Khẳng định tài năng phụ nữ Việt trong khoa học

11/05/2019 01:41
  • Print
  • Lượt xem: 21147

Ngày 4/3, Trung ương Hội LHPN Việt Nam long trọng tổ chức Lễ trao Giải Kovalevskaia năm 2018 và giao lưu giữa các nhà khoa học nữ với sinh viên.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã tới dự.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia cho đại diện tập thể, cá nhân đoạt giải năm 2018. (Ảnh: T.Thanh)

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 được trao cho 1 tập thể (gồm 17 cán bộ nữ) là Bộ môn Công nghệ môi trường, khoa Môi trường, đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội và 1 cá nhân là GS.TS. Nguyễn Thị Lan - giảng viên cao cấp, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam về những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng. 
 
Các đại biểu giao lưu với sinh viên tại Lễ trao giải

Nghiên cứu thành công nhiều công trình bảo vệ môi trường
 
PGS.TS Nguyễn Thị Hà - Trưởng bộ môn Công nghệ môi trường, khoa Môi trường, đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Mặc dù là đơn vị đào tạo nhưng những thành tích về nghiên cứu khoa học của tập thể cán bộ nữ Bộ môn Công nghệ môi trường không thua kém các đơn vị chuyên về nghiên cứu khoa học. Từ những năm 1990, các cán bộ nữ như PGS Trịnh Thị Thanh, PGS Đồng Kim Loan đã tham gia các đề tài nghiên cứu về Xử lý nước thải ngành sản xuất Giấy và Bột giấy. Năm 2002, PGS Trịnh Thị Thanh, PGS Nguyễn Thị Hà đã triển khai nghiên cứu xây dựng Hệ thống xử lý nước thải nhuộm cho làng nghề Dương Nội; Đề tài tận dụng bã giấy trong sản xuất nấm; Công trình Bùn thải mạ trong sản xuất men màu gốm sứ do PGS.TS Nguyễn Thị Hà chủ trì, ThS Trần Thị Phương tham gia đã được giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam về Môi trường của Ngân hàng Thế giới năm 2005; Đề tài sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và chế biến nấm linh chi làm nước giải khát” của ThS.
 
Trần Thị Phương đã sản xuất và tạo ra sản phẩm được đánh giá cao; Đề tài “Nghiên cứu sử dụng các hệ thống xử lý tự nhiên với kỹ thuật sinh học, sinh thái để xử lý nước thải với nồng độ chất hữu cơ cao” và “Sử dụng các biện pháp sinh học để xử lý nước thải” của PGS Nguyễn Thị Loan đã được triển khai và đánh giá kết quả tốt.
 
Hướng nghiên cứu về tận dụng chất thải để tạo ra các sản phẩm, vật liệu sử dụng trong xử lý ô nhiễm môi trường cũng được nhiều cán bộ thực hiện và đạt kết quả tốt, có triển vọng áp dụng như: Chế tạo vật liệu xử lý ô nhiễm từ các chất thải; Hoạt hoá quặng MnO2 làm vật liệu hấp phụ asen; Chế tạo than tre hoạt tính làm vật liệu hấp phụ màu của nước; Tổng hợp vật liệu polyanilin - vỏ đỗ làm vật liệu xử lý kim loại nặng… 
 
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường và các tác động của chúng đã được các cán bộ nữ của bộ môn thực hiện như: “Nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ lên tảo lam cố định đạm tại ruộng lúa nước Việt Nam”, Dự án “Đánh giá tác động của chương trình phòng trừ sâu hại tổng hợp lên sinh thái ruộng lúa vùng Nhiệt đới Đông Nam Á” do PGS Nguyễn Thị Loan thực hiện; “Nghiên cứu về asen và các hợp chất nitơ trong nước ngầm do PGS Nguyễn Thị Hà chủ trì. Không chỉ giỏi về chuyên môn, các cán bộ nữ đều tham gia tích cực và đi đầu trong các hoạt động công đoàn, đền ơn đáp nghĩa, và các đợt vận động ủng hộ cho đồng bào lũ lụt, biển đảo, vùng núi cao…
 
Đặc biệt PGS Nguyễn Thị Hà cùng các giảng viên nữ trong bộ môn đã thành lập CLB làm bưu thiếp từ các vật liệu thải “FES Card Club”. Đây là hoạt động vừa có ý nghĩa giáo dục về bảo vệ môi trường vừa gây quỹ để làm từ thiện, ủng hộ thường xuyên cho “Nồi cháo tình thương” được phát miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện E, ủng hộ cho đồng bào vùng khó khăn, lũ lụt và một số trường hợp sinh viên gặp hoạn nạn.
 
Say mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp
 
Trong hành trình hơn 30 năm của Giải thưởng Kovalevskaia ở Việt Nam từ năm 1985 đến nay với 18 tập thể và 47 cá nhân các nhà khoa học nữ được trao giải, GS. TS Nguyễn Thị Lan là nhà khoa học nữ trẻ, tiêu biểu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ nông dân, vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Sau khi tốt nghiệp đại học Nông nghiệp Hà Nội, cô tiếp tục ở lại trường làm công tác giảng dạy. Năm 2002, cô được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng Nghiên cứu sinh tại trường đại học Miyazaki. Tốt nghiệp xuất sắc và nhận học vị Tiến sỹ năm 2007, cô đem những kiến thức đã thu nhận được giảng dạy tại khoa Thú y, trường đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Bằng lòng yêu nghề, tận tâm với công việc, cô đã dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên Thú y. 
 
Ngoài công tác giảng dạy, cô còn say mê nghiên cứu khoa học, cô tham gia rất nhiều đề tài, trong số đó, nhiều kết quả nghiên cứu đã được công nhận và ứng dụng trong sản xuất. Điển hình là các loại Vacxin care phòng bệnh trên chó, đồng tác giả Vacxin vô hoạt phòng bệnh tai xanh cho lợn, Kit chẩn đoán bệnh tai xanh. Những đề tài được thực hiện thành công của TS Lan đã giúp ích cho bà con nông dân trong phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh trong chăn nuôi, góp phần không nhỏ vào việc ổn định, tăng hiệu quả sản xuất của bà con nông dân.
 
Từ cương vị Phó khoa Thú y, Phó Giám đốc phụ trách Học viện và đến nay là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, ở cương vị nào, cô cũng luôn dành hết tâm huyết cho công việc chung, dành được sự tín nhiệm cao của đồng nghiệp và lãnh đạo cấp trên. Tháng 10/2015, GS. TS Nguyễn Thị Lan đã được trường đại học Thú y - đại học tổng hợp Yamaguchi trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự. Những thành quả này khẳng định, PGS. TS  Nguyễn Thị Lan là một nhà giáo, nhà khoa học có uy tín cả trong và ngoài nước. Ở vai trò nào, cương vị nào, GS. TS Nguyễn Thị Lan cũng là tấm gương sáng về tính tận tụy, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, có tinh thần trách nhiệm. 
 
“Truyền cảm hứng” cho thế hệ trẻ
 
Tại Lễ trao giải, nhiều nhà khoa học nữ đã giao lưu với sinh viên của các trường đại học. Đây là dịp để các bạn trẻ có điều kiện được trực tiếp lắng nghe, học hỏi và tích lũy những kinh nghiệm trong việc nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học tự nhiên nói riêng từ các nhà khoa học.
 
Cũng tại buổi lễ, Hội LHPN Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam được phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2017 và học vị Tiến sỹ trong nước năm 2017 và 2018 để tôn vinh đóng góp của những nhà khoa học nữ trong việc nghiên cứu khoa học, góp phần làm giàu vốn tri thức về khoa học tự nhiên của nước nhà. Ngoài ra, 3 nữ sinh ngành Toán học có thành tích học tập xuất sắc cũng được trao học bổng để khích lệ ý chí phấn đấu vươn lên, không ngừng sáng tạo và phát huy những tiềm năng của người phụ nữ trong lĩnh vực tự nhiên.
 
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Hơn 30 năm qua, Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ. Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc không chỉ tôn vinh các nhà khoa học nữ, giới thiệu thành tựu khoa học công nghệ, tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam; nâng cao vị thế của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần kết nối, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự phát triển bền vững của quốc gia.
 
Đồng chí Trần Thanh Mẫn tin tưởng các nhà khoa học đã, đang và sẽ truyền cảm hứng, niềm tin và tạo động lực cho các bạn thêm vững tâm trên con đường khoa học mà mình chọn để tiếp tục khẳng định bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đồng thời đồng chí mong muốn các em tiếp tục trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để vững vàng, bản lĩnh trước sự phát triển của khoa học trong khu vực và trên thế giới, từ đó có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển khoa học công nghệ cũng như sự nghiệp bình đẳng giới. 
 
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có các chính sách, quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học nói riêng tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, không ngừng cống hiến, đóng góp cho sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ.

Nguồn: baophunuthudo.vn