BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội

17/12/2020 15:45

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Test xác định virus SARS-CoV-2. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Xác định được tầm quan trọng đó, Đảng, Chính phủ đã đưa ra những chủ trương định hướng và quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp hiệu quả để chủ động tham gia, tận dụng tối đa các lợi thế, giảm thiểu các thách thức mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Với vai trò là người đứng đầu đơn vị đầu mối của Bộ Khoa học và Công nghệ, tiến sĩ Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng Báo cáo chuyên đề về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tham mưu lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đưa ra 6 giải pháp lớn: Một là, phát triển hạ tầng, ứng dụng nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Hai là, cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Ba là, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược quốc gia. Bốn là, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đổi mới cơ chế đầu tư, tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm là, thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung giáo dục và dạy nghề theo hướng thích ứng với các công nghệ mới. Sáu là, tuyên truyền rộng rãi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, triển khai các nhiệm vụ cụ thể và có kết quả khả quan như: Cơ sở hạ tầng viễn thông được tập trung xây dựng; kinh tế số bước đầu được hình thành và có tốc độ phát triển cao, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể cùng với các nhóm chủ trương, chính sách lớn. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ.

Với vai trò đầu mối, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là một số công nghệ của chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào đời sống. Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng chống dịch: Kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ kít phát hiện virus corona chủng mới (SAR-CoV2), kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị; robot hỗ trợ y tế phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ bùng phát. Đến nay, nhiều nghiên cứu đã có kết quả khả quan, kịp thời phục vụ thiết thực cho việc phòng, chống dịch, ví dụ như: Bộ kít phát hiện SAR-CoV2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện), đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu Âu từ ngày 20/4/2020. Cho đến nay, hơn 230.000 test đã được cung cấp cho cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta.

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học và công nghệ nói chung và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng vào phát triển kinh tế - xã hội.

 

Anh Cao (Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X)

Tìm kiếm