Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững thời kỳ công nghiệp 4.0 và vai trò của các nhà khoa học nữ

19/10/2018 15:02
  • Print
  • Lượt xem: 11333

Phát biểu của TS. Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ngày 18/10/2018.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị 

PHÁT BIỂU CỦA LÃNH ĐẠO BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Tại Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8

Hà Nội, ngày 18/10/2018

(TS. Trần Văn Tùng - Thứ trưởng, Trưởng Ban vì sự Tiến bộ Phụ nữ Bộ Khoa học và Công nghệ)

 

Kính thưa bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Danh dự Hội Nữ Trí thức Việt Nam,

Kính thưa bà Gail G. Mattson, Chủ tịch Mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ,

Kính thưa GS.TS. Chia-Li Wu, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình dương (APNN)

Kính thưa toàn thể quí vị đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội nghị ngày hôm nay,

Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học nữ quốc tế và Việt Nam, các tổ chức thành viên, các tổ chức Liên hiệp quốc và tổ chức quốc tế tại Việt Nam đến dự Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8. Chúng tôi vui mừng được đón các nhà khoa học nữ, các nữ kỹ sư xuất sắc của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến với Thủ đô Hà Nội. Xin trân trọng cảm ơn Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã tín nhiệm và chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị lần này.

Xin gửi tới các quý vị đại biểu những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, chúng tôi đánh giá cao mục tiêu của Mạng lưới quốc tế các nhà khoa học khu vực Châu Á- Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy vai trò của các nhà khoa học nữ, các nữ kỹ sư trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.Phụ nữ có tiếng nói quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt lĩnh vực khoa học, công nghệ với những chủ đề như môi trường, phát triển bền vững, bình đẳng giới, và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong năm 2018, đã đánh dấu một năm sôi động các sự kiện về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Việt Nam đã chủ trì đăng cai và tổ chức thành công một loạt các Hội nghị lớn như: Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0; sự kiện “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018”; Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018… Tại sự kiện “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ban hành chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam, xây dựng kịch bản cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035. Có thể nói, Việt Nam đang tích cực tìm các giải pháp thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, kỷ nguyên số và sự phát triển bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành làm lu mờ ranh giới của các lĩnh vực nghiên cứu đơn ngành truyền thống, nhằm tận dụng những thời cơ, giảm thiểu những thách thức mà cuộc Cách mạng 4.0 mang đến.

Là thành viên của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động với sự phân công rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện từ trung ương đến địa phương. Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Phụ nữ, bình đẳng giới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Việt Nam có tỷ lệ dân số nữ là 50,6% (2016). Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (2006). Tỷ lệ nhà khoa học nữ ngày càng tăng, từ 41,6% (2011) lên 44,9 % (2015). Vì vậy, sự đóng góp của phụ nữ nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng là vô cùng quan trọng và to lớn. Việt Nam có nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc, như chị Trần Hà Liên Phương và Nguyễn Thị Hiệp đã được nhận Giải thưởng quốc tế dành cho tài năng trẻ L’Oreal do UNESCO trao tặng năm 2015, 2018. Chủ tịch tập đoàn Sơn KOVA, chị Nguyễn Thị Hòe đã tự nghiên cứu các loại sơn chống thấm, sơn nano từ vỏ trấu và rất nhiều sản phẩm khác, và trở thành doanh nghiệp lớn có nhà máy tại Singapore, Malaysia, Campuchia. Đây là những tấm gương khích lệ cho các em gái dấn thân vào con đường khoa học, công nghệ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, vai trò của các nhà khoa học nữ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc trực tiếp đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, các chị, các em là những tấm gương khuyến khích cho các em gái học các môn STEM nhằm thích ứng với những sự thay đổi của xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại thách thức mà còn mang lại cơ hội cho các em gái, khi những công việc đòi hỏi trí tuệ và đổi mới sáng tạo là xu thế và những công việc cần sức nặng cơ bắp dần được thay thế bởi các robot.

Nhân Hội nghị này, chúng tôi tin tưởng rằng Hội nghị của mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á- Thái Bình Dương sẽ thảo luận, trao đổi kinh nghiệm các nước trong khu vực về cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học nữ tham gia vào các ngành, lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp quốc đã đề ra. Và đồng thời, đề xuất được những sáng kiến hay, những giải pháp có tính khả thi cao để Chính phủ các quốc gia trong khu vực có thể thể chế hóa thành các quy định, tạo thành môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy mọi tiềm năng của mình.

Thay mặt cho Bộ Khoa học và Công nghệ, với tình cảm tốt đẹp nhất, xin gửi tới các quý vị đại biểu những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

Xin chân thành cảm ơn./.


Nguồn: http://hoilhpn.org.vn