BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo quốc tế Giới thiệu và thảo luận về "Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương"

09/08/2019 09:42

Ngày 02/8, tại Quảng Ninh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo quốc tế Giới thiệu và thảo luận về "Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương" - CPTPP.
Ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Trần Lưu Trung - Q. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đồng chủ trì Hội thảo quốc tế về CPTPP của Bộ Nội vụ.

Tham dự Hội thảo có ông Keith Conway – Phó Đại sứ Niu-di-lân tại Việt Nam, ông Cain Roberts – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Ôt-xtrây-lia tại Việt Nam, bà Nguyễn Sơn Trà – đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, bà Lại Thị Vân Anh – đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo, công chức một số Sở Nội vụ khu vực phía Bắc, các chuyên gia và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, được ký kết vào ngày 08/3/2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019, thể hiện mức độ cam kết sâu rộng của Việt Nam vào các thể chế thương mại quốc tế. Trong đó, Hiệp định không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và bảo hộ đầu tư mà còn đề cập tới những vấn đề mới, như doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, mua sắm của các cơ quan Chính phủ, các vấn đề về lao động và môi trường có liên quan tới thương mại, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng nhiều vấn đề khác.

Ngay từ những ngày đầu Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho tất cả các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ, các tỉnh, thành phố và cá cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-BNV ngày 04/4/2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Nội vụ, tập trung giải quyết 2 mục tiêu: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ nắm được thông tin về Hiệp định CPTPP, triển vọng, cơ hội của Việt Nam khi tham gia CPTPP; Triển khai cam kết của Hiệp định này trong lĩnh vực phụ trách của Bộ Nội vụ một cách hợp lý và hiệu quả thông qua kế hoạch thực hiện rõ ràng, nhất quán và có tính kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Đại biểu dự Hội thảo quốc tế về Hiệp định CPTPP của Bộ Nội vụ.

Để đảm bảo cơ chế thực thi, Hiệp định đặt ra những yêu cầu rất cao về quản trị minh bạch, liêm chính và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước trong quản lý các hoạt động thương mại và đầu tư, đưa tới kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Trong đó, Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ cần có sự quan tâm và chuẩn bị càng sớm càng tốt các giải pháp về cơ chế, chính sách để đáp ứng các yêu cầu, chủ động trong tận dụng các cơ hội và ứng phó hiệu quả trước các thách thức trong quá trình hội nhập và thực thi các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP.

Hội thảo mang tới cơ hội tìm hiểu, nắm bắt thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ về Hiệp định CPTPP, nhằm kịp thời cập nhật thông tin, trang bị kiến thức và chuẩn bị sẵn sàng tham gia phối hợp xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách có liên quan nhằm triển khai CPTPP một cách đồng bộ trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên thế giới và khu vực. Đặc biệt, việc phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về CPTPP cho cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và một số Sở Nội vụ thông qua tổ chức Hội thảo quốc tế là hết sức cần thiết khi Bộ Nội vụ đang thực hiện xây dựng, sửa đổi một số luật, như về: cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức chính phủ, thanh niên.

Trao đổi tại Hội thảo, bà Nguyễn Sơn Trà - đại diện Vụ Chính sách thương mai đa biên, Bộ Công Thương, đã cung cấp những thông tin tổng quan về Hiệp định CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), lợi ích chiến lược, tình hình phê chuẩn và thực thi các Hiệp định. Bên cạnh các thông tin cơ bản về quá trình đàm phán của Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong hai thập kỷ gần đây, bà Nguyễn Sơn Trà nhấn mạnh, mục đích của FTA nhằm cắt giảm hoặc loại bỏ hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư tạo thuận lợi cho thương mại, trong đó điểm nổi bật của Hiệp định CPTPP được xác định là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện, đóng vai trò là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Việc trở thành thành viên của các Hiệp định CPTPP và EVFTA thúc đẩy Việt Nam phải thay đổi thể chế, thay đổi tư duy xây dựng luật và thực thi luật ở cả cấp trung ương và địa phương. Trong tương lai, lợi ích cộng hưởng nếu kết hợp với các FTA khác hoặc được mở rộng thành viên tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,7% nếu được phê chuẩn tại tất cả 11 nước, và thậm chí GDP có thể tăng thêm hơn 3,6% nếu Hàn Quốc, In-đô-nê-xia, Phi-líp-pin, Anh, Cô-lôm-bia gia nhập CPTPP.

