện kinh doanh đang là rào cản, không cần thiết, bất hợp lý và mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với mục tiêu cắt bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, 30/120 thủ tục hành chính lên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí cho xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Đồng thời, để cải cách triệt để toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết nghị thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các hàng hóa liên quan đến kiểm dịch, an ninh, quốc phòng), Bộ quản lý chuyên ngành sẽ thực hiện hậu kiểm.

Thêm vào đó, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gần 30 hội nghị, hội thảo, cuộc họp đối thoại với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục triển khai nội dung này, tháng 5/2020, Văn phòng Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Với chủ trương, quan điểm chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; nhằm bao quát toàn diện, bảo đảm tính hiệu quả của việc giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, khắc phục những hạn chế, tồn tại và hoàn thiện các quy định tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg; đồng thời, tạo cơ chế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, đến nay công tác này đã có chuyển biến tích cực, có 56/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 97,37%.

Kết quả cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng trên bản đồ thế giới như: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn GCI 4.0 do Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News và World xếp Việt Nam đứng tứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Đổi mới phương thức làm việc dựa trên giấy tờ sang môi trường điện tử

Từ những chủ trương lớn tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất” trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử thời gian qua đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về Chính phủ điện tử và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất tích cực, trên nhiều phương diện.

Văn phòng Chính phủ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai các giải pháp trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, đồng thời đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch ủy ban.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng Chính phủ điẹn tử như Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tụ hành chính trên môi trường điện tử, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử, Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định về chế độ họp. Thêm vào đó, đã thẩm tra trình ban hành một số văn bản quy định về việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, về công tác văn thư, về mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương…

Đặc biệt, với vai trò cơ quan giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ, là đầu mối điều phối, gắn kết các cơ quan và theo dõi, đôn đốc việc triển khai nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Văn phòng Chính phủ đã phát huy tính tiên phong, xây dựng và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp:

Ngày 12/3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương, đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan Trung ương và địa phương. Đến ngày 13/8/2020, đã có hơn 2,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia. Theo tính toán sơ bộ giúp tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng/năm.

Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vận hành từ ngày 24/6/2019 giúp quản lý đồng bộ, đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, thực hiện biểu quyết điện tử, lấy ý kiến thành viên Chính phủ trên môi trường mạng được nhanh chóng, hiệu quả. Đến ngày 13/8/2020, hệ thống đã phục vụ 20 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 466 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành, in ấn, sao chụp hơn 200.000 bộ hồ sơ, tài liệu giấy. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng hệ thống là khoảng 169 tỷ đồng/năm.

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ ra mắt từ ngày 13/3/2020, đến nay, đã kết nối 16 Bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chi phí tiết kiệm khi vận hành hệ thống này là khoảng 460 tỷ đồng/năm. Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được đưa vào vận hành giữa tháng 8/2020, là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu sô phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 09/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức khai trương. Sau 8 tháng hoạt động đã tích cực, cung cấp 997 dịch vụ công trực tuyến; hơn 57 triệu lượt truy cập, trên 222 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 13,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 268 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến; tiếp nhận, hỗ trựo trên 22 nghìn cuộc gọi, hơn 7,5 nghìn phản ánh, kiến nghị. Giữa tháng 8/2020, dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc tại Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 2 bậc so với năm 2018, duy trì việc tăng hạng liên tực trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới.

Có những kết quả tích cực nổi bật nêu trên là nhờ quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo và bám sát mục tiêu đề ra, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương; thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai cải cách thủ tục hành chính và Chính phủ điện tử; gắn kết cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ; lấy người dùng làm trung tâm; có phương pháp, cách làm khoa học; huy động sự tham gia của cả xã hội vào quá trình cải cách và vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; chú trọng công tác truyền thông và đào tạo, nâng cao nhận thức của toàn xã hội.

 

Anh Cao (Nguồn: Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X)

Tìm kiếm