Đồng thời, trong nền kinh tế thị trường, những cám dỗ vật chất và tinh thần từ cuộc sống tác động đến đạo đức công vụ rất mạnh mẽ; nếu không luôn luôn rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, người công chức sẽ nhanh chóng xa rời mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm mất lòng tin của quần chúng, từ đó, làm yếu đi hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy hành chính. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết. Nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gơng đạo đức Hồ Chí Minh chính là dịp để mỗi người Việt Nam nói chung và người cán bộ công chức nói riêng tự nhìn nhận lại chính mình, theo tinh thần Bác Hồ đó dạy: Học để hành, để làm người, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của cách mạng cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối; người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dự tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Bác dạy: “Quần chúng chỉ quí mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác cũng nói:“Nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều đó cho thấy tư cách đạo đức của mỗi cán bộ công chức đều có tác động mạnh mẽ đến người dân. Nếu không có đạo đức tốt, người công chức sẽ trở thành tấm gương xấu có thể gây mất lòng tin và giảm hiệu quả hoạt động của cả bộ máy hành chính.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời là sự kế thừa truyền thống đạo đức phương Đông, những tinh hoa đạo đức nhân loại, đặc biệt những tư tưởng đạo đức của Các-Mác, Ph.Ăng ghen, VI.Lênin. Tháng 3/1947, Bác kêu gọi thi đua xây dựng “đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính”. Sau đó, Bác viết tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”, trong đó, Bác coi “Cần, kiệm, liêm, chính” là bốn đức tính không thể thiếu của mỗi con người, ví như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Bác viết:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”.
Như vậy, đối với Bác, 4 đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất hàng đầu của đạo đức. Bốn đức tính này trở thành nền tảng cơ bản để trở thành một con người có đạo đức, cơ bản đến mức, “thiếu một đức thì không thành người”. Đây là những đức tính mà bản thân mỗi cán bộ, công chức lấy đó để điều chỉnh, soi rọi, thực hiện trong mọi hoạt động của mình.
Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai. Bác cũng nói: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ của dân, của nước, của bản thân mình; tiết kiệm từ cái to tới cái nhỏ. Từ lý giải này của Bác, có thể hiểu: Kiệm không chỉ có nghĩa là tiết kiệm tiền của, mà quan trọng hơn, đó là tiết kiệm thời gian, công sức. Đối với công chức, công vụ, việc đáng một người làm cũng xong nhưng lại dây dưa hai, ba người mới giải quyết được, đó là xa xỉ, không tiết kiệm. Giải quyết công việc chậm trễ, công việc đáng giải quyết trong một giờ, một ngày mà kéo dài ra hai ba giờ, hai ba ngày, khiến dân phải đi lại nhiều lần, hao tổn thời gian và sức lực, đó cũng là không tiết kiệm. Bác cũng nói rõ: tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là gặp việc gỡ đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Khi có việc đáng làm, việc có ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới là kiệm.
Liêm là trong sạch, không tham lam, theo Bác, những người làm trong bộ máy nhà nước rất dễ có cơ hội để tham ô, tham nhũng. Đó là khi họ nắm trong tay quyền hành nhưng thiếu lương tâm, không giữ được sự trong sạch. Do đó, Bác yêu cầu những người trong công sở phải lấy liêm làm đầu, nghĩa là luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Chính còn có nghĩa là ngay thẳng, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc; luôn giữ thái độ chân thành khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để công lên trên lên trước việc tư. Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng phải tránh.
Hiện nay, những biểu hiện tiêu cực vẫn đang còn tồn tại trong nền công vụ và đội ngũ công chức. Đó là: dùng người thì đưa “con ông cháu cha” vào bộ máy, những người tài giỏi, cương trực thì bị trù dập; một số công chức nịnh bợ luồn cúi, đi bằng đầu gối để thăng quan tiến chức; tình trạng thấy việc ác chẳng lên tiếng, thấy việc hay cũng lặng im, vì sợ va chạm, ngại đấu tranh... Đó là những biểu hiện lệch lạc đạo đức trong nền công vụ, đi chệch ra khỏi chữ “Chính” theo quan điểm Hồ Chí Minh. Rèn luyện và tu dưỡng theo đúng chữ Chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể xóa bỏ được những vấn đề này và xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, ngay thẳng, một nền công vụ hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Người cán bộ, đảng viên, công chức phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức như đánh răng rửa mặt hàng ngày. Tư tưởng đạo đức của người cán bộ là lời nói phải đi đôi với việc làm, nêu gương làm việc tốt đấu tranh và khắc phục thói hư tật xấu. Người cán bộ phải là người đầy tớ, công bộc của dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, hết lòng, hết sức tận phục vụ nhân dân. Đó là tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ.
