Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, trong 5 năm qua,
các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các phong trào thi phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực
Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2016-2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương cho biết, nhận thức được vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước", Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) và phát động các phong trào thi đua mới thiết thực, hiệu quả. Giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trong cả nước với nội dung và hình thức ngày càng đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả hiết thực, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng, nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.
Công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến là điểm nổi bật trong 5 năm qua, góp phần tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển.
Ban TĐKT Trung ương, cũng như các ban, bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về các phong trào thi đua, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng; giới thiệu, gặp mặt, giao lưu các điển hình tiên tiến; tổ chức các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt... qua đó góp phần khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.
Hoạt động của Hội đồng TĐKT Trung ương và Ban TĐKT các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.
Trong 5 năm qua, các cơ quan này đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TĐKT. Trên cơ sở các quy định của Luật TĐKT, Chính phủ đã ban hành 7 nghị định, cùng các thông tư, quy chế, quy định của các ban, bộ, ngành, địa phương, tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện để tổ chức thực hiện công tác TĐKT được thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước. Tham mưu Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).
“Có thể khẳng định, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay, công tác TĐKT đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần là động lực trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố tổ chức của hệ thống chính trị vững mạnh. Thể chế về TĐKT ngày càng được hoàn thiện. Phong trào thi đua yêu nước được đổi mới về nội dung, hình thức, ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt, trọng tâm trong các phong trào thi đua của cả nước. Thi đua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực trong 5 năm qua. Công tác khen thưởng được kịp thời, đúng thành tích, đúng đối tượng, có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; khen thưởng thành tích kháng chiến được tập trung giải quyết cơ bản dứt điểm”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Những bài học kinh nghiệm được rút raTừ thực tiễn công tác TĐKT trong 5 năm qua, 5 bài học kinh nghiệm lớn đã được rút ra.
Một là, công tác TĐKT phải thường xuyên được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu quan tâm và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện; có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tạo đồng thuận, hưởng ứng và tự giác tham gia của tất cả các thành viên trong đơn vị, địa phương.
Hai là, các phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, cụ thể và gắn với nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá và hiệu quả trong trào thi đua phải mang lại lợi ích thực tế cho tập thể và cá nhân những người tham gia.
Ba là, tổ chức phong trào thi đua phải luôn gắn liền với công tác thông tin, tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, ngành nghề. Gắn công tác tuyên truyền với việc phát hiện, tôn vinh, tổ chức giao lưu, trao đổi, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến. Các điển hình phải thực sự tiêu biểu nêu gương để mọi người học tập và tạo sự lan tỏa sâu rộng trong từng ngành, đơn vị và toàn xã hội.
Bốn là, chú trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, phải gắn kết giữa thi đua và khen thưởng, khen thưởng phải chính xác, công bằng, công khai theo đúng quy định.
Năm là, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác TĐKT. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ ổn định, có năng lực chuyên môn, đạo đức, tâm huyết và công tâm với công việc, chủ động tham mưu, mạnh dạn đề xuất, đổi mới, sáng tạo tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong nhận thức về vai trò, vị trí của công tác TĐKTTheo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, trong 5 năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành quả 5 năm qua, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tiếp tục thực hiện chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, với những nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp trọng tâm là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, đặc biệt là người đứng đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác TĐKT. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả xã hội tham gia, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong cả nước.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, với hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí, nội dung thi đua cụ thể, thiết thực. Trước mắt tổ chức các phong trào thi đua thực hiện thành công bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào năm sau và thi đua thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới, cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách, pháp luật về TĐKT. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về TĐKT. Thực hiện nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TĐKT, trong đó tập trung hoàn thiện dự thảo Luật TĐKT sửa đổi trình Quốc hội thông qua và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác TĐKT trong giai đoạn mới. Chú trọng nhiều hơn việc tôn vinh, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.
Khen thưởng kịp thời và đúng quy định những tập thể, cá nhân có thành tích; quan tâm nhiều hơn việc khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác; các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các trường hợp lập được thành tích đột xuất, các hành động dũng cảm, xả thân vì Tổ quốc, vì cộng đồng.
Phát huy vai trò, trách nhiệm hội đồng TĐKT trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức triển khai các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về TĐKT. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy làm công tác TĐKT các cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác TĐKT trong tình hình mới. Quan tâm dứng dụng công nghệ mới trong quản lý và cải tiến thủ tục hồ sơ TĐKT nhanh, hiệu quả và chính xác.
Nguồn: baochinhphu.vn