Nữ giáo sư hết mình với ngành chăn nuôi

18/10/2017 09:53
  • Print
  • Lượt xem: 1629

Gần 40 năm gắn bó với ngành thú y, GS. TS Nguyễn Thị Kim Lan (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên) đã cống hiến hết mình cho ngành. Chị còn là người thầy giỏi, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ học trò có trình độ, phục vụ cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chị về công tác tại khoa Thú y, Trường Đại học Nông nghiệp III Bắc Thái (nay là Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên). Từ ngày đó đến nay, trải qua 37 năm công tác tại trường, chị đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng: Phó bộ môn, Trưởng bộ môn, Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Dù ở bất cứ cương vị nào, chị cũng luôn cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Nhớ lại những ngày đầu về công tác tại trường, GS. Lan chia sẻ: Cũng như các thầy, cô giáo khác, tôi trải qua một thời kỳ bao cấp gian truân. Những năm tháng tập thể nhà tranh, vách đất, cuộc sống vô cùng khó khăn. Cuộc sống thường ngày vất vả là vậy nói chi đến kinh phí cho nghiên cứu khoa học (NCKH). Vì vậy NCKH gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, công việc giảng dạy và NCKH là những công việc đúng sở trường của tôi và tôi rất tâm huyết. Tình yêu nghề chính là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường và trong công việc để trở thành một nhà giáo, một nhà khoa học với đúng nghĩa của hai cụm từ cao quý này.
Nhằm nâng cao trình độ, phục vụ tốt cho công tác NCKH, chị quyết định học cao học và có bằng thạc sĩ năm 1996. Năm 1997, chị tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Viện Thú y Quốc gia. Năm 2000, chị nhận Bằng Tiến sĩ Thú y sau 3 năm miệt mài nghiên cứu và hoàn thành luận án. 
 
GS.Lan luôn miệt mài với công tác nghiên cứu

Theo GS. Lan, vào những năm đầu của thập kỷ 80, việc phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn khá lạc hậu, sản xuất theo phương thức "tự túc, tự cấp" là chính, hầu như rất ít áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong nhân giống, chọn giống, thức ăn và phòng chống bệnh dịch cho gia súc, gia cầm. Bởi thế, cùng với các thầy, cô giáo của khoa Chăn nuôi, Thúy và các cán bộ trong ngành, chị đã đóng góp công sức và trí tuệ làm thay đổi dần tư duy của người nông dân miền núi về việc phát triển chăn nuôi, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật. Chị vừa giảng dạy vừa cùng sinh viên và đồng nghiệp đến các địa phương để phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, thu thập mẫu, nghiên cứu, tìm hiểu các loại dịch bệnh phổ biến của gia súc, gia cầm để có biện pháp phòng, chống hiệu quả... Ngoài tỉnh Thái Nguyên, hầu hết các tỉnh miền núi khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu..., chị và các cộng sự đều đã từng có thời gian gắn bó.
Những cố gắng của GS. Kim Lan đã được đền đáp với hàng loạt thành công trong nghiên cứu. Hướng nghiên cứu chính mà chị đã và đang theo đuổi trong nhiều năm qua là nghiên cứu về những bệnh phổ biến, gây tác hại lớn với gia súc, gia cầm và biện pháp phòng chống hiệu quả. Với hướng nghiên cứu đó, đến nay chị đã và đang duy trì 15 đề tài NCKH gồm: 1 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp đại học và 7 đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, chị còn tham gia chính thực hiện 3 đề tài cấp bộ khác. Trong 18 đề tài, có 16 đề tài đã được nghiệm thu, đạt loại tốt và xuất sắc.
Một số đề tài nổi bật của chị: “Nghiên cứu tình hình nhiễm giun, sán đường tiêu hóa ở dê cỏ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và biện pháp phòng trị ”; “Nghiên cứu bệnh Coli dung huyết ở lợn con và biện pháp phòng trị tại một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang”; “ Nghiên cứu hội chứng tiêu chảy, xác định một số vi khuẩn và ký sinh trùng đường tiêu hóa trong hội chứng tiêu chảy ở lợn từ sau cai sữa tại tỉnh Thái Nguyên và biện pháp phòng trị”; “Xác định đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng, chống bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma spp (bệnh tiên mao trùng) cho đàn trâu tinh Tuyên Quang... 
Ngoài những đề tài NCKH được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất ở các tỉnh, GS. Lan còn có 87 công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế. Chị là người hướng dẫn khoa học của 15 đề tài luận án tiến sĩ, 34 đề tài luận văn thạc sĩ, 400 đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học… Do có uy tín về khoa học, chị thường xuyên được mời phản biện các báo báo khoa học cho Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Đại học Thái Nguyên), Tạp chí Khoa học kỹ thuật thú y, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chị còn chủ biên và tham gia biên soạn 18 giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ giảng dạy và hướng dẫn sản xuất. Cũng do có uy tín về khoa học, chị được bầu làm ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Chăn nuôi Thú y - Thủy sản nhiệm kỳ 2014 - 2019.
Theo GS. Lan, những thành công có được không phải nhờ một cái gì đó trừu tượng, mà là từ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, xuất phát từ trách nhiệm và lòng yêu nghề, từ tâm huyết với cơ quan, với ngành, từ nhu cầu được làm việc, nhu cầu được cống hiến, từ cái suy nghĩ rất đơn giản là: đã không làm thì thôi, đã làm là làm cho bằng được, làm với chất lượng và hiệu quả cao nhất, sáng tạo nhất mà bản thân có thể cố gắng.
Sự nỗ lực trong quá trình công tác của GS. Lan đã được tập thể suy tôn, được các cấp có thẩm quyền ghi nhận thông qua các hình thức công nhận và khen thưởng. Ngoài chức danh Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo ưu tú, chị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 3 Bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam, 3 Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên và Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, GS. Lan đã vinh dự là giáo sư duy nhất nhận giải thưởng cá nhân Kovalevskaia năm 2014.

Tùng Chi

Nguồn: http://banthiduakhenthuongtw.gov.vn/

Nguồn: http://banthiduakhenthuongtw.gov.vn/