BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền công vụ

25/11/2021 21:27

Chiều ngày 25/11, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo trực tuyến với các nước ASEAN về ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền công vụ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ Nội vụ có đại diện bộ phận hợp tác quốc tế của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; tại điểm cầu các nước ASEAN có Ban Thư ký ASEAN; đại diện Cơ quan Công vụ các nước ASEAN và đại diện Ban Công vụ Đông Timor.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quá trình hiện đại hóa nền công vụ các nước ASEAN; chia sẻ những khó khăn, thách thức và các bài học thực tiễn tốt về đổi mới, sáng tạo trong nền công vụ dựa trên nền tảng CNTT và kỹ thuật số, các yếu tố then chốt để thành công của các nước ASEAN. Đồng thời, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực ứng dụng CNTT trong nền công vụ các nước ASEAN.


Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, cải cách công vụ, công chức là vấn đề cấp thiết của tất cả các nước trong giai đoạn hiện nay. Cùng với việc cải cách nền hành chính, hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT được xem là một công cụ đóng vai trò quan trọng thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số với kỳ vọng mang đến một nền công vụ minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, thời gian gần đây, các nước ASEAN đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa công vụ thông qua các sáng kiến trong Kế hoạch làm việc ACCSM 2021 - 2025 và Kế hoạch Chiến lược Chính phủ điện tử ASEAN 2020, trong đó các nước ASEAN đều nỗ lực xây dựng các kênh để kết nối hai chiều giữa Chính phủ và người dân. Tuy nhiên, để ứng dụng CNTT ở quy mô rộng, xây dựng Chính phủ số đòi hỏi phải có nguồn lực, khung chính sách nhất quán và đội ngũ cán bộ, công chức được trang bị đầy đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, các nước cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số nhằm xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và phát triển xã hội số.

Do đó, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng CNTT giữa các nước ASEAN, để các nước có cơ hội học hỏi lẫn nhau, từ đó xây dựng lộ trình, xác định ưu tiên của từng giai đoạn để ứng dụng trong điều kiện thực tế của nước mình là vô cùng cần thiết. 

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng mong muốn, Hội thảo sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích, các sáng kiến, kinh nghiệm hay, bài học thực tiễn tốt, cũng như có các phiên hỏi đáp, thảo luận sôi nổi và đem lại những kết quả thiết thực.

Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, ông Ekkaphab Phanthavong, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nhấn mạnh, ứng dụng CNTT trong hoạt động công vụ là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất và chính xác nhất. 

Trong bối cảnh các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 thì việc Chính phủ các nước ASEAN sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số là bước tiến quan trọng và thích hợp để đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý và cung cấp dịch vụ.

Trong số 60 quốc gia hàng đầu trên thế giới, có nhiều nước ASEAN tham gia đầy đủ các hoạt động và dịch vụ trong công nghệ số. Năm 2020, các quốc gia ASEAN đã thông qua tuyên bố chung về ứng dụng CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo cách thức mới, đáp ứng xây dựng nền công vụ hiện đại. Các nước ASEAN cũng tăng cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, đây là cam kết chung, đáp ứng yêu cầu quản trị tốt trong bối cảnh nền công nghệ phát triển mạnh mẽ và đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường.

Quang cảnh Hội thảo trực tuyến

Ông Ekkaphab Phanthavong cũng cho biết, thông qua “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025" nhằm thúc đẩy nền công vụ đáp ứng thách thức mới. Sáng kiến của Việt Nam đã góp phần tăng cường năng lực cho công chức để đối mặt với các thách thức và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Việc chuyển đổi số là một trong những vấn đề then chốt nhằm xây dựng các hoạt động để đạt được các mục tiêu trong khu vực về xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội. 

Nền công vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu nhạy bén của người dân trong thời đại mới, chủ đề này cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các nước, cần phải có các dữ liệu số. Quá trình chuyển đổi bao gồm cả việc chuyển đổi năng lực và nhận thức của lãnh đạo các cấp, của cả công chức và người dân, Ban Thư ký ASEAN sẵn sàng hỗ trợ cho các hoạt động này.


Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Chu Tuấn Tú tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Chu Tuấn Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế giới thiệu tổng quan về ứng dụng CNTT trong nền công vụ các nước ASEAN, trong đó khẳng định dữ liệu là rất quan trọng và dữ liệu phải được mở mới đem lại lợi ích thiết thực.

Các khía cạnh liên quan ứng dụng CNTT trong nền công vụ bao gồm: nhận thức, thể chế, công chức, công dân, chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu, cung ứng dịch vụ công và an toàn thông tin.

Về nhận thức, cần xác định vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo trong chuyển đổi số, nhận thức của lãnh đạo là yếu tố khách quan đem lại hiệu quả. Nhiệm vụ đầu tiên phải là chuyển đổi về nhận thức, các nhà lãnh đạo phải thay đổi nhận thức về chuyển đổi số; lãnh đạo cần hiểu được các khía cạnh của ứng dụng CNTT. Các Chính phủ cần đưa chuyển đổi số thành nhiệm vụ ưu tiên và phải được nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ dẫn dắt và các thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo chính quyền địa phương tham gia. Một số quốc gia đã giao cho một bộ hoặc một cơ quan thực hiện nên đã thất bại, do đó, nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ sẽ là động lực chính trị để chỉ đạo thực hiện thành công.

Về thể chế, các Chính phủ cần ban hành các chủ trương, chiến lược về chuyển đổi số, tạo hành lang chính sách, phát triển Chính phủ số, xây dựng và ban hành khung Chính phủ điện tử quốc gia và khung chính quyền điện tử các địa phương; đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức chuyên trách và dành ngân sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này.

Về đội ngũ công chức, cần phải thay đổi nhận thức, không ngại khó, không ngại thay đổi, mọi người phải nhận thức vai trò của mình trong cuộc chuyển đổi số mới có thể thành công. Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ đội ngũ công chức được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực để làm việc trong môi trường số phát triển, đáp ứng năng lực để chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút người có tài năng vào bộ máy nhà nước; phát triển các kỹ năng nhằm đáp ứng tốt sự thay đổi và phát triển của công nghệ. Có chiến lược thúc đẩy nguồn nhân lực số để đáp ứng phát triển bền vững của chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, người dân cũng phải thay đổi nhận thức đối với chuyển đổi số. Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số thành công phải có sự tham gia và thụ hưởng lợi ích của người dân. Người dân ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới có thể tiếp cận một cách công bằng, minh bạch các dịch vụ do nhà nước cung cấp. Người dân cũng cần được định danh điện tử, được phổ cập mạng cáp quang, phổ cập mạng di động 4G, 5G để ho có thể thực hiện và thụ hưởng dịch vụ tốt nhất….





Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và các nước ASEAN đã trình bày các tham luận và thảo luận các vấn đề liên quan đến đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động công vụ như: Khung chính sách và nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong hiện đại hóa nền công vụ; Định hướng và chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; Các yếu tố thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hiện đại hóa nền công vụ; Các thách thức đặt ra đối với Philippines trong ứng dụng CNTT hiện đại hóa nền công vụ; Sáng kiến và bài học thực tiễn của Singapore trong ứng dụng CNTT; Bài học thực tiễn của Việt Nam: Chiến lược ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ Việt Nam.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm