Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ chính thức diễn ra vào ngày 10/12 tới, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Nhìn lại 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các phong trào thi đua trên cả nước đã phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực; nội dung và hình thức thi đua ngày càng đổi mới, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân cả nước hăng hái thi đua phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động được hưởng ứng, triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả ở các cấp, các ngành, các địa phương, trở thành nòng cốt trong các phong trào thi đua của cả nước.
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.
Mặc dù trong hoàn cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các phong trào thi đua trong 5 năm qua thực sự đã có tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương và cơ sở, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trong 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động và chỉ đạo tổ chức triển khai 4 phong trào thi đua trong phạm vi cả nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Các phong trào thi đua đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí thi đua sôi nổi, được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng tiếp tục được các ngành, các cấp nghiên cứu, tham mưu, xây dựng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Hội đồng và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tập trung triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm theo phương hướng, kế hoạch đề ra. Cơ quan thường trực và các thành viên Hội đồng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác.
Các phong trào thi đua thực sự được triển khai bài bản, hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn với quyền và lợi ích của người dân nên được nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có những chuyển biến rõ nét; có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu, tuyên truyền các điển hình tiên tiến.
Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc được tổ chức hiệu quả, thiết thực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác...
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phát huy truyền thống thi đua yêu nước và tiếp tục thực hiện chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới được xác định là: Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đồng thời, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế…
Nguồn: baochinhphu.vn