Nữ cán bộ đam mê nghiên cứu khoa học

02/11/2017 16:05
  • Print
  • Lượt xem: 1668

Bao năm qua, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Dự trữ Nhà nước (DTNN) - Tổng cục DTNN đã không quản vất vả, lặn lội đi về với các điểm kho dự trữ quốc gia để nghiên cứu và có những đề tài nghiên cứu khoa học đầy hữu ích, thiết thực.

Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ dự trữ nhà nước
Bao năm qua, chị Hà (người mặc áo vàng) đã không quản vất vả, lặn lội đi về với các điểm kho DTQG
để nghiên cứu và có những đề tài nghiên cứu khoa học đầy hữu ích, thiết thực.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà đã gắn bó với ngành DTQG được 16 năm và là người trực tiếp phụ trách phòng Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các đề tài công nghệ của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ DTNN.
Niềm đam mê với khoa học của tôi luôn được những người thầy, người đồng nghiệp cổ vũ động viên. Thêm vào đó, khi trực tiếp về các điểm kho, nếm trải những khó khăn, vất vả cùng anh em ở đây, được sống trong niềm tin và lý tưởng của anh em, niềm đam mê của tôi với khoa học đã được nhân lên...

Chị Nguyễn Thị Thu Hà

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà

Tâm sự với tôi, chị Thu Hà chia sẻ: “Niềm đam mê với khoa học của tôi luôn được những người thầy, người đồng nghiệp cổ vũ động viên. Thêm vào đó, khi trực tiếp về các điểm kho, nếm trải những khó khăn, vất vả cùng anh em ở đây, được sống trong niềm tin và lý tưởng của anh em, niềm đam mê của tôi với khoa học đã được nhân lên”.  

Trong rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được chị thực hiện có khi là chủ nhiệm đề tài, có khi là thành viên nghiên cứu, chị Thu Hà tâm đắc nhất với đề tài “Thành phần vi sinh vật gây hại trên thóc bảo quản áp suất thấp và biện pháp xử lý” mà chị làm Chủ nhiệm.

Có thể nói, khi đề tài khoa học này được đưa ra, chị cùng nhóm nghiên cứu đã gặp câu hỏi có cần thiết nghiên cứu hay không? Vì hiện tượng men mốc trên thóc chỉ xảy ra khi trường hợp kho bị ướt dột, mưa hắt… mà đối với kho DTNN thì trường hợp đó chỉ là cá biệt.

Cũng vì hiện nay, việc bảo quản thóc trong môi trường áp suất thấp thể hiện tính ưu việt hơn so với phương pháp bảo quản thóc thoáng đổ rời truyền thống và được áp dụng rộng rãi trong toàn ngành.

Đề tài nghiên cứu chỉ ra nhược điểm của công nghệ này khi cho rằng: Trong quá trình bảo quản thóc nếu chất lượng đầu vào không tốt sẽ dẫn đến hiện tượng bốc nóng, đọng sương bề mặt màng phủ PVC gây ra men mốc trên thóc bảo quản.

“Đấy là điều tôi rất trăn trở để rồi quyết tâm bước đầu nghiên cứu với mong muốn rằng sẽ tìm ra biện pháp xử lý để anh em trong ngành không gặp sự cố trong quá trình bảo quản. Với chúng tôi, đấy là một lý do thúc đẩy nhóm đề tài  làm việc tốt hơn”- Với giọng nói sôi nổi và đầy cảm xúc, chị Thu Hà chia sẻ.

Đề tài đã đưa ra những kết luận tương đối quan trọng là: Đối với thóc khi đưa vào bảo quản thì không tránh khỏi các mầm bệnh đưa từ ngoài đồng ruộng vào. Vì thế, trong quá trình bảo quản sẽ xuất hiện các loài vi sinh vật gây hại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo quản.

Khi phát hiện ra được thành phần loài vi sinh vật gây hại ở các điều kiện nhiệt độ, ẩm độ tối thích cho sự phát triển của chúng, chúng ta có thể khống chế được trước khi chúng phát sinh, phát triển gây hại, hạn chế ảnh hưởng gây suy giảm chất lượng thóc gạo trong quá trình bảo quản. Với những giá trị thiết thực đó, đề tài đã được Hội đồng Khoa học Tổng cục DTNN xếp loại Giỏi khi nghiệm thu vào tháng 12/2011.

Nỗi trăn trở về việc làm thế nào để kéo dài thời gian bảo quản cho thóc còn được chị Thu Hà gửi gắm trong đề tài khoa học “ Điều tra chất lượng nguồn thóc trước khi nhập kho DTNN” mà chị cũng là chủ nhiệm. Đề tài được hình thành bắt nguồn từ thực tiễn, việc thu mua thóc nhập kho DTQG gặp nhiều khó khăn, do  không đạt yêu cầu về chất lượng theo quy chuẩn quy định.

Chỉ rất đơn giản do phương thức sản xuất của nông dân thay đổi: Sau khi thu hoạch lúa họ không phơi khô quạt sạch theo tập quán cũ, có sao bán vậy, thậm chí có hộ bán ngay tại ruộng cũng được thương lái chấp nhận. Thời điểm thu mua lương thực rất quan trọng, tổ chức thu mua tốt nhất ngay từ đầu vụ thu hoạch, cuối vụ phát sinh men mốc, côn trùng phát triển. Khi đưa vào bảo quản áp suất thấp nếu không xử lý kịp thời côn trùng sẽ cắn thủng màng PVC gây khó khăn cho công tác bảo quản. Từ đề tài này, Trung tâm đã kiến nghị với Tổng cục xây dựng cơ chế mua thóc DTQG theo hướng xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi nhập kho DTQG.

Trò chuyện cùng chị Thu Hà, tôi thấy trong chị vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những tháng ngày chị ngược xuôi về với các điểm kho, để cuối cùng chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế cho quãng đường công tác phía trước. Ghi nhận những nỗ lực trong công việc cũng như sự đóng góp ấy của chị, chị đã được Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN và Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng Bằng khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở đến toàn ngành.

Chị xúc động nói rằng, với thành tích đạt được tôi xin được chia sẻ niềm vui này với đồng chí Giám đốc Trung tâm Lê Văn Dương, anh chị em đồng nghiệp của Trung tâm đã giúp tôi hoàn thành tốt công việc được cơ quan giao phó. Đó cũng là niềm khích lệ động viên to lớn để chị tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành DTNN vừa tiếp tục làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong tổ ấm của riêng mình.

Trong hai năm trở lại đây ngoài việc nghiên cứu các đề tài khoa học, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà còn trực tiếp chỉ đạo xây dựng hệ thống quản lý phòng thử nghiệm lương thực theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2005. Chị đã trực tiếp xây dựng Sổ tay chất lượng; 9 thủ tục, 5 quy định, 5 bảng mô tả công việc, bảng phân công công việc, tham gia dịch tài liệu, một số quy trình, hướng dẫn công việc trong hệ thống quản lý.

Phòng thử nghiệm của Trung tâm áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 có đủ năng lực về kỹ thuật, cung cấp các kết quả thử nghiệm có độ tin cậy cao, có giá trị về mặt kỹ thuật theo yêu cầu quốc tế.

Hồng Sâm
Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/