Những thành tựu trong công tác cán bộ nữ ở Bình Phước

15/05/2018 16:08
  • Print
  • Lượt xem: 1778

Là tỉnh vùng sâu còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh đã được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực, sở trường, trực tiếp tham gia và góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị gắn với xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

TỶ LỆ NỮ THAM GIA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TĂNG CAO

Dù có nhiều khó khăn, song Bình Phước được Trung ương đánh giá là tỉnh có nhiều thành công trong công tác cán bộ nữ. Điều đó được thể hiện qua kết quả đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cụ thể, số cán bộ nữ là ủy viên ban chấp hành đảng bộ xã có 759/3.764 người, đạt 20,2%. Số nữ trúng cử ban chấp hành đảng bộ huyện, thị và tương đương 105/696 người, tỷ lệ 15,1% và nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 12/55 người, tỷ lệ 21,8%.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương trình bày đề tài “Điều tra thực trạng đội ngũ trí thức tỉnh Bình Phước; Đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới”

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, có 2/6 nữ trúng cử đại biểu Quốc hội, đạt 33,33%. Có 23/65 đại biểu HĐND tỉnh là nữ, tỷ lệ 35,38%. Cấp huyện có 98/374 nữ đại biểu HĐND, tỷ lệ 26,2% và có 818/3.153 nữ trúng cử đại biểu HĐND xã, tỷ lệ 25,94%. Đáng phấn khởi nhất là trong nhiệm kỳ, có 5/15 chị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được Tỉnh ủy phân công giữ các trọng trách như: Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy.

Ở các cơ quan quyền lực như HĐND, cơ quan quản lý nhà nước như UBND; các sở, ban, ngành, đoàn thể đều có sự tham gia của nữ giới ở các vị trí quan trọng như trưởng, phó đầu ngành. Trong các đơn vị kinh tế, công ty, doanh nghiệp, nhiều chị tham gia vị trí phó giám đốc. Hầu hết nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp đều khẳng định vai trò, vị trí, năng lực của người lãnh đạo, quản lý và điều hành cơ quan, đơn vị. Sự gia tăng số lượng và chất lượng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở Bình Phước đã chứng tỏ năng lực của cán bộ nữ ngày càng được nâng cao. Những đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ nữ đã từng bước làm thay đổi định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội, làm cho xã hội phải thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia lĩnh vực chính trị không hề thua kém nam giới.

NHIỀU CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC DO NỮ LÀM CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI

Ngay từ khi tái lập tỉnh, giới nữ đã tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Giai đoạn 1997-2006, có 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được giao cho nữ làm chủ nhiệm và mới chỉ đạt tỷ lệ khiêm tốn là 8,23%. Trong đó có 3 đề tài được nghiệm thu xếp loại khá. Từ năm 2007 đến nay, việc lựa chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài cấp tỉnh được thực hiện bằng phương thức tuyển chọn. Tuy nhiên, nhiều chị vẫn mạnh dạn, tích cực tham gia và đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh tin tưởng giao chủ trì thực hiện 6 đề tài, trong đó có 5 đề tài được xếp loại khá. Điển hình là đề tài khoa học cấp tỉnh “Lịch sử địa phương tỉnh Bình Phước” - tài liệu giảng dạy trong các trường phổ thông và cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh của Thạc sĩ Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước. Hiện nay, chị đang nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh”. Trong năm 2017, đề tài khoa học cấp tỉnh “Điều tra thực trạng đội ngũ trí thức tỉnh Bình Phước; Đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh cũng được nghiệm thu. Ngoài ra, tại Trường Chính trị tỉnh và Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước có rất nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở do nữ làm chủ nhiệm.

Hiện 8 chị là đại biểu HĐND tỉnh đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả việc phản biện xã hội thông qua xây dựng chính sách như: phản biện về dự thảo điều chỉnh Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 21-12-2011 của UBND tỉnh quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Phản biện dự thảo “Đề án phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2025” do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức...

Những con số đã nêu cho thấy số cán bộ nữ tham gia nghiên cứu khoa học tuy chưa nhiều, nhưng chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học do các chị làm chủ nhiệm đã được nâng cao hơn trước. Nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đã được triển khai, góp phần giải quyết nhu cầu ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống của nhân dân.

NHỮNG BẤT CẬP VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TRONG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC  CÁN BỘ NỮ

Dù đã được Trung ương đánh giá cao trong công tác cán bộ nữ, song do những yếu tố đặc thù về giới và định kiến xã hội còn rơi rớt, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, độ tuổi lao động của nữ ít hơn nam 5 tuổi. Thế nhưng thời gian tham gia học tập, làm việc lại không có sự phân biệt về tuổi khởi đầu. Trong quy hoạch, bổ nhiệm thì lại căn cứ vào tuổi nghỉ hưu để xác định thời gian còn công tác. Trong khi đó, phụ nữ lại phải thực hiện thiên chức làm mẹ. Nếu phụ nữ sinh 2 con thì phải có ít nhất 5 năm cho việc mang thai và chăm sóc con nhỏ. Đó là chưa kể tâm lý xã hội vẫn còn hoài nghi về năng lực của nữ giới. Bản thân nhiều chị cũng tự ti, “mượn cớ” hy sinh cho gia đình để an phận, không gắng sức phấn đấu, vươn lên.

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát huy vai trò của nữ trí thức tỉnh Bình Phước trong hoạt động xã hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức, nhiều người rất đồng tình với ý kiến đề xuất của Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuyên, Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước. Ông Thuyên cho rằng: Nhà nước cần có quy định ưu tiên về độ tuổi đào tạo cán bộ nữ. Trong quy hoạch, bổ nhiệm cũng nên có quy định riêng biệt giữa nam và nữ. Ví dụ: trong quy hoạch, bổ nhiệm cơ cấu trẻ, nếu quy định nam dưới 40 tuổi thì đồng thời quy định nữ dưới 35 tuổi. Tương tự, khi thực hiện chính sách đào tạo thì cần ưu tiên cho nữ đi học trước với số tuổi nhỏ hơn nam 5 tuổiCó như vậy thì phụ nữ mới đủ chuẩn sớm hơn để có cơ hội ngang bằng với nam giới khi tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Thảo Linh

Nguồn: http://baobinhphuoc.com.vn/

Nguồn: http://baobinhphuoc.com.vn/