Bắc Giang: Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ - Nội dung quan trọng trong công tác phụ nữ và chiến lược cán bộ của Đảng

21/12/2018 16:16
  • Print
  • Lượt xem: 6761

Phụ nữ chiếm trên 50% dân số, luôn là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ. Để phát huy vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Đảng ta xác định công tác cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng.

Trong suốt cuộc đời làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, để quyền lợi của phụ nữ thật sự được tôn trọng, thật sự được bảo đảm. Người cho rằng giải phóng phụ nữ thuộc địa phải gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, hơn 40 năm qua, vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ và công tác cán bộ nữ tiếp tục được thể chế hoá trong nhiều văn bản Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết   04-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề “Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở quy hoạch, có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ cống hiến và trưởng thành… chống coi thường phụ nữ, phân biệt đối xử, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, sử dụng, đề bạt   cán bộ nữ”. Nghị quyết số   11-NQ/TW "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" nhấn mạnh quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ:

Một là: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hai là: Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước; đồng thời phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

Ba là: Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.

Bốn là: Công tác cán bộ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ nữ phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Điều này được thể hiện qua các nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng gần đây, chúng ta đều có nữ tham gia Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư. Tỷ lệ cán bộ nữ là Đại biểu Quốc hội khoá sau tăng hơn khoá trước, cụ thể khoá IX nữ chiếm 18,84%; khoá X nữ chiếm 26,22%; khoá XI nữ chiếm 27,31%. Cán bộ nữ giữ cương vị chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội chiếm tỷ lệ 25%. Thành tựu này đã đưa Việt Nam lên vị trí đứng đầu khu vực châu Á về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Cán bộ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nữ chủ doanh nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong thời kỳ đất nước hội nhập kinh tế quốc tế. Riêng đối với Bắc Giang, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, số lượng cán bộ nữ tham gia cấp uỷ tỉnh là 07 đồng chí, bằng 12,7%; cấp uỷ huyện 63 đồng chí, bằng 11,7%. Cán bộ nữ là đại biểu HĐND cấp tỉnh 20 đồng chí, bằng 23,8%; cấp huyện 100 đồng chí, bằng 25,9%.

Tuy vậy, trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tình hình phụ nữ và công tác cán bộ nữ hiện nay ở cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức.

- Quan niệm bất bình đẳng, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại trong xã hội ta dưới nhiều hình thức. Trong thực tế, phụ nữ đang phải đối mặt với đói nghèo, lạc hậu, thiếu việc làm, sự bất cập về trình độ học vấn, chuyên môn và tình trạng bạo lực gia đình.

- Cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp chưa đạt chỉ tiêu 15% theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ còn hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong phụ nữ vẫn còn cao, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; việc tuyển chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ nữ đôi lúc còn thiếu công tâm, thiếu khách quan; nhiều cơ quan, đơn vị chưa mạnh dạn bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên.

-  Đội ngũ đảng viên là nữ còn thiếu, đặc biệt là đảng viên nữ ở nông thôn, dân tộc ít người và trong các doanh nghiệp.
Để có đội ngũ cán bộ nữ ngang tầm nhiệm vụ cần thực hiện những mục tiêu, giải pháp cho công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới.

1- Quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ trong thời kỳ đất nước hội nhập. Các cấp ủy Đảng có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
2- Phấn đấu đến năm 2020, ở Bắc Giang, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%.

3- Khi xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ cần căn cứ vào tiêu chuẩn chung nhưng đồng thời phải tính đến yếu tố giới; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nữ. Có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ.

4- Công tác tạo nguồn cán bộ nữ cần được đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Ưu tiên tuyển dụng cán bộ nữ, lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học. Bồi dưỡng phát triển đảng viên nữ cân đối giữa các khu vực. Chú trọng việc bố trí, phân công công tác để đảng viên nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.

5- Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Đảng. Khắc phục tư tưởng an phận, tình trạng níu kéo, không ủng hộ nhau ngay trong nội bộ cán bộ nữ.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển của công tác cán bộ nữ, góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin và động lực cho cán bộ nữ cống hiến, phát huy tài năng của mình.

Nguồn: http://tinhuybacgiang.org.vn