Tham dự buổi Lễ, về phía Bộ Nội vụ có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; lãnh đạo, công chức Vụ Công chức – Viên chức và Ban Quản lý Dự án. Về phía JICA có ông WAKABAYASHI Yuhi, Chuyên gia dài hạn của Văn phòng JICA tại Hà Nội và một số thành viên của JICA.
Buổi Lễ được kết nối trực tuyến với Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản tại Tokyo, Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định, để phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược, bao gồm: thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Thứ trưởng Trương Hải Long phát biểu tại buổi Lễ
Trong Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng xác định mục tiêu tổng thể của cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn này là “Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước”.
Thứ trưởng Trương Hải Long nhấn mạnh, cải cách chế độ công vụ, công chức luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là khâu then chốt để đảm bảo thành công và hiệu quả của cải cách nền hành chính nhà nước, trong đó có đổi mới hoạt động thi tuyển công chức. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định trong dịp tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2021: “Thủ tướng của chúng tôi rất mong muốn xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ và thật sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng chính là tinh thần được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Việt Nam”.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hình thức thi phỏng vấn, lựa chọn lại nội dung thi và cách thức thi để có thể tuyển chọn được những công chức, viên chức có kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực thi công vụ. Bộ Nội vụ xác định một trong những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc này là tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia điển hình thành công, trong đó Nhật Bản đã áp dụng kỳ thi tuyển quốc gia từ năm 1948 và đến nay vẫn thể hiện rõ tính hiệu quả của hoạt động này.
Việc triển khai Dự án Hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam sẽ là cơ hội để Việt Nam được tiếp cận kinh nghiệm thành công, những thông tin bổ ích của Nhật Bản trong việc tổ chức thi tuyển công chức quốc gia, qua đó sẽ từng bước hoàn thiện hơn nữa công tác tuyển dụng công chức ở Việt Nam. Với việc thực hiện Dự án Hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của các chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản, Bộ Nội vụ hy vọng có thể tạo được sự bổ sung kỹ thuật quan trọng cho việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức tại Việt Nam.
Thay mặt Văn phòng JICA tại Tokyo, Nhật Bản, ông SAWADA Hiroyuki, Phó Vụ trưởng Vụ Quản trị và Kiến thiết hòa bình cho biết, tháng 3/2019, ông đã đến thăm và làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đón tiếp để chuẩn bị cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật cải cách thi tuyển công chức Việt Nam. Ông SAWADA Hiroyuki trân trọng cảm ơn sự nỗ lực của Bộ Nội vụ đã thúc đẩy các hoạt động để hai bên tiến hành hợp tác triển khai Dự án.
Ông SAWADA Hiroyuki phát biểu tại buổi Lễ
Dựa trên kết quả đạt được của Dự án hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức năm 2015, Bộ Nội vụ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục có một dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực thi tuyển công chức. Với sự giúp đỡ của Cơ quan Nhân sự Quốc gia Nhật Bản, JICA đã triển khai hoạt động khảo sát nhằm xây dựng kế hoạch chi tiết vào tháng 02/2020. Tuy nhiên, với sự bùng phát và lan rộng của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức cho cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam, nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Thứ trưởng Trương Hải Long, phía Việt Nam đã triển khai được những thủ tục cần thiết cho việc hình thành dự án; đồng thời, cũng hoàn tất các điều kiện cần thiết như chuẩn bị cho việc ban hành nghị định. Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ liên tục của Cơ quan Nhân sự Quốc gia Nhật Bản, JICA đã có thể duy trì sự kết nối thường xuyên với phía Việt Nam thông qua hình thức trực tuyến bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và có thể khởi động được dự án này một cách suôn sẻ.
Đây là dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật trong việc nâng cao năng lực ra đề và cải thiện hệ thống thi tuyển trong lĩnh vực thi tuyển công chức tại Việt Nam, do đó, phía JICA mong nhận được sự đóng góp tích cực hơn nữa từ phía Việt Nam để những hợp tác của phía Nhật Bản phát huy được kết quả. Ông SAWADA Hiroyuki vọng hai bên sẽ cùng hợp tác để góp phần cải thiện hơn nữa hệ thống thi tuyển công chức tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Phạm Hùng Thắng công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án
Tại buổi Lễ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Hùng Thắng công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban Quản lý Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam.
Thứ trưởng Trương Hải Long trao quyết định cho bà Lê Minh Hương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án và các thành viên Ban Quản lý Dự án ra mắt
Giới thiệu tổng quan về Dự án, bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, Dự án sẽ giúp Bộ Nội vụ bổ sung nguồn lực để đổi mới kỹ thuật và nội dung thi tuyển công chức nhằm mục tiêu áp dụng thành công phương pháp thi tuyển đã được cải tiến phù hợp với tuyển dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu về công chức của Chính phủ Việt Nam .
Bà Lê Minh Hương giới thiệu tổng quan Dự án
Hoạt động chính của Dự án bao gồm:
Thứ nhất, các hoạt động liên quan tới thi tuyển vòng 1: Đánh giá tình trạng, thách thức hiện nay bao gồm các quy định chi tiết, cơ cấu tổ chức kỳ thi tuyển công chức ở Việt Nam cũng như các đơn vị thí điểm; Xác định phương hướng để cải thiện phương pháp thực hiện kỳ thi tuyển vòng 1 cũng như chất lượng các câu hỏi; Đưa ra lời khuyên để hoàn thiện dự thảo Nghị định và các văn bản có liên quan tới thi tuyển.
Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và các phương pháp xây dựng câu hỏi liên quan tới khả năng tư duy; Đưa ra những đề xuất cần thiết để hoàn thiện việc quản lý thi tuyển vòng 1 và việc giới thiệu các câu hỏi liên quan tới khả năng tư duy; Đưa ra lời khuyên và hỗ trợ cho việc giới thiệu phương pháp phân tích và nâng cao chất lượng câu hỏi.
Thứ hai, các hoạt động liên quan tới thi tuyển vòng 2: Đánh giá tình trạng hiện nay và thách thức trong việc tổ chức thi vòng 2; Đề xuất giải pháp cải thiện đánh giá phương pháp thi vòng 2.
Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp của Nhật Bản trong việc tổ chức thi phỏng vấn; Hỗ trợ việc áp dụng các phương pháp nhằm cải thiện phương pháp thi tuyển vòng 2, bao gồm cả việc thi phỏng vấn; Đưa ra các đề xuất cần thiết với các văn bản liên quan tới việc quản lý thi vòng 2 (như Thông tư và cẩm nang).
Thời gian thực hiện Dự án là 03 năm (2021 - 2024).
Thanh Tuấn