Đối với chúng tôi, những người cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, một trường Đại học tuy còn non trẻ nhưng đang quyết tâm đi lên giành nhiều thành tựu khẳng định chính mình. Trong suy nghĩ và hành động, chúng tôi luôn thấm nhuần và vận dụng, học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Là những người làm công tác trong ngành giáo dục, ngoài những lời Bác dạy về đạo đức công vụ nói chung, chúng tôi cũng luôn khắc sâu những lời Bác dạy đối với mỗi người giáo viên nhân dân.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người thầy giáo trong xã hội và do đó Người coi đạo đức là linh hồn của người thầy giáo. Người nói: Chính trị là đức, chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng, hay “chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn”.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò đạo đức của người thầy song không tuyệt đối hóa mặt đạo đức, coi nhẹ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo Hồ Chí Minh, giữa đức và tài, hồng và chuyên, phẩm chất và năng lực chuyên môn của người thầy giáo có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau. Có đức là để tài năng phát triển đúng hướng và có tài thì đức mới phát huy được tác dụng.
Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của người thầy giáo là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phục vụ Tổ quốc gắn liền với phục vụ nhân dân. Trong buổi nói chuyện với thầy giáo, cô giáo Lớp Nghiên cứu chính trị Khóa 1 trường Đại học Nhân dân, Người căn dặn “Chân lý là cái gì lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân không phải là chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân tức là phục tùng chân lý”. Người thầy giáo phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trước hết, trên hết và bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện tốt đường lối giáo dục của Đảng, và nhà nước, phải kính trọng nhân dân, tin vào sức mạnh của dân.
Trong quan hệ giữa thầy giáo với học trò, theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải có phẩm chất đạo đức thương yêu học trò như ruột thịt. Ở lứa tuổi tiểu học, mẫu giáo, người thầy phải dành cho học trò một tình cảm thương yêu đặc biệt như tình cảm của cha mẹ đối với người con. Ở cấp đại học và Trung học chuyên nghiệp thì tình thương của người thầy đối với học trò được xây dựng trên cơ sở dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm. Người nói: “Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải cá đối bằng đầu”. Đây là mối quan hệ tốt đẹp của thầy và trò trong xã hội dân chủ, có sự kế thừa những giá trị tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Gắn liền với phẩm chất đạo đức thương yêu học trò là phẩm chất đạo đức “thật thà yêu nghề” của người thầy. Nghề giáo là một nghề lao động khó nhọc, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nhưng không phải là nghề có thu nhập cao. Nếu không tha thiết với nghề nghiệp sẽ bị dao động trước hoàn cảnh khó khăn, vì vậy Bác thường căn dặn những người làm thầy nên “yên tâm công tác” không nên “đứng núi này trông núi nọ, muốn thay đổi công tác, kèn cựa, địa vị”.
Trong môi trường sư phạm, Người luôn giáo dục tinh thần đoàn kết trong đội ngũ thầy giáo, cô giáo và coi đây là phẩm chất đạo đức quan trọng của người thầy. Đoàn kết trước hết giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa thầy và trò, giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa cán bộ giảng dạy và cán bộ phục vụ, giữa nhà trường với các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Đoàn kết phải thực sự, chân thành, “thực sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và mạnh dạn tự phê bình và phê bình.
