1. Từ năm 1945 đến 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần về thăm Vĩnh Phúc. Mỗi lần về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, là mỗi lần Người dặn dò những điều trăn trở, tâm huyết để cổ vũ nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Những lời ân cần thăm hỏi, động viên anh chị em kỹ sư, cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường ngày 19-5-1955 làm sống lại vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, để Tam Đảo xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh vẫn luôn được thấm nhuần và thực hiện. Gần nửa thế kỷ kể từ ngày Người về thăm Tam Đảo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện đúng như những lời Người dặn dò, đã xây dựng và bảo tồn để Tam Đảo trở thành một trọng điểm du lịch của tỉnh, với nhiều khách sạn lớn nhỏ phục vụ hàng vạn lượt khách du lịch mỗi năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Vĩnh Phúc nhiều lần trong những năm 1958-1964 và biểu dương nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã thu nhiều thắng lợi trên con đường tập thể hóa nông nghiệp và xây dựng CNXH. Người căn dặn bà con thôn Yên Định, huyện Bình Xuyên và thôn Lai Sơn, huyện Tam Dương về đoàn kết, về đẩy mạnh tăng gia sản xuất, muốn vậy phải vào tổ đổi công, phải tương trợ nhau sản xuất, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới với “phương châm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp của ta là làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích để họ tự nguyện tham gia, nhằm làm cho năng suất lao động cao hơn. Muốn vậy, phải thực hiện dân chủ, phải không ngừng cải tiến quản lý và kỹ thuật” (1). Theo chỉ dẫn của Người, không chỉ người dân Yên Định, Lai Sơn nỗ lực dựng xây quê hương, mà nhân dân các dân tộc ở các địa bàn trong tỉnh cũng đã đồng tâm, đoàn kết trong xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương. Ở các thôn xóm, đường làng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong thôn được nâng cao, con em được học hành…
Đặc biệt, năm 1961, cả miền Bắc bắt đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) mà nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH. Lạc Trung là một thôn của xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trồng cây gây rừng đạt kết quả rất lớn. Từ bình quân chung toàn huyện 2 cây/một người năm 1960, Lạc Trung đã đạt con số 10 cây một người. Với thành tích như vậy, thôn Lạc Trung đã nổi tiếng toàn miền Bắc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngày 25 - 1 - 1961. Về Lạc Trung thăm và động viên phong trào trồng cây gây rừng - vừa ích nước, vừa lợi nhà, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái, Người nhắc nhở cán bộ, đồng bào các thôn khác, các địa phương khác cần học tập kinh nghiệm của Lạc Trung để đẩy mạnh phong trào trồng cây và cần làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích to lớn của việc trồng cây. Sau 3 ngày về thăm Lạc Trung, với mong muốn nhân rộng mô hình của Lạc Trung ra các địa phương khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hai bài đăng báo Nhân Dân, ngày 28-1-1961 và ngày 30-12- 1961 để tuyên truyền “kinh nghiệm”, nhân lên thành điển hình tiên tiến. Đó chính là phần thưởng cao quý đã dành cho nhân dân thôn Lạc Trung nói riêng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Vĩnh Phúc nói chung!
Năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Vĩnh Phúc hai lần. Lần thứ nhất, Người cùng đồng chí Kim Ngọc (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thời gian đó) gặp gỡ và nói chuyện với 16.000 người dân Vĩnh Phúc. Lần thứ hai, nhân một chuyến đi công tác tại khu nghỉ mát Tam Đảo, Người thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ III Đảng bộ tỉnh. Cả hai lần ấy, những lời căn dặn của Người về sự gương mẫu, đoàn kết của mỗi đảng viên và mỗi đoàn viên trong tỉnh; về sự nỗ lực phấn đấu trong mọi công việc và trách nhiệm giúp đỡ bà con cùng tiến bộ… để “làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” (1) và Đảng bộ Vĩnh Phúc "trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc” đã luôn là nguồn động viên đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vĩnh Phúc, với phương châm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, là động lực của sự phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.
Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo có vai trò quyết định đến thành công trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cho nên ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, cùng với việc tổ chức tốt học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết Trung ương, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết chuyên đề đến các chi bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Đảng bộ tỉnh đã tập trung xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp với tình hình địa phương. Những năm gần đây, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong Đảng, trong xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động, đem lại chất lượng và hiệu quả công tác. Nhiều tập thể, cá nhân tiếp tục có những cách làm sáng tạo, phù hợp để đưa việc học tập và làm theo Bác vào thực tiễn công việc… Đặc biệt, các cấp ủy Đảng đã gắn “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" thiết thực xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Qua đó, nâng cao ý thức phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan đơn vị, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng công tác củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng công giáo và trong các doanh nghiệp được chú trọng… nhằm xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Để đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, công tác tuyên truyền nhân các sự kiện lớn của đất nước và của địa phương gắn với các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội đã được đẩy mạnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng việc làm thiết thực, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từ một địa phương thuần nông đã trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ôtô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin có nhiều chuyển biến; an ninh quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 17,24%/năm; thu ngân sách tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên 18.596 tỷ đồng năm 2013 (2).
Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đóng góp quan trọng cho đảm bảo an ninh lương thực, ổn định an sinh xã hội; chăn nuôi đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại theo phương thức công nghiệp. Khu vực dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu về sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, trong đó đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ; giai đoạn 2011-2013 đã thu hút được 38 dự án đầu tư FDI, số vốn đăng ký 546,6 triệu USD và 86 dự án DDI, số vốn đăng ký gần 9,8 nghìn tỷ đồng... (3). Đặc biệt, từ phong trào “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay, toàn tỉnh có 40/112 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2015 có 2 huyện, 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để phát huy thế mạnh và tiềm năng phát triển, phấn đấu để năm 2015 xây dựng tỉnh trở thành tỉnh có đủ các yếu tố cơ bản của một tỉnh công nghiệp; đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp, trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, có những khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế và trở thành Thành phố Vĩnh Phúc vào thập niên 2020, một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Trung ương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp. Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó, tập trung chỉ đạo chuẩn bị kỹ văn kiện đại hội, công tác nhân sự; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc… tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, huy động mọi lực lượng làm công tác tư tưởng, hướng về cơ sở, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong những lần Người về thăm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành trong tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở… tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Thứ ba, kịp thời nắm bắt một số bức xúc dư luận xã hội quan tâm, nhất là ở cấp cơ sở; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội... trên cơ sở phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng về kinh tế, văn hóa, giáo dục, về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… “làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.14, tr.38-41.
(2), (3) Đề án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, báo Vĩnh Phúc ngày 13-4-2015.
ThS. Nguyễn Thị Bình
Hướng dẫn viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phủ Chủ tịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch