Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Báo QĐND
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bác Hồ đã sống và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên nhiều năm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Bác đã 7 lần về thăm Thái Nguyên. Cách đây hơn 50 năm, ngày 1/1/1964, lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên, Bác đã căn dặn: “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” để sáng mãi địa danh An toàn khu-Thủ đô kháng chiến, là trung tâm kinh tế, giáo dục-đào tạo và y tế của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước mà tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua; chúc mừng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đại diện cho các địa phương, các đơn vị về tham dự Đại hội Thi đua yêu nước và chúc mừng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, Thái Nguyên cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước với những nội dung, luận điểm cơ bản: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua".
Theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý rằng công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chứ không phải chỉ của bộ máy chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thái Nguyên cần tiếp tục phát động các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để tất cả cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia.
“Các phong trào thi đua phải gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú ý phát triển phong trào thi đua trong đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đi đôi với phát triển về chiều rộng, cần chú ý đưa phong trào đi vào chiều sâu, có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức phong trào thi đua”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng cần phải chú ý gắn các phong trào thi đua với công tác khen thưởng, bởi vì “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”; cần kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác thi đua, khen thưởng phải bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng phải có tính nêu gương thực sự. Tỉnh cần chú trọng việc khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Ảnh: TTXVN
Cùng với đó, thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Ngay sau Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên lần thứ V, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình được phát huy tác dụng và có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn tỉnh. Tỉnh phấn đấu trong 5 năm tới, ngành nào, cấp nào cũng có điển hình tiên tiến, tiêu biểu, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Thái Nguyên chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thi đua-khen thưởng các cấp, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Cần xây dựng đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng có năng lực, nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua-khen thưởng, có bề dày kiến thức, am hiểu những lĩnh vực của đời sống, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với quần chúng, tâm huyết với phong trào thi đua để tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền trong công tác thi đua, khen thưởng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định, Tỉnh ủy Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, chung sức lãnh đạo xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm không chỉ của vùng núi phía Bắc, mà còn của vùng Thủ đô.
Tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng một số tập thể và cá nhân của tỉnh Thái Nguyên có thành tích xuất sắc.
Một số tập thể nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Một số tập thể, cá nhân, học sinh của tỉnh Thái Nguyên đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh…
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống Tỉnh ủy Thái Nguyên; tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Nguồn: TTXVN