Những thành quả đáng ghi nhận
Ấn tượng của tôi cũng như nhiều người khác khi lần đầu đặt chân đến Trung tâm Sinh học thực nghiệm (Trung tâm) là phần lớn cán bộ nghiên cứu khoa học là nữ. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm chưa bao giờ bị “lép vế” so với đơn vị khác. Đã có 6 đề tài cấp Nhà nước, 42 đề tài cấp bộ, 34 đề tài cấp cơ sở và 3 nhiệm vụ từ quỹ nước ngoài được tập thể nữ cán bộ nghiên cứu khoa học đảm nhận. Đặc biệt, năm 2013, tập thể Trung tân đã được tặng Giải thưởng Kovalepskaia, tôn vinh những tập thể, cá nhân nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.
“Chiến công” đầu tiên của Trung tâm cách đây đã hơn 20 năm. Đó là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KC-08-12 với tên gọi “Nghiên cứu công nghệ sản xuất các chế phẩm giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ nguồn vi tảo để phục vụ dinh dưỡng cho người và động vật”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm, đề tài xuất phát từ thực tế yêu cầu cần phải có một sản phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư xạ trị và phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, các nhà khoa học của Trung tâm đã quyết định sử dụng khối tảo spirulina để tạo ra sản phẩm viên nén tảo và cốm dinh dưỡng Lina dùng trong điều trị ung thư.
Từ kết quả đã đạt được, năm 2008, Trung tâm thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa sản phẩm ra thị trường. Các sản phẩm viên nén, viên nang, cốm từ tảo spirulina ra đời, đáp ứng nhu cầu sử dụng với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, góp phần mang lại hiệu quả cho điều trị ung thư và đẩy lùi suy dinh dưỡng.
Tiếp đến là đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gien (gene) lan kim tuyến và bạch tật lê làm nguyên liệu sản xuất thuốc” năm 2011. Đề tài do Thạc sĩ Phan Xuân Bình Minh làm chủ nhiệm, bước đầu đã nhân giống invitro thành công cây thuốc lan kim tuyến, một loại thuộc danh mục Sách Đỏ Việt Nam. Với việc nghiên cứu thành công đề tài này, Trung tâm trở thành đơn vị đầu tiên nhân giống thành công lan kim tuyến bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật. Hiện nay, cây lan kim tuyến đang được các nhà khoa học của Trung tâm tiến hành phát triển vùng trồng nguồn gien tại tỉnh Lào Cai.
Những nữ cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung tâm Sinh học thực nghiệm nhân giống invitro cây dược liệu. Ảnh do đơn vị cung cấp.
Thạc sĩ Phan Xuân Bình Minh tâm sự: "Khả năng tái sinh của lan kim tuyến trong tự nhiên rất thấp, đặc biệt ở những nơi môi trường sinh thái bị tàn phá. Loại thảo dược này được coi là “thần dược”, vì tác dụng chữa nhiều loại bệnh như: Đau bụng, sốt cao, tiểu đường, viêm thận, huyết áp cao, yếu sinh lý, phòng ngừa u bướu và chữa các bệnh tim mạch...".
Không chỉ dừng lại ở hai đề tài trên, các nữ cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung tâm còn thành công trong việc nhân giống nhiều loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như ba kích, hoàng đằng, lan gấm… Các dược liệu này hiện được trồng tại nhiều địa phương trên cả nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chuyện ngoài phòng thí nghiệm
Là cán bộ nghiên cứu khoa học, ngoài những lần đi thực tế, những giờ “giam mình” trong phòng thí nghiệm, các chị lại trở về bên gia đình với thiên chức làm mẹ, làm vợ. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải biết cân bằng giữa cuộc sống và công việc để lửa đam mê và hạnh phúc gia đình luôn song hành.
Với kỹ sư Trương Thị Chiên, Phòng Sinh học phân tử, những chuyến đi khảo sát thực tế dài ngày ở các địa phương, các buổi đi lấy mẫu từ sáng sớm đến tối khuya đã trở thành "cơm bữa". Mỗi lần đi công tác, chị phải nhờ người trông con. Khó khăn là thế, nhưng chị chưa bao giờ cảm thấy nản chí hay có ý định tìm một công việc khác. “Quả thật, với phụ nữ chúng tôi, khó khăn nhất là việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Nhưng, niềm đam mê công việc đã giúp tôi biết sắp xếp thời gian để làm tốt công việc nghiên cứu và có thời gian chăm sóc gia đình”, chị Chiên tâm sự.
Còn với Thạc sĩ Nguyễn Thị Lài, Trưởng phòng Bảo tồn và Phát triển nguồn gien, để có được thành công hôm nay, nhiều khi các chị đã quên mình là phụ nữ. Chị kể, có những lần các chị đi tìm nguồn gien quý phải trèo đèo lội suối cả mấy ngày trời. Băng rừng, leo núi mệt lả người, nhưng khi tìm được nguồn gien thì mọi mệt mỏi tan biến hết. “Vui thế, song nghĩ đến chặng đường vừa đi qua chúng tôi cũng “nhủn” chân tay. Lúc leo lên thì cố được, còn lúc đi xuống không hề đơn giản. Những lúc ấy, chúng tôi phải quên mình là phụ nữ để bước tiếp”-chị Lài chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Phương khẳng định: “Nếu chỉ nhìn vào những kết quả cuối cùng thì ai cũng nghĩ đơn giản. Nhưng nếu nhìn lại cả chặng đường là những chuỗi ngày dài các chị em phải lặn lội tìm nguồn gien, xa gia đình, xa chồng con… rồi “giam mình” trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu, theo dõi, phân tích tỉ mỉ thì mới thấy được những kết quả đó to lớn như thế nào. Có thể nói, thành công hôm nay của Trung tâm in đậm bóng dáng của các nữ cán bộ nghiên cứu khoa học”.
ĐỨC TUẤN - HỒNG ANH