Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13) và các hoạt động liên quan từ ngày 25 - 26/11/2021 theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
ASEM (Hội nghị Á - Âu) (ASEM - Asia Europe Summit Meeting) là diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức, được sáng lập vào năm 1996. Tháng 3/1996, Hội nghị các nguyên thủ quốc gia về Hợp tác Á- Âu (Asia-Europe Summit Meeting - ASEM) lần đầu tiên được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia 15 nước thuộc Liên minh châu Âu, 10 nước châu Á (bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc Hàn Quốc và 7 nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Sau Hội nghị Thượng đỉnh này, Hợp tác Á-Âu đã chính thức ra đời và lấy tên của Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên (ASEM) làm tên cho chương trình hợp tác này. Thực chất, hiện nay ASEM là một diễn đàn hợp tác, cơ chế phối hợp thông qua các nước điều phối viên và chưa có Ban Thư ký điều hành. Các nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thảo luận hướng phát triển của ASEM trong thời gian tới và có nhiều khả năng ASEM sẽ được nâng lên thành một tổ chức kinh tế khu vực để giải quyết vấn đề tự do hóa thương mại, đầu tư giữa châu Á và châu Âu.
Là khuôn khổ đối tác toàn diện kết nối Á-Âu, ASEM đã phát huy vai trò không thể thiếu trong việc tăng cường gắn kết, mở rộng không gian hợp tác, phát triển và liên kết giữa các quốc gia, doanh nghiệp và người dân hai châu lục. Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, sự phát triển mạnh của những xu thế mới, nhất là sự bùng nổ khoa học công nghệ, với bề dày hợp tác trải qua một phần tư thế kỷ, sức hấp dẫn, vị thế và tiềm năng hợp tác của ASEM ngày càng gia tăng.
Năm 2021, đánh dấu 25 năm thành lập ASEM – cơ chế đối thoại lớn nhất kết nối các nước châu Á và châu Âu, với 53 thành viên, trong đó 4/5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 thành viên của Nhóm G20; chiếm khoảng 60% dân số, hơn 70% thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, 60% FDI thế giới, đóng góp khoảng 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu,…tinh thần đối thoại, phối hợp chính sách và hành động trong khuôn khổ ASEM có ý nghĩa then chốt, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ, hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng, dân chủ, giải quyết các thách thức và triển khai các cam kết toàn cầu.
Sau hơn hai thập kỷ hoạt động, hợp tác ASEM ngày càng được các nước thành viên coi trọng. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác về văn hóa xã hội, phát triển bền vững, ASEM được kỳ vọng sẽ chú trọng hơn tới hợp tác kinh tế và kết nối cũng như nâng cao tiếng nói của Diễn đàn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong hai năm qua, các hoạt động của ASEM bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Hội nghị cấp cao ASEM 13 đã hai lần bị hoãn vì dịch bệnh. Vượt qua những khó khăn, thách thức, Hội nghị cấp cao ASEM 13 với chủ đề “Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung” diễn ra trong bối cảnh kinh tế, chính trị, an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Các nước đứng trước sức ép mở cửa lại nền kinh tế, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn với nhiều biến chủng mới. Tăng trưởng bền vững và bao trùm, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xem là những định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế thế giới trong và hậu đại dịch.
Diễn đàn quan trọng, đối tác then chốt
ASEM là một diễn đàn quan trọng với Việt Nam về mặt chiến lược, kinh tế, chính trị, an ninh, phát triển, xã hội. Đây là nơi hội tụ 53 thành viên, là những cái nôi của văn hóa thế giới, những trung tâm về công nghệ, cường quốc về kinh tế trong thời đại mới.
Đồng hành với sự phát triển của ASEM trong 25 năm qua, vị thế của Việt Nam trong cơ chế hợp tác liên khu vực này ngày càng được nâng cao nhờ các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đảm nhiệm tốt các trọng trách đa phương thời gian qua và có những đóng góp ý nghĩa vào ASEM.
Qua ASEM, Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ, trao đổi và thúc đẩy thương lượng về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tại Hội nghị cấp cao ASEM diễn ra ở Việt Nam năm 2004, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác đầu tiên trên thế giới ký thỏa thuận song phương, ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, mở đường cho nhiều thỏa thuận khác để Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào tháng 1/2007.
Một hành động cụ thể nữa là những dự án song phương do ASEM mang lại. Hội nghị thượng đỉnh ASEM diễn ra hai năm/lần, xen kẽ là các hội nghị Bộ trưởng. Trong các khuôn khổ đó, nhiều nước khởi động hoặc hoàn tất quá trình đàm phán và đi đến ký kết các thỏa thuận song phương. Với Việt Nam, nước ta khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU từ năm 2010 tại Cấp cao ASEM lần thứ 8 ở Bỉ, hoàn tất quá trình đàm phán vào năm 2014 tại Cấp cao ASEM lần thứ 10 ở Italy.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất trong khởi xướng, đề xuất và thúc đẩy nhiều ý tưởng, nội dung hợp tác mới, trực tiếp triển khai và đồng bảo trợ gần 60 sáng kiến trên các lĩnh vực. Thông qua các sáng kiến hợp tác, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEM đề cao lợi ích của hòa bình, an ninh và ổn định, giải quyết những vấn đề cấp bách, thúc đẩy quan tâm chung.
Trong năm 2021, Việt Nam đã đề xuất và tổ chức thành công “Đối thoại chính sách cao cấp ASEM” với sự tham dự của nhiều Bộ trưởng và quan chức cao cấp, nhằm kỷ niệm 25 năm thành lập cơ chế hợp tác và thảo luận về tầm nhìn cho giai đoạn mới. Sáng kiến của Việt Nam đã được các nước thành viên đánh giá rất cao. Quan hệ song phương của Việt Nam với các thành viên ASEM phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng Việt Nam sẽ là cầu nối, đối tác then chốt và trở thành trung tâm kết nối của EU tại khu vực.
Bên cạnh đó, việc đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách như chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEM năm 2004, chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM năm 2009, Điều phối viên nhiệm kỳ 1999 - 2000 và 2001 - 2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á-Âu giai đoạn 2008 - 2012... đã giúp Việt Nam tham gia xây dựng và thúc đẩy nhiều định hướng, chiến lược quan trọng của Diễn đàn.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 13 (ASEM 13) và các hoạt động liên quan tiếp tục thể hiện tính tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; thể hiện sự coi trọng hợp tác ASEM, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong ASEM, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Cùng với đó, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam đối với một số vấn đề lớn ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực, toàn cầu; bảo vệ, thúc đẩy các ưu tiên, lợi ích của Việt Nam trong ASEM; tranh thủ hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh và đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
Nguồn: baochinhphu.vn