Để công tác triển khai đáp ứng được yêu cầu đề ra, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch với 5 nội dung chính, gồm: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế; Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Sơn Trà cho biết, hiện nay đã có 24 Bộ, ngành và 56 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện CPTPP, trong đó, Bộ Công Thương có vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức doanh nghiệp triển khai thực hiện, trong tháng 7/2019 Bộ Công thương đã có 2 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện của các Bộ, ngành và địa phương. Những thông tin liên quan được công bố trên trang thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP, tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn/.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Keith Conway - Phó đại sứ Niu-zi-lân tại Việt Nam và ông Cain Roberts – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Ôt-xtrây-lia tại Việt Nam đã chia sẻ các góc nhìn và quá trình triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP tại mỗi nước. Đây cũng là hai nước trong Nhóm 6 nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định CPTPP, gồm: Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Niu-zi-lân, Ca-na-đa và Ôt-xtrây-lia, đưa Hiệp định CPTPP có hiệu lực sớm nhất, từ ngày 30/12/2018. Tiếp đó Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019, hiện nay còn 4 nước tiếp tục hoàn thành thủ tục trong nước để phê chuẩn Hiệp định này, gồm: Bờ-ru-nây, Pê-ru, Chi-lê và Ma-lay-xia. 

Các chuyên gia quốc tế đánh giá, CPTPP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu bởi cải thiện tính minh bạch trong các quyết định chính sách cũng như quá trình giải quyết tranh chấp của các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các điều kiện hoạt động sẽ ổn định, dễ đoán hơn tại các thị trường trong khu vực các nước là thành viên Hiệp định CPTPP, thúc đẩy mở ra các ngành dịch vụ mới, tiếp cận thị trường tốt hơn, đồng thời cho phép các doanh nhân được dễ dàng nhập cảnh tạm thời vào các nước thành viên để tìm kiếm cơ hội giao thương. Hai quốc gia này cũng thiết lập các nguồn thông tin hữu ích liên quan đến CPTPP trên môi trường mạng, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có quan tâm dễ dàng tra cứu tại địa chỉ: www.mfat.govt.nz/cptpp và www.dfat.gov.au/cptpp.

Trong khuôn khổ Hội thảo, bà Lại Thị Vân Anh – đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, đã trình bày tham luận về Cam kết của Hiệp định CPTPP về minh bạch hóa, chống tham nhũng và các quy định về thể chế có liên quan tại Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh tới các biện pháp tăng cường tính minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, cơ chế kỷ luật, hạn chế khả năng xung đột lợi ích, nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

 Tại phần thảo luận, các chuyên gia đã giải đáp quan tâm của các đại biểu xung quanh một số vấn đề như khả năng chồng chéo nghĩa vụ giữa các hiệp định mà Việt Nam là thành viên, vấn đề bản quyền, vấn đề quy định về ứng xử của công chức Niu-zi-lân và Ôt-xtrây-lia trong công vụ nhằm mục đích phòng, chống hành vi tham nhũng.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cảm ơn các chuyên gia và đại biểu đã tích cực cung cấp thông tin, trao đổi làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định CPTPP tại mỗi nước, cũng như các khuyến nghị đối với việc triển khai Hiệp định CPTPP tại Việt Nam của các chuyên gia quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá, Hội thảo đã cung cấp thông tin toàn diện về CPTPP, giúp cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, ngành Nội vụ nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về Hiện định quan trọng này, qua đó, giúp cải thiện năng lực xây dựng thể chế, thực thi pháp luật trong thời gian tới ở cả cấp trung ương và địa phương, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong CPTPP.

Nguyễn Thắng

Tìm kiếm