Bà Bùi Thị Hoà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Đó là ý kiến của bà Bùi Thị Hoà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xung quanh câu chuyện về bình đẳng giới ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Thưa bà, mặc dù bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những điểm cải thiện đáng kể trong thời gian qua song thực tế phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều thua thiệt so với nam giới. Bà nhận xét gì về thực trạng này?
Bà Bùi Thị Hòa: Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thực hiện bình đẳng giới, là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia có khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới tốt trên thế giới. Cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày nay ngày càng tiến bộ và phát triển. Bên cạnh gia đình, phụ nữ đã có tiếng nói, sự phát triển trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bất bình đẳng giới, định kiến giới vẫn tồn tại, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam hơn nữ” trong xã hội, quan điểm “nam trưởng, nữ phó” còn tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ.
Nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội và bản thân người phụ nữ còn hạn chế. Không ít người vẫn coi bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ. Chính cách tiếp cận như vậy đã đặt người phụ nữ luôn ở vị trí yếu thế hơn nam giới.
Để cải thiện tình trạng này, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho toàn xã hội là rất quan trọng. Bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng, tạo cơ hội cho cả hai giới cùng phát triển chứ không phải ưu tiên cho phụ nữ.
Bình đẳng giới là quá trình đấu tranh lâu dài và cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Theo bà, quá trình đấu tranh này gặp những khó khăn và thách thức gì?
Bà Bùi Thị Hòa: Đấu tranh về bình đẳng giới đã có một quá trình lịch sử lâu dài trên thế giới và ở Việt Nam, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Hiện nay, bình đẳng giới có những bước phát triển rất tiến bộ, vượt bậc so với trước đây, tuy nhiên với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong thời đại kỷ nguyên số thì quá trình này vẫn tiếp tục gặp những khó khăn và thách thức.
Có thể khái quát một số khó khăn, thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới hiện nay như sau: Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới về chỉ số khoảng cách giới (GGI) không ổn định và đang có xu hướng tụt giảm liên tục những năm gần đây.
Thách thức từ biến đổi khí hậu: Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng tồi tệ nhất từ các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, trong đó, người nghèo, phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa đến những cơ hội cho phụ nữ nhưng nhiều dự báo cho thấy, lao động nữ làm những công việc giản đơn, trong những nghề có tiền lương thấp sẽ chịu nhiều tác động bất lợi nhất, dễ bị mất việc làm do sự thay thế công nghệ.
Các thách thức về xã hội: Hệ quả của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; việc bảo đảm an sinh tuổi già đối với nhóm lao động nữ làm việc trong khu vực không chính thức; nữ lao động di cư và các hệ lụy…
Trong thống kê, báo cáo chưa có số liệu thống kê giới được định kỳ công bố, một số bộ, ngành chưa ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp cơ sở, hoặc đã ban hành song chưa cập nhật, điều chỉnh, bổ sung nên không đáp ứng được yêu cầu về phân tổ theo giới tính.
Bên cạnh những thách thức đó, khó khăn lớn nhất của quá trình này vẫn là vấn đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho toàn xã hội như tôi đã nói ở trên. Định kiến giới, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội đã tạo ra những rào cản đối với sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ.
Còn một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn vẫn tự ti, cam chịu. Trong gia đình, phụ nữ vẫn được trông đợi là người thực hiện công việc chăm sóc con cái, người thân. Các dịch vụ hỗ trợ gia đình chưa được quan tâm phát triển đúng mức là khó khăn, thách thức lớn đối phụ nữ để có thể đảm nhiệm được các vai trò trong gia đình và ngoài xã hội.
Được biết, Nhóm chuyên gia đánh giá tác động chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Economica đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới để tham vấn Chính phủ Việt Nam xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi. Trong đó, giải pháp đáng chú ý là cho phép nam giới được nghỉ chăm sóc con dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội. Theo bà, giải pháp này có hợp lý không? Tại sao?
Bà Bùi Thị Hòa: Bộ luật Lao động có vị trí vô cùng quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rất rộng lớn, tác động đến toàn bộ các thành phần kinh tế, người lao động. Do đó các quy định, chính sách đối với người lao động có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế và an sinh xã hội của đất nước. Chính vì vậy, Bộ LĐTB&XH đã rất dày công nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động, tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế để xây dựng dự thảo bộ luật sửa đổi lần này.
Một trong những vấn đề được cả xã hội rất quan tâm, không chỉ cơ quan chủ trì mà cả Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu là đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp bình đẳng giới trong Bộ luật.
Việc lao động nam đóng bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ thai sản đã được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Khoản 2 Điều 34):
“Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.”
Đối với giải pháp cho phép nam giới được nghỉ chăm sóc con dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội do Economica đề xuất, tôi cho rằng Ban soạn thảo cần cân nhắc để có thể đưa vào dự thảo luật chính sách này, đảm bảo đánh giá đầy đủ tác động của chính sách và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của lao động nam và lao động nữ trong chăm sóc con cái.
Qua tham vấn chuyên gia và đi thực tế địa phương, tôi nhận thấy có sự đồng tình của những người được hỏi ý kiến đối với quy định nghỉ khi vợ sinh con của lao động nam. Mặc dù trên thực tế, quy định này chưa được thực hiện rộng vì nhiều lý do, song quy định này có ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của người dân, của nam giới trong việc chăm sóc vợ, chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con mới sinh và cũng là cơ sở pháp lý để lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con vẫn hưởng bảo hiểm xã hội.
Do vậy, dự thảo Bộ luật Lao động cần rà soát và bổ sung các quy định để đồng bộ, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về chế độ nghỉ thai sản đối với lao động nam.
Một giải pháp đáng chú ý khác được Economica đề xuất là khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động. Bà bình luận gì về giải pháp này?
Bà Bùi Thị Hòa: Nhà trẻ, mẫu giáo cho con cái của người lao động là một trong những nội dung Hội Liên hiệp Phụ nữa Việt Nam rất quan tâm, trong thời gian qua chúng tôi đã tiến hành giám sát, khảo sát tại các tỉnh Bình Dương, Thái Nguyên và Hà Tĩnh - nơi có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ về nội dung này.
Qua khảo sát tình hình cho thấy nhu cầu nhà trẻ, mẫu giáo của các gia đình công nhân hiện nay là rất lớn, trong khi thực tế các địa phương chưa thể đáp ứng hết các nhu cầu. Đề án 404 “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” do Chính phủ phê duyệt đang được Hội LHPN Việt Nam triển khai nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu của công nhân lao động về nhà trẻ, mẫu giáo.
Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ đã có quy định khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm về cách thức tổ chức thực hiện để quy định này thực sự đi vào cuộc sống và phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Qua hoạt động giám sát của Hội tại các địa phương, việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo của các doanh nghiệp có tỉnh làm rất tốt, quy mô lớn, tạo điều kiện để người lao động gửi con nhưng cũng có tỉnh còn làm chưa tốt, chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho sự phát triển của trẻ.
Trong bối cảnh nhu cầu của người lao động lớn, Hội cho rằng cần khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động. Đây cũng là nội dung doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, giải pháp này cần được nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng để tránh tạo ra những bất lợi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khi đi xin việc vì có thể có doanh nghiệp sẽ không muốn nhận lao động nữ. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp hỗ trợ giữa chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong triển khai giải pháp về nhà trẻ, mẫu giáo cho con em người lao động.
Nhật Nam (thực hiện)
Theo: http://baochinhphu.vn