Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gặp gỡ, đối thoại với cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh

28/05/2018 14:45
  • Print
  • Lượt xem: 2472

Ngày 24.5.2018, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có buổi gặp gỡ, đối thoại về chính sách phát triển, tiến bộ của phụ nữ với cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi đối thoại có các đồng chí UVTVTU: Mai Thức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Lê Thị Lan Hương, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Hồ Thị Thu Hằng, Bí thư Thành ủy Đông Hà; lãnh đạo các sở, ban, ngành; 88 cán bộ nữ giữ các chức vụ chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, nữ doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Buổi đối thoại diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở, các cán bộ nữ đưa ra những kiến nghị; trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, lãnh đạo các sở, ngành trả lời các câu hỏi một cách thẳng thắn, đồng thời đưa ra giải pháp có tính định hướng.

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, phụ nữ Quảng Trị có 313.413 người, trong đó phụ nữ trong độ tuổi lao động là 160.862 người, chiếm hơn 51,33% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến sự phát triển của phụ nữ nói chung và phát triển cán bộ nữ nói riêng. Trong đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện Nghị quyết số 11 –NQ-TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm phát triển phụ nữ trong thời đổi mới nói chung và cán bộ nữ nói riêng.

Theo số liệu thống kê, hiện nay tổng cán bộ, công chức, viên chức nữ Quảng Trị là 13.507 người, chiếm tỉ lệ 57,47% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh; nữ cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 65 đồng chí, chiếm tỉ lệ 15,7%; cán bộ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, ở cấp xã có 296 cán bộ nữ, chiếm tỉ lệ 17,74%, tăng 1,19% so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 34 cán bộ nữ giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, 15 cán bộ nữ giữ chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã; cấp huyện có 60 cán bộ nữ, chiếm tỉ lệ 16,34%, tăng 2,66% so với nhiệm kỳ trước, đứng thứ ba trong khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có 3 cán bộ giữ chức vụ Bí thư cấp ủy; cấp tỉnh có 6 cán bộ, chiếm tỉ lệ 11,32%, tăng 4,2% so với nhiệm kỳ trước, đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có 2 cán bộ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, cán bộ nữ tham gia các cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2016 – 2021 gồm đại biểu Quốc hội có 2/6 đại biểu, tăng 1 đại biểu so với khóa trước; đại biểu HĐND cấp xã có 696/3.389 đại biểu, đạt tỉ lệ 20,54%, tăng 4,48% so với nhiệm kỳ trước; đại biểu HĐND cấp huyện có 83/297 đại biểu, đạt tỉ lệ 27,94%, tăng 14,9% so với nhiệm kỳ trước, cao nhất trong khu vực Bắc Trung bộ; đại biểu HĐND cấp tỉnh có 13/50 đại biểu, chiếm tỉ lệ 26%, đứng thứ ba trong khu vực Bắc Trung bộ.

Tại buổi đối thoại, cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh đưa ra thực trạng về một số bất cập trong thực hiện chính sách về phát triển phụ nữ, bình đẳng giới, đào tạo, phát triển cán bộ nữ và kiến nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quan tâm, xây dựng cơ chế, giải pháp giải quyết trong thời gian tới. Các ý kiến của cán bộ nữ cho rằng nhiều sở, ngành chưa có cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ vị trí trưởng đầu ngành. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu Quốc hội, HĐND còn thấp theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị. Chính vì vậy, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cần tiếp tục được quan tâm, chú trọng.

 Hiện nay, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh đang tạo ra một cơ hội để đội ngũ trí thức trẻ, nhân tài cống hiến cho quê hương nhưng mặt khác tạo ra lực cản trong việc thu hút, tuyển dụng cán bộ, viên chức, đặc biệt là cán bộ nữ, trẻ, người đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Quan tâm hơn nữa chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ chế riêng, phù hợp. Chính sách luân chuyển cán bộ về cơ sở cần được đối xử bình đẳng đối với cán bộ nữ, đặc biệt trong bố trí chức vụ sau luân chuyển; thời gian luân chuyển cần được nghiên cứu, tính toán phù hợp.

Liên quan đến chính sách cán bộ nữ, có ý kiến cho rằng cần xây dựng cơ chế đủ hiệu lực để thực thi các chính sách một cách hiệu quả, vì hiện nay chính sách đã được ban hành nhưng hiệu quả thực thi chưa cao. Cần sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 43/CTHĐ-TU ngày 26/10/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị để đánh giá, xây dựng giải pháp mang tính lâu dài. Quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển, đặc biệt là phụ nữ trong nhóm yếu thế như lao động nữ trong các doanh nghiệp, lao động nữ ở nông thôn.

Trao đổi tại buổi đối thoại, các đồng chí Mai Thức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng việc thực hiện các chính sách cán bộ nữ trong thời gian qua được Tỉnh ủy quan tâm thực hiện một cách tích cực từ cơ sở đến tỉnh. Và các chính sách này tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

Phát biểu trao đổi với các cán bộ nữ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đây là lần đầu tiên tổ chức đối thoại để giúp cấp ủy đảng, người đứng đầu hiểu rõ hơn về chính sách và thực trạng công tác cán bộ nữ hiện nay, đồng thời khẳng định: Chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển trên mọi lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm trong nhiều năm qua và Quảng Trị cũng không phải là ngoại lệ. Thống kê cho thấy, tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan, địa phương, cán bộ nữ tham gia các cơ quan dân cử của Quảng Trị đang ở mức đạt chuẩn so với Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra và luôn ở vị trí dẫn đầu trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Điều đó cho thấy các chính sách về cán bộ nữ được quan tâm thực hiện một cách tích cực, đồng thời khẳng định được sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ Quảng Trị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng lực thực tiễn của một số cán bộ nữ chưa tương xứng với nhiệm vụ công tác; cán bộ nữ đông nhưng chưa đều, chưa mạnh về địa bàn; một số phụ nữ chưa vượt qua rào cản bản thân để rèn luyện cống hiến, một bộ phận e ngại, tự ti, chưa nỗ lực phấn đấu khiến các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ chưa phát huy hiệu quả cao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm, để tạo điều kiện giúp cán bộ nữ phát triển, cống hiến, hiện nay Trung ương đang nghiên cứu phương án tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó có tăng tuổi hưu của cán bộ nữ để đảm bảo thời gian đào tạo, bồi dưỡng, cống hiến, tuy nhiên cũng tính toán đến phương án tùy vào đặc thù ngành nghề, vị trí công tác.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là nhiệm vụ của Đảng. Chính vì vậy, sắp tới tỉnh sẽ chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng từ ngắn hạn, không tập trung sang dài hạn, tập trung nhằm nâng cao chất lượng cán bộ nữ. Đối với những ngành, lĩnh vực có nhiều lao động nữ như giáo dục và đào tạo, y tế sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo rõ nét hơn. Bên cạnh đó, các cán bộ nữ có năng lực, được đào tạo, bồi dưỡng bài bản sẽ được cân nhắc bố trí giữ chức vụ cao hơn.

Đối với công tác luân chuyển cán bộ, mục tiêu là để đào tạo, rèn luyện, tạo nguồn và tùy theo kết quả luân chuyển để có phương án bố trí công việc phù hợp với năng lực, thực tế công tác của địa phương, đơn vị. Trong luân chuyển cũng có chế tài đối với việc luân chuyển khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Để công tác cán bộ nữ phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội LHPN là đơn vị chủ động nắm nguồn để đề xuất với cấp có thẩm quyền có phương án đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn. Trong đó, khâu đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách nghiêm túc, khách quan. Về bản thân các cán bộ nữ phải nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Hiện tại các chính sách liên quan đến cán bộ nữ đang tiếp tục được cập nhật, tổng hợp để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Đồng chí cũng lưu ý, các đại biểu nữ tham gia buổi đối thoại phải đưa ra thông điệp với phụ nữ trong tỉnh, rằng phải nỗ lực hết mình làm ra sản phẩm, người nông dân phải làm ra hạt lúa, củ khoai thì cán bộ nữ phải có sản phẩm trên lĩnh vực công tác của mình, như vậy công tác cán bộ nữ mới đạt kết quả cao.

Liên quan đến công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ nhóm yếu thế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thông điệp Đảng và Nhà nước ta đưa ra là không có ai bị bỏ lại, các hộ nghèo đều được quan tâm, hỗ trợ để phát triển. Tại Quảng Trị, ngoài các chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ người nghèo trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” như chương trình “Tết sum vầy”, “Nối vòng tay nhân ái” nhằm hỗ trợ người nghèo, phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ người nghèo đang dần chuyển sang hướng “cho cần câu, không cho xâu cá” nhằm hỗ trợ thoát nghèo bền vững.

 Đối với lao động nữ trong các nhà máy, cần thực hiện theo đúng các chính sách, quy định pháp luật. Hiện nay, chính sách bảo hiểm đang được cải cách hướng đóng - hưởng, bảo hiểm đa tầng để khắc phục được tình trạng thiệt thòi cho người lao động, tăng tính chuyên nghiệp trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, các cấp hội phụ nữ phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong lao động, lao động nữ chủ động thực hiện các quyền để bảo vệ quyền lợi về lao động, bảo hiểm của chính mình.

Theo: http://www.baoquangtri.vn/QT