Trong hơn 5 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trường Cao Đẳng Nội vụ Hà Nội, nay là trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã quán triệt, hướng dẫn các đơn vị xây dựng và tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình và đạt được các kết quả nổi bật:
Về đức tính Cần, hầu hết công chức, viên chức trong Nhà trường có ý thức chấp hành tốt thời gian 8 giờ làm việc như: không đi muộn, về sớm; không ngồi uống trà lâu hoặc chơi game, chơi bài. Không ít cán bộ, công chức, viên chức đó làm việc tới 5, 6 giờ chiều hoặc làm cả ngày được nghỉ để đảm bảo hoàn thành công việc đúng tiến độ về thời gian. Các cuộc họp của Nhà trường cũng được rút ngắn về thời gian và các công việc đưa ra bàn bạc cũng đạt kết quả tốt hơn.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Đảng ủy, BGH đã thường xuyên quán triệt, xây dựng ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và được hưởng ứng, vận dụng cụ thể vào công việc hàng ngày. Năm 2007 và 2008 đã tiết kiệm được 300.000.000 đồng tiền điện nước so với năm 2006. Bên cạnh đó nhờ việc khoán sử dụng điện thoại và văn phòng phẩm nên hai năm 2007 và 2008 mỗi năm tiết kiệm được 45.000.000 đồng so với năm 2006. Ngoài ra việc tiết kiệm việc sử dụng điện thoại và văn phòng phẩm, tiết kiệm trong tổ chức hội thảo, hội nghị cũng được đẩy mạnh, tạo ra hiệu quả thiết thực. Ý thức tiết kiệm đã trở thành nếp sống tự giác hàng ngày của cán bộ, viên chức nhà trường.
Thực hiện lời Bác dạy, Liêm là trong sạch, không tham lam. Trong thực hiện cuộc vận động, người đứng đầu cấp ủy, Đảng ủy viên, Bí thư các chi bộ, cán bộ chủ chốt của Trường, các đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác đi đầu, gương mẫu trước mọi hoạt động. Ủy ban kiểm tra xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các chi bộ đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Nên không để xảy ra hiện tượng tham ô, lãng phí, gây thắc mắc trong dư luận cán bộ, viên chức. Phong trào hai không trong giáo dục được thực hiện tốt, đẩy lùi thấp nhất những tiêu cực trong học tập, thi cử và những biểu hiện tiêu cực khác trong giáo dục, tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, trong sáng.
Làm theo lời Bác, Chính là ngay thẳng, là đúng đắn, chính trực, để việc công lên trước việc tư. Hàng năm, theo chỉ tiêu biên chế được Bộ Nội vụ giao, Nhà trường đó tổ chức thi tuyển, xét tuyển theo đúng quy định. Việc tiếp nhận các trường hợp chuyển công tác cũng được thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Đặc biệt, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên chức được chú trọng. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động cán bộ, công chức cũng được thực hiện theo đúng quy định. Hàng năm Nhà trường đó làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Nhà trường quản lý.
Qua tổng kết đánh giá các phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 100% Đảng viên và cán bộ viên chức nêu cao tinh thần đoàn kết trong cơ quan. 100% cán bộ, Đảng viên, học sinh sinh viên trong trường đều trung thành với lý tưởng của Đảng, yêu ngành, yêu nghề mình đã chọn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt bất cứ công việc gỡ mà Đảng và cấp trên giao. Không Đảng viên nào vi phạm những điều Đảng viên không được làm, không có cán bộ, giáo viên nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không có quần chúng nào có biểu hiện tiêu cực, xa rời Đảng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Tổ chức sơ kết 4 năm, 5 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Nhà trường đã tuyên dương khen thưởng 10 tập thể, 35 cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Những kết quả nêu trên chỉ là những kết quả bước đầu khiêm tốn trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng ủy, BGH và toàn thể đội ngũ cán bộ viên chức của Nhà trường luôn xác định: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, suốt đời. Đặc biệt hiện nay nhiệm vụ này càng có ý nghĩa thiết thực, lớn lao đối với một trường đại học còn non trẻ, hứa hẹn những tương lai rạng rỡ, nơi đào tạo ra những thế hệ cán bộ vừa hồng vừa chuyên cho nước nhà.
ThS. Nghiêm Xuân Mừng
Giảng viên Khoa Văn hóa - Thông tin và Xã hội
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội - Bộ Nội vụ