Chuyện về những người phụ nữ “chinh phục” khoa học bằng sự khéo léo

09/10/2017 15:13
  • Print
  • Lượt xem: 1829

Chủ động tìm tòi các ý tưởng nghiên cứu gắn liền với thực tế, các nhà nữ khoa học của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm đã tạo ra những sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống dân sinh. Nhiều đề tài nghiên cứu tưởng chừng khó khăn nhưng đều được “chinh phục” bởi sự khéo léo của người phụ nữ.

Nói về Trung tâm Sinh học Thực nghiệm thuộc Viện nghiên cứu ứng dụng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chắc hẳn nhiều người làm nghiên cứu khoa học phải thán phục với những thành tích mà đơn vị đạt được như công bố trên 100 bài báo trên các Tạp chí, Kỉ yếu Hội nghị trong nước và Quốc tế; Có 01 sáng chế được cấp bằng và 03 sáng chế/giải pháp hữu ích được chấp nhận đơn; Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC – 1997…

Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất ở đây đó là đa phần các cán bộ khoa học của Trung tâm là nữ. Hầu hết các đề tài/nhiệm vụ đều do các nữ khoa học của Trung tâm chủ trì thực hiện và các chị đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhiều đề tài đã được áp dụng vào thực tế sản xuất.

Nhiều nhà nữ khoa học đang âm thầm cống hiên tài năng để phục vụ dân sinh

Những dấu ấn mang tên các nhà nữ khoa học
Cách đây gần 20 năm, Trung tâm Sinh học Thực nghiệm (TTSHTN) đã tiến hành nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước KC-08-12 “Nghiên cứu công nghệ sản xuất các chế phẩm giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ nguồn vi tảo để phục vụ dinh dưỡng cho người và động vật”. Đề tài đã nghiên cứu sử dụng sinh khối tảo Spirulina dùng cho người ở dạng sản phẩm là viên nén tảo dùng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư xạ trị và sản phẩm cốm dinh dưỡng Lina trong phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em.

Từ kết quả đó, năm 2008, Trung tâm đã thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm triển khai sản xuất các sản phẩm viên nén, viên nang, cốm từ tảo Spirulina với mục tiêu ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý. Các sản phẩm của dự án đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Những năm gần đây, TTSHTN còn liên tục nghiên cứu thành công nhiều công trình khoa học có ý nghĩa như: Một số giải pháp sinh học trong xử lý môi trường, nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý phế thải nông nghiệp bằng công nghệ vi sinh vật tạo phân bón hữu cơ tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Xác định nghiên cứu khoa học phải gắn liền với đời sống của nhân dân nên các nhà khoa học nữ của TTSHTN luôn chủ động tìm tòi các ý tưởng nghiên cứu gắn liền với thực tế. TTSHTN đã nhân giống thành công nhiều loại cây dược liệu có giá trị của Việt Nam như Ba kích, Hoàng đằng, Lan gấm,…và đặc biệt là Lan kim tuyến – một loại thảo dược quí hiếm nên được thu mua với giá rất cao nên bị khai thác tận diệt, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Khả năng tái sinh của Lan Kim tuyến trong tự nhiên rất thấp, đặc biệt là những nơi môi trường sinh thái bị tàn phá. Loại thảo dược này được coi là “thần dược” vì nó có tác dụng chữa bệnh đa dạng như trị đau bụng, sốt cao, rắn cắn, bệnh tiểu đường, bệnh viêm thận, huyết áp cao, yếu sinh lý, phòng ngừa u bướu và chữa các bệnh tim mạch.

Khi bắt tay vào nghiên cứu loài Lan kim tuyến, các nhà nữ khoa học cũng gặp không ít khó khăn bởi lẽ giống lan này vô cùng “khó tính”. Phải mất nhiều thời gian, các nhà khoa học mới tìm ra được điều kiện thích hợp cho sự phát triển trong điều kiện nhân tạo của cây này.


Thạc sĩ Phan Xuân Bình Minh, người đã làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Nhân giống cây Ba kích và Hoàng đằng” và đề tài cơ sở “Bảo tồn và phát triển loài Kim tuyến đặc hữu của Việt Nam” chia sẻ: “Với vai trò là một cán bộ nghiên cứu, chúng tôi luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu của mình được áp dụng vào thực tiễn, góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà”


Thạc sĩ Bình Minh tâm sự thêm: Năm 2011 sau khi đề tài cấp Bộ kết thúc chúng tôi cũng đã thực hiện hợp đồng chuyển giao mô hình nhân giống và trồng Ba kích dưới tán rừng cho Trung tâm ứng dụng Tỉnh Phú Yên, với kết quả đạt được hiện tại Phú yên đã chủ động được nguồn giống và phát triển được vùng trồng Ba kích dưới tán rừng. Để tiếp tục những kết quả của đề tài chúng tôi xây dựng dự án sản xuất thử giống Ba kích cung cấp cho các hộ dân thuộc Huyện Trà Lĩnh Cao Bằng nhằm phát triển loại cây dược liệu có giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc nghèo.

