Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác phòng, chống ma túy

23/10/2018 10:54
  • Print
  • Lượt xem: 5071

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có hơn 222.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý và mỗi năm gây thiệt hại khoảng 10.000 tỉ đồng. Trong đó, phụ nữ liên quan đến ma tuý đang có dấu hiệu gia tăng, trên 40% phụ nữ nghiện ma tuý là gái mại dâm và trong số đó trên 30% nhiễm HIV. 

Một tiểu phẩm tại Hội thi tuyên truyền PCMT năm 2018 do Hội LHPN TP. Hà Nội
phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an tổ chức

Hiện nay, tệ nạn ma túy diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp, tấn công mạnh mẽ vào các gia đình. Điều đáng lo ngại nhất là một bộ phận không nhỏ phụ nữ trở thành nạn nhân, trong đó một số người tham gia hoạt động phạm tội về ma túy. Những năm trước, đối tượng là phụ nữ phạm tội về ma túy chủ yếu dưới vai trò là người vận chuyển, mang vác thuê. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã phát hiện nhiều vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn do đối tượng là phụ nữ giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu.

Nguyên nhân chính là do các đối tượng hám lời, không nghĩ đến hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều phụ nữ bị các đối tượng khác lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy.

Phòng chống ma tuý (PCMT) từ gia đình là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình, khi gia đình bền vững sẽ là pháo đài chống lại các tệ nạn xã hội, vai trò của người phụ nữ ngày càng được coi trọng trong việc vận động người thân, giáo dục con em mình tránh xa tệ nạn ma túy, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chính vì xác định như vậy, Hội LHPN Việt Nam đã có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện vai trò nòng cốt trong nhiều mặt công tác về PCMT như: Tuyên truyền, mít tinh vào các dịp cao điểm; xây dựng những mô hình giúp đỡ tại gia đình; treo biểu ngữ trên các tuyến phố có nhiều nguy cơ gia tăng tệ nạn xã hội; cho vay vốn tạo dựng cuộc sống cho những người lẫm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Vừa qua, Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã phối hợp với lực lượng công an tiến hành tổng kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” trong giai đoạn 2012-2017 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch trong giai đoạn 2017-2020. Giữa hai ngành đã từng bước nâng cao ý thức pháp luật và nhận thức của nhân dân nói chung, của phụ nữ nói riêng về tác hại của tệ nạn xã hội; đề cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục con em mình.

Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực, duy trì và phát triển phong trào ở địa phương, phát huy vai trò quan trọng mang tính đặc thù của Hội LHPN Việt Nam tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng được nhiều tổ chức, mô hình, câu lạc bộ với nhiều tên gọi đa dạng, có mục đích hoạt động và hình thức mang tính đặc thù cao, thể hiện sự năng động, sáng tạo của hội LHPN trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình, tích cực tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo hội LHPN các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền và tổ chức các hoạt động PCMT, phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành tuyên truyền về “Giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; thực hiện tiêu chí “Gia đình không tội phạm và tệ nạn xã hội trong thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ PCMT.

Bên cạnh đó, thông qua các hội thi, sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, tổ phụ nữ, các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên về Luật PCMT, các kiến thức, nội dung liên quan đến PCMT… Thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại nhiều địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị cơ sở lồng ghép nhiệm vụ PCMT vào quy định, quy ước thực hiện xây dựng đơn vị văn hóa, khu phố văn hóa và gia đình văn hóa; chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ và các hoạt động hỗ trợ.

Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ em trong các gia đình nghèo vướng vào các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều hoạt động thiết thực đó là: Đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ và con em gia đình khó khăn; hỗ trợ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ đơn thân, tàn tật; phân công đỡ đầu chủ hộ là phụ nữ nghèo dưới nhiều hình thức như: cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.

Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ, tập trung tuyên truyền về các vấn đề nổi cộm về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, PCMT và các loại tội phạm khác. Hình thức tuyên truyền qua nhiều phương pháp khác nhau như: sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tuyên truyền lồng ghép giữa các chương trình với nhiều nội dung khác nhau về phòng chống tội phạm, PCMT, phòng chống mua bán người…

Điển hình, tại Hà Nội, Hội LHPN đã tích cực duy trì các mô hình phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, tích cực hỗ trợ cai nghiện và quản lý sau cai cho các đối tượng phụ nữ và gia đình hội viên có người nghiện, tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ xã, phường về công tác PCMT; hội LHPN tỉnh Vĩnh Long tiếp tục duy trì sinh hoạt 949 loại hình, mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm với 26.278 thành viên tham gia như: nữ tiểu thương phòng chống tội phạm; nữ chủ nhà trọ, phụ nữ bán vé số phòng, chống tội phạm; chi hội phụ nữ không ma túy; hỗ trợ hòa nhập bền vững…

Đồng thời, Hội LHPN các tỉnh, thành phố cũng tiếp tục triển khai nhiều hoạt động phối hợp giữa hội với các trại giam. Theo đó, đã ban hành chương trình phối hợp năm 2017 tập trung vào các hoạt động truyền thông, giao lưu phổ biến kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, gia đình và ý thức rèn luyện đạo đức cho nữ phạm nhân trong các trại giam và hỗ trợ tái hòa nhập đối với những phụ nữ chấp hành xong án phạt. Những địa phương có nữ phạm nhân trở về đã tiến hành các hoạt động thăm hỏi, nắm bắt nhu cầu để hỗ trợ chị em tái hòa nhập cộng đồng.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục phát huy vai trò của người phụ nữ trong công tác PCMT, hội phụ nữ các cấp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và Trung ương Hội LHPN Việt Nam về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" gắn với việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới và Chiến lược Quốc gia PCMT ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Duy trì sự phối hợp giữa Bộ Công an và Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động hội. Trong đó tập trung phối hợp giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện... trở về gia đình, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng. Để đạt được hiệu quả thiết thực, phải tiếp tục phát huy đồng thời vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân, cán bộ hội viên phụ nữ các cấp và tính tích cực, tự giác của nhân dân.

Hội LHPN Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên, về vai trò trách nhiệm của phụ nữ trong việc PCMT. Mỗi người phụ nữ trong gia đình phải là tấm gương mẫu mực trong chấp hành pháp luật. Đồng thời xác định trách nhiệm và lựa chọn được phương pháp đúng đắn trong quản lý, giáo dục người thân, tăng cường khả năng phát hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên phạm vi toàn quốc; triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, phát huy sự sáng tạo để thu hút, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác PCMT. Nhân rộng những biện pháp, những mô hình mới, hiệu quả trong quản lý giáo dục người thân không phạm tội, không tham gia các tệ nạn xã hội phù hợp với từng loại đối tượng, từng gia đình, địa phương góp phần làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Sơn Dương/tiengchuong.vn