Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ

09/01/2018 15:41
  • Print
  • Lượt xem: 1714

5 năm qua, các tầng lớp phụ nữ cả nước đã kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phát động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các tham luận tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã nêu bật vai trò, đóng góp của tổ chức Hội LHPN và phong trào phụ nữ. 

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh (TP Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Tâm:
Thu hút hội viên bằng những việc cụ thể, thiết thực

Nhu cầu về nhà ở an toàn là một đòi hỏi bức thiết của lao động nữ nhập cư trên địa bàn nên Hội LHPN huyện Đông Anh đã huy động nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình “Nhà trọ an toàn”. Thành viên Câu lạc bộ Nữ công nhân nhập cư, lao động nữ cũng được cung cấp kỹ năng cần thiết để có việc làm lâu dài, được đào tạo nghề, kỹ năng sống, kỹ năng kinh doanh nhỏ… Hội LHPN huyện còn hỗ trợ các hộ gia đình hội viên nông dân kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng marketing, tìm kiếm bạn hàng, khởi sự doanh nghiệp... Với những hoạt động cụ thể, thiết thực đó, 5 năm qua, Hội LHPN huyện Đông Anh đã phát triển được 4.554 hội viên, đưa tổng số hội viên lên 40 nghìn người, nâng tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 78%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang Lê Thị Bích Hằng:
Điểm tựa của phụ nữ dân tộc thiểu số

Hà Giang có tới 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên trong nhiệm kỳ qua các cấp Hội LHPN tỉnh đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ kinh tế cho hội viên dân tộc thiểu số. Hội đặt chỉ tiêu 100% phụ nữ nghèo được hỗ trợ thoát nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp. Các cơ sở hội duy trì và phát triển 52 CLB “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, thành lập 188 “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”… 5 năm qua, hội đã khai thác được trên 616 tỷ đồng từ các ngân hàng để giúp hơn 26 nghìn hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Các cấp hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở 5.370 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 20 nghìn lao động. Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã góp phần giúp được hơn 24 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An Lê Thị Tám:
Quan tâm nhiều tới phụ nữ Công giáo

Hội LHPN tỉnh Nghệ An có 5.942 chi hội, trong đó 848 chi hội có phụ nữ Công giáo, 229 chi hội phụ nữ Công giáo toàn tòng. Từ các đặc điểm đó, Hội LHPN tỉnh đã xác định việc tuyên truyền, vận động phụ nữ vùng giáo tham gia sinh hoạt hội là nhiệm vụ quan trọng. Cán bộ hội phải nắm vững đặc điểm tâm lý chị em có đạo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, luôn thể hiện lòng chân thành cởi mở thật sự tôn trọng những quy định, quy tắc ứng xử, những nghi lễ truyền thống trong đời sống tâm linh của chị em vùng giáo; tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật để tạo điều kiện cho chị em được vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thu Hiền:
Phát triển kinh tế tập thể để giúp đỡ hội viên

Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, với 69% lao động nông thôn, đa phần phụ nữ là người điều hành kinh tế hộ gia đình. Biến đổi khí hậu, thiếu việc làm tại địa phương dẫn đến tình trạng phụ nữ bỏ quê đi làm việc xa quê ngày càng tăng. Thực tế cho thấy không phải ai ra đi cũng thành công, rất nhiều chị em đã bị đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Nhiều chị do thiếu hiểu biết bị người sử dụng lao động lừa gạt, bóc lột. Không ít trẻ em do thiếu người chăm sóc, bỏ học, cuộc sống thiếu thốn dẫn đến vi phạm pháp luật. Từ thực tế trên, Hội LHPN tỉnh đã chủ động gặp gỡ và vận động các chị em liên kết lại để tập trung sản xuất với quy mô lớn, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Các cấp hội còn quan tâm đến việc dạy nghề mới, tạo việc làm tại chỗ, bảo đảm “ly nông bất ly hương”, giúp chị em có điều kiện gần gũi, dạy dỗ con phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Với những nỗ lực trên, đến hết năm 2016, Đồng Tháp có 153 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã ở các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với nghề truyền thống, phát triển du lịch, dịch vụ, may mặc hoạt động hiệu quả.

https://baomoi.com

https://baomoi.com