“Với đề tài bảo tồn và phát triển loài Lan kim tuyến đặc hữu của Việt Nam chúng tôi cũng hy vọng với những kết quả đã đạt được, trong tương lai gần sẽ chuyển giao cây giống và hướng dẫn kĩ thuật trồng loại cây dược liệu mới và có giá trị này cho các địa phương và người dân vùng núi phía bắc và trung bộ, đặc biệt là những vùng thuộc diện 30A của Chính phủ” – Nhà nữ khoa học trẻ Bình Minh bộc bạch.

Vượt khó khăn để cống hiến

Chia sẻ với Dân trí, Thạc sĩ Nguyễn Trịnh Hoàng Anh - Phòng Sinh học phân tử bày tỏ: Là một cán bộ nữ nên bản thân tôi thấy trong quá trình thực hiện triển khai nhiệm vụ hay tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội cũng gặp khá nhiều khó khăn - bị hạn chế về thời gian cho gia đình và chăm sóc con nhỏ. Đặc biệt trong những đợt công tác, khảo sát thực tế dài ngày ở các địa phương, sự hạn chế thể hiện rõ về sức khỏe, về điều kiện khó khăn tại địa phương công tác và việc thu xếp hợp lí ổn thỏa giữa công việc và gia đình.

Song bên cạnh những khó khăn, là phụ nữ chúng tôi cũng có những thế mạnh phù hợp với công tác nghiên cứu khoa học như những đức tính tỉ mỉ, kiên trì, cẩn trọng. Ngoài ra, được làm việc trong một tập thể có khá đông cán bộ là nữ nên mọi người thông cảm và đoàn kết giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt các công việc được giao.

Theo tâm sự của nhiều cán bộ nữ của TTSHTN, để công bằng giữa công việc và gia đình, đối với người phụ nữ không đơn giản là một nghệ thuật sống, mà phát xuất phát từ tấm lòng và niềm đam mê công việc thì mới có thể thành công khi tham gia công tác nghiên cứu khoa học.

“Khi tham gia nghiên cứu khoa học cần cố gắng theo đuổi mục tiêu đến cùng. Việc cơ quan, gia đình rất bận rộn nhưng nếu sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, thậm chí bớt giờ nghỉ ngơi của chính mình là có thể giải quyết mọi việc. Khi cảm thấy thoải mái và gia đình ổn thỏa thì mọi việc sẽ trôi chảy và có nhiều niềm vui trong công việc” – các nhà khoa học nữ của TTSHTN chia sẻ kinh nghiệm để đến được sự thành công trong nghiên cứu khoa học.

Với những sự cố gắng và nỗ lực không biết mệt mỏi, năm 2013, tập thể cán bộ nữ của TTSHTN đã vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaya. Đây là giải thưởng dành tặng cho những nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa.

 

Tiến sĩ Nguyễn Phương tự hào vì trong trung tâm có một đôi ngũ các nhà khoa học nữ có trình độ và nhiệt huyết

TS Nguyễn Phương – Phó giám đốc TTSNTN chia sẻ: “Thành công ngày hôm nay không thể không nói đến sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, của Viện Ứng dụng Công nghệ để Trung tâm có thể thực hiện và triển khai được các ý tưởng khoa học, tạo ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống và sự nỗ lực không ngừng vượt qua bao khó khăn vất vả của phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học của Trung tâm”

TS Phương cũng cho biết, được sự quan tâm của Bộ KHCN, Viện Ứng dụng Công nghệ, thời gian vừa qua Trung tâm đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị phòng thí nghiệm khá đầy đủ phục vụ nghiên cứu và triển khai, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cải tiến công nghệ theo nhiệm vụ Bộ, Viện giao và đặt hàng từ doanh nghiệp. Năm 2015, với những kinh nghiệm đạt được trong nghiên cứu nhân giống cây dược liệu, TTSHTN kết hợp với một số đơn vị trong Viện Ứng dụng Công nghệ tiếp tục thực hiện đề tài nhân giống cây dược liệu Đảng sâm bằng công nghệ đèn Led tiết kiệm năng lượng và tăng hiệu quả quang hợp tự dưỡng cho cây nuôi cấy in vitro.

dantri.com.vn

dantri.com.vn