BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ

15/09/2015 15:45

Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức lớn, là tấm gương đạo đức trong sáng nhất đã được thế giới thừa nhận. Người đã nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy không để lại những tác phẩm lớn về đạo đức, nhưng những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh về đạo đức nằm trong những bài viết, bài nói ngắn gọn, xúc tích và qua chính cuộc sống, lao động và học tập của Người. Do đó, khi nghiên cứu tư tưởng đạo đức của Người không chỉ thông qua các tác phẩm của Người về đạo đức, mà đồng thời phải thông qua chính những việc làm, hành động thực tiễn, thông qua mẫu hình đạo đức mà Người để lại cho Đảng, cho dân tộc và nhân loại.

Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Có the nói, sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và hành động cách mạng, giữa lý luận và thực tiễn đã trở thành nét đặc trưng nổi bật của đạo đức Hồ Chí Minh.

Những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đưa ra với mọi đối tượng xã hội, từ người công nhân đến trí thức, văn nghệ sỹ tới các bậc phụ lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, từ đồng bào dân tộc đến đồng bào các tôn giáo, nhà tu hành … Nhưng những nội dung đạo đức của cán bộ, đảng viên, hay nói chung là đạo đức công vụ là nội dung chiếm phần chủ yếu nhất trong tư tưởng đạo đức của Người. Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã ghi nhận ý tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiết lập một nền công vụ mạnh mẽ, sáng suốt của dân, hoạt động vì nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, đó là một nền công vụ hiện đại, dân chủ, có hiệu lực từ Trung ương đến cơ sở. 

 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức là công bộc, có bổn phận phục vụ nhân dân, vì thế đạo đức công chức thể hiện tính dân chủ trong công vụ mà công chức thực hiện đối với nhân dân. Đạo đức công chức thể hiện qua những hành động cụ thể, qua công việc hàng ngày của người cán bộ công chức. Đạo đức người cách mạng không phải là những giáo điều suông, mà là đạo đức của hành động, lời nói phải đi đôi với việc làm, nêu gương làm việc tốt, khắc phục thói hư, tật xấu. Tuy việc rèn luyện đạo đức phải thông qua những lời nói, hành động thực tiễn hàng ngày, song theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức công vụ được thể hiện trong những nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực nhất định, đó là:

Một là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,

Hai là, phải có tinh thần trách nhiệm cao.

Ba là, chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ,

Bốn là, có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu trong công việc,

Năm là, có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp.

Những chuẩn mực đạo đức công vụ này có sự quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau trong một hệ thống chuẩn mực thống nhất. Cho đến hôm nay, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế thì những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nền công vụ, đạo đức của người cán bộ, công chức vì dân vẫn còn nguyên giá trị.

Cả cuộc đời của Người đều phấn đấu vì nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn răn dạy cán bộ, chiến sỹ trong việc thực hiện chức trách của mình trước nhân dân, thái độ phục vụ nhân dân đều xuất phát từ những việc làm cụ thể hàng ngày, từ những hành động nhỏ nhất. Không dùng mệnh lệnh, hình thức, giáo điều, không phải bằng khuôn phép, nguyên tắc cứng nhắc mà chính bằng sự chân tình, giản dị, bằng tình thương và trách nhiệm. Tuy nhiên trước những hành động, lời nói, việc làm chưa đúng của cán bộ, đảng viên người luôn có một thái độ nghiêm khắc và uốn nắn kịp thời

Qua các hoạt động và sinh hoạt đời thường, điều ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân.

Ở một mức độ khác, những người có điều kiện tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ, điều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ. Nhân đây tôi xin được kể đến hội thi một câu chuyện, mà thông qua đó ta thấy được cách bác rèn luyện đạo đức cho cán bộ, cũng như thấy được phong cách làm việc của Bác với cấp dưới và với nhân dân, đó là câu chuyện “Thời gian quý báu lắm”

Chuyện kể rằng…. (sân khấu hóa câu chuyện “Thời gian quý báu lắm”)

Học tập và làm theo gương Bác, theo tôi, việc đơn giản nhất, dễ làm nhất và cũng hiệu quả nhất, trước tiên hãy làm theo tấm gương tiết kiệm thời gian của Nguời. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quý trọng, sử dụng hiệu quả thời gian bằng cách sắp xếp kế hoạch cụ thể, chi tiết và tác phong hiện đại, để sao cho không bị lãng phí thời gian một cách vô ích. Không chỉ tiết kiệm cho riêng mình, trong các cuộc họp, gặp mặt, hội thảo…, mà quan trọng hơn là làm việc rất đúng giờ để mọi người không phải chờ thời gian vàng ngọc trong một ngày làm việc.

 Nói về việc tiết kiệm thời gian, Bác dạy: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”.

Thời gian mất không tìm lại được. Ai biết quý trọng thời gian, người đó sống có trách nhiệm với chính mình, với mọi người, với công việc…. Bác quý trọng thời gian bởi vì Bác cũng là người sống có trách nhiệm với chính mình và với moi người. Học tập Bác trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm thời gian của mỗi cá nhân sẽ giúp công việc trôi chảy, nhanh chóng và góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cải cách hành chính, xét về tiến độ chính là tiết kiệm thời gian. Tiết kiệm thời gian của chính quyền, thời gian của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư và của công dân. Từ việc tiết kiệm thời gian ta tiết kiệm được nhiều thứ khác đó là công sức, tiền bạc.

Trong lời dạy của Người về việc quý trọng thời gian, nhưng chúng ta có thể nhận thấy bao quát trong đó lời dạy của Người về nhiều khía cạnh đạo đức khác của người cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

Đối với những cán bộ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo như chúng tôi, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ để từ đó hình thành chuẩn mực nghề nghiệp đã được Đảng ủy, lãnh đạo Ban quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Kế thừa và phát huy những bài học mà Người đã răn dạy, rèn luyện cán bộ, chiến sỹ và nhân ta, kế thừa những lời dạy và việc làm của Người về đạo đức công vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã hình thành chuẩn mực đạo đức của mỗi cán bộ làm công tác tôn giáo, theo đó:

1.  Phát huy tinh thần yêu nước, nhận thức đúng đắn và kiên định thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, ra sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; không làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

2. Nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng những việc làm cụ thể; chống lãnh đạm, vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch hành dân.

3. Xây dựng tinh thần thương yêu, đoàn kết, hợp tác cùng đồng chí, đồng nghiệp; chống chia rẽ, bè phái, cục bộ địa phương, dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi.

4. Xây dựng tinh thần cần, kiệm, coi trọng chất lượng, hiệu quả công việc, chống lười biếng, lãng phí, phô trương.

5. Xây dựng tinh thần liêm, chính, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm; chống tham nhũng, dối trá, hối lộ, bê tha, trụy lạc, nói không đi đôi về làm, chạy theo danh vọng, địa vị, quyền lợi, lạm dụng quyền lực.

6. Nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, phgaps luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; hiểu biết tôn giáo, có phương pháp, uy tín, năng lực tiếp cận với chức sắc tôn giáo, có bản lĩnh vững vàng, nhiệt tình, sâu sát thực tế, vô tư, khách quan.

Việc học tập và làm theo tấm gương cao đẹp của Bác vừa là yêu cầu cấp bách hiện nay, vừa là mục tiêu lâu dài trong việc đẩy mạnh việc tu dưỡng đạo đức của đội ngũ cán bộ, Đảng viên trong thời kỳ mới. Là những người phục vụ cho nước, cho dân, mỗi cán bộ, công chức của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo trước hết phải tự ý thức được vị trí, vai trò của mình, gương mẫu trong việc chấp hành kỷ cương, đường lối, tự giác tuân thủ kỷ luật của cơ quan, giữ vững nề nếp công tác. Không lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại đến tài sản vật chất của cơ quan, đơn vị cũng như tài sản của Nhà nước…


Chúng ta cần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Tiếp tục tổ chức học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bao gồm cả việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp... Đặc biệt là đối với công tác tôn giáo có nhiều khó khăn, nhạy cảm và ẩn chứa nhiều phức tạp, càng đòi hỏi người cán bộ làm công tác tôn giáo ở các cấp cần coi trọng, coi n
ội dung tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như việc vận dụng tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động, đồng thời phải tiếp tục đào sâu suy nghĩ, kiên trì phấn đấu và noi theo. Đó cũng chính là mục tiêu của toàn Đảng, của hệ thống chính trị, nhằm góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./.


Hoàng Diệu Thương
Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ

Tìm kiếm