BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


“Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ lời Bác dạy đậm nghĩa nhân văn sâu sắc về tự phê bình và phê bình

08/10/2015 14:26

Lúc sinh thời, là người tổ chức, giáo dục, rèn luyện đội ngũ CBCS công an ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ bảo ân tình. Trong lời dạy về “Tư cách người công an cách mệnh” cách đây 65 năm, Người nhắc nhở “Cần thường xuyên làm cho anh, chị em công an nhận rõ công an của tà là CAND, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Để xứng đáng với vinh dự trách nhiệm vẻ vang ấy, người cán bộ công an phải rèn luyện về tư cách, đạo đức theo 6 điều dạy của Người; đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo xây dựng đội ngũ CAND trong sạch, vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong thực tiễn hoạt động của lực lượng CAND, do sống, chiến đấu và công tác gắn bó với nhau hàng ngày, cùng vào sinh ra tử, khó khăn gian khổ đều có nhau… nên rất dễ nể nang bỏ qua, vì sợ mất lòng nhau khi đóng góp ý kiến xây dựng trong kiểm điểm công tác cũng như ứng xử trước khuyết điểm, sai phạm của đồng đội. Nếu đấu tranh tư tưởng không tốt, không đặt đạo đức cách mạng, lợi ích đại cục lên trên thì sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động không đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích là: “Nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào tự bỏ thuốc độc cho mình”(1). Nhằm tránh những sai lầm đó và nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình; với lực lượng CAND, trong điều dạy về tư cách người công an cách mạng Người nêu rõ: “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”, đây là điều dạy mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tự phê bình và phê bình. Người nêu quan điểm phê bình là để cho cán bộ, đảng viên, tổ chức được tốt hơn; do đó, thái độ phê bình phải thân tình, yêu thương, khích lệ tâm đức người có lỗi lầm, không làm cho người có sai phạm bi quan, chán nản, bất mãn, uất ức. Tự phê bình và phê bình chính là giúp đỡ đồng chí, đồng đội, khơi dậy nhiệt tình trong mỗi con người, làm cho cán bộ, đảng viên phấn khởi tin tưởng, phát huy ưu điểm, hăng hái tự vượt qua trở ngại của chính mình để tiến lên.

I. Lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh xác định qua điểm tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển tất yếu của chính đảng vô sản, là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp chúng ta sửa sai lầm và phát huy ưu điểm. Trong bài viết trên Báo Nhân dân ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh”(2). Mục đích tự phê bình và phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Người cũng chỉ rõ: “Đoàn kết không phải là “chén chú chén anh”, là anh A giấu lỗi cho anh B”, mà là dân chru trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình của người cách mạng. Vì thế, “Muốn đoàn kết chặt chẽ là tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến cùng đoàn kết. Đoàn kết phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc cán bộ, đảng viên “khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”. “Khéo” có nghĩa là phê bình mình cũng như phê bình người phải “rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”, không nể nang, không thêm bớt. Phải chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc chứ không phải phê bình người. “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. “Cho nên đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng ngăn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thụ lời phê bình của người khác”(4). Đây là một thái độ nghiêm túc, một cách nhìn nhận vừa thể hiện tinh thần đấu tranh triệt để nhưng cũng rất giàu lòng nhân ái vì con người, trân trọng nhân cách con người, trân trọng đồng chí, đồng sự. Do đó, tự phê bình và phê bình còn “Phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau”, “theo tinh thần nhân ái và lập trường cách mệnh”(5). Phải nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm một cách rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật, không tô hồng hoặc bôi đen. Sự dối trá, quanh co, nể nang, dấu diếm hay thổi phồng không bao giờ giúp ích cho sự tiến bộ, cho sự thành công trong công tác, cho tình đồng chí thương yêu gắn bó mà ngược lại gây ra một sức tàn phá, cản trở, một sự phản tác dụng về đạo đức cách mạng.

Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật thà trung thực với bản thân, với đồng chí mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán một số cán bộ, đảng viên đối với người khác thì phê bình rất “mácxít”, nhưng tự phê bình thì quá “ôn hòa”, mắc vào chủ nghĩa tự do không theo nguyên tắc xây dựng Đảng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên nhất là những người đứng đầu phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Như vậy, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, trái lại, uy tín và thể diện do đó càng tăng lên. Người cho ràng, đứng trước những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, người lãnh đạo phải xem xét cẩn thận để lựa chọn phương pháp phê bình sao cho phù hợp, phải phân tích rõ ràng cái gì đúng, cái gì sai, phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra nguyên nhân dẫn đến sai lầm? Sai