Không gian An toàn cho Phụ nữ và Trẻ em: Từ lý luận đến thực tiễn và khuyến nghị chính sách

27/06/2019 15:47
  • Print
  • Lượt xem: 8835

Ngày 24/6/2019, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Không gian An toàn cho Phụ nữ và Trẻ em - Khuyến nghị chính sách” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín về các lĩnh vực xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới; các nhà quản lý đến từ bộ, ban, ngành; cơ quan Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (trái ảnh) trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, Việt Nam đã, đang đạt được những thành quả quan trọng từ chủ trương, đường lối, chính sách đến những kết quả thực tiễn trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Chủ tịch Hội thông tin, tại kỳ họp tháng 6/2019 vừa qua, Quốc hội đã quyết định chọn giám sát tối cao năm 2020 là phòng chống xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, thực tế về bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em đang đặt ra những vấn đề hết sức đáng quan tâm, nhức nhối. Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ, tuy nhiên là chưa đủ so với các vụ việc và nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em xảy ra hiện nay. Chủ tịch Hội đã đưa ra các con số dẫn chứng cụ thể về sự mất an toàn của phụ nữ trẻ em trong thời gian gần đây. 

Theo đó, năm 2018, có 8.056 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và 1.356 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ bị xâm hại tình dục (trước đó chỉ 3). Trong 5 năm từ 2012-2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước, trong đó, số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 65% với mức độ ngày càng nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, mỗi năm, hàng ngàn trẻ bị đuối nước, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần các nước phát triển. Tình trạng mất an toàn thực phẩm; Sức khỏe sinh sản vị thành niên và m ang thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là tình trạng quan hệ tình dục, phá thai không an toàn; Bạo lực học đường, buôn bán phụ nữ trẻ em, tai nạn giao thông, cháy nổ, thiên tai...

Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo dành nhiều thời gian thảo luận trực tiếp, qua đó làm bật ra được các vấn đề, các giải pháp, những việc phải làm trong thời gian tới để cụ thể hóa khái niệm “Không gian an toàn” cho phụ nữ và trẻ em trên các lĩnh vực cụ thể của cuộc sống.

Chủ tịch Hội cũng mong muốn thông qua Hội thảo, Hội LHPN Việt Nam sẽ thu nhận được những cơ sở, căn cứ lý luận và thực tiễn từ các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia cung cấp để xây dựng các tài liệu hướng dẫn, tập huấn, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Hội; Nghiên cứu, đề xuất việc lồng ghép các hướng dẫn về an toàn vào chương trình học tập trong các trường học, các cấp học; nghiên cứu chuyên sâu về an toàn gắn với vấn đề gia đình, giới, tâm lý học; khuyến nghị, đề xuất chính sách...

Với 38 báo cáo tham luận được chuẩn bị bằng văn bản và nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp, hội thảo diễn ra 4 phiên tập trung làm rõ cơ sở lý luận khoa học xung quanh khái niệm, nội hàm của “Không gian an toàn”; Đi sâu phân tích không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng, trong gia đình và xây dựng không gian an toàn về chính sách, giải pháp can thiệp; đề cập đến những vấn đề nóng như xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường, quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, hình phạt trong nhà trường,… trong đó có những vấn đề tương đối mới và có tính xu hướng nghiên cứu của thế giới như sexting, bảo về trẻ em trong thế giới công nghệ số,…

Hội thảo là cơ hội tốt để các nhà khoa học, hoạch định chính sách, quản lý, nhà nghiên cứu và thực hành xã hội cùng trao đổi, xem xét kỹ lưỡng tất cả các chiều cạnh và không gian về an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kết hợp với các đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước; từ đó xây dựng một bản đồ tích hợp những không gian mà phụ nữ và trẻ em là chủ thể, chỉ ra những khu vực mất an toàn và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó, xác định được những nội dung cần quan tâm về xây dựng chính sách, nghiên cứu, can thiệp nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả.

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn