Phụ nữ tham chính – vẫn còn những khó khăn

09/01/2018 15:49
  • Print
  • Lượt xem: 3655

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa vị và vai trò của phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ thành phố Đà Nẵng nói riêng đang ngày càng được nâng lên một bước đáng kể, từ đó tạo đà cho sự bình đẳng nhất định giữa nam - nữ trong xã hội, từng bước phụ nữ được giải phóng và tiến lên vị trí ngang bằng với nam giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng của mình trong hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ nữ đã tăng cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, nhìn vào con số và tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo trong cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ khiến nhiều chị em phụ nữ không khỏi chạnh lòng khi thấy là quá thấp so với yêu cầu. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên, đại biểu HĐND ở cấp cơ sở còn được coi là tạm, lên cấp quận/huyện có khá hơn nhưng lên cấp thành phố thì càng sút giảm. Thậm chí, nhiều đơn vị không có lãnh đạo nữ, có những đơn vị từ khi thành lập đến nay qua hàng chục năm chưa bao giờ có cán bộ lãnh đạo nữ. « Hiệu ứng cấp phó » trong chức danh xảy ra với một loạt chị em phụ nữ hiện đang làm cán bộ lãnh đạo các sở ngành, quận.

 

Cần nhìn cả hai phía của vấn đề này. Về nguyên nhân khách quan, định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội; vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, còn quá cầu toàn, khắt khe khi đánh giá cán bộ nữ, chưa thật sự tin tưởng vào khả năng của phụ nữ, chưa mạnh dạn sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ nữ… và cũng không thể không nhắc đến nguyên nhân do rào cản tâm lý, văn hoá truyền thống và những yếu tố gia đình, xã hội đã tạo nên. Không ít phụ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, níu kéo lẫn nhau, chưa nỗ lực phấn đấu tham gia vào các cương vị lãnh đạo,quản lý…

 


 

Tuy nhiên, không thể nói rằng phụ nữ còn hạn chế về trình độ, không ham muốn học hỏi. Bởi theo nhận định từ nhiều lãnh đạo tổ chức, số chị em đạt học hàm học vị cao “ngang ngửa” thậm chí con số được đưa đi đào tạo ở nước ngoài thì còn cao hơn so với nam. Trong công việc chuyên môn, tỷ lệ các cán bộ công chức viên chức nữ đạt loại tốt, xuất sắc hàng năm có phần nhỉnh hơn nam giới.

 

Bên cạnh đó, ai cũng hiểu để có được một cương vị, một học vị, phụ nữ phải cố gắng nhiều hơn so với nam giới. Với vai trò kép của mình, người phụ nữ phải cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc, đây không đơn giản là một nghệ thuật sống mà phải xuất phát từ tấm lòng và niềm đam mê với công việc. Ở cơ quan, người phụ nữ là lãnh đạo. Nhưng khi về nhà, người phụ nữ phải là người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ dịu dàng. Họ phải sinh con, nuôi con, lo toan cuộc sống gia đình và làm những công việc vốn được coi là “thiên chức” thuộc trách nhiệm của họ, còn trách nhiệm của đàn ông chỉ ở vai trò “hỗ trợ” hay “giúp đỡ”.

 

Bởi vậy, để nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo, cần có sự chuyển biến đồng bộ về công tác cán bộ nữ: chuyển biến không chỉ trong nhận thức, thông qua cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách đánh giá mà cần chuyển biến cả trong cách làm. Cần phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ; chú trọng hơn nữa việc quy hoạch cán bộ nữ, gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng. Cuối cùng, là cần khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của chị em.

 

Chắc chắn đối với nhiều phụ nữ, chức vụ, chức danh, địa vị không phải là mục tiêu phấn đấu của cuộc đời họ nhưng nếu có những người phụ nữ lãnh đạo tốt trên chính trường thì điều đó chính là động lực để thúc đẩy cho nhiều người khác phấn đấu học tập, lao động tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đồng thời, với một tỷ lệ nữ lãnh đạo ngày càng tăng sẽ là sự thể hiện đầy đủ hơn kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo cũng như sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền đối với phụ nữ. 

 

Chính vì lẽ đó, sự ra đời của Nhóm liên kết phụ nữ thanh chính thành phố Đà Nẵng, một mô hình thí điểm của Hội nữ trí thức thành phố với mong muốn hướng đến việc hỗ trợ cán bộ nữ thực hiện các hoạt động nâng cao sự tiến bộ của phụ nữ qua đó góp phần thực hiện các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực tham chính. “Sự ra đời Nhóm liên kết là tất yếu, nhằm liên kết sức mạnh của đội ngũ nữ trí thức, qua đó phát huy tài năng, trí tuệ của các nữ lãnh đạo; quản lý các cấp góp phần nâng cao vị thế của nữ giới, thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện chỉ số tham chính, xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ Đà Nẵng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố Đà Nẵng” – là nhận định của Ông Huỳnh Đức Thơ – Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố tại buổi lễ ra mắt Nhóm liên kết phụ nữ tham chính./.

http://www.phunudanang.org.vn

http://www.phunudanang.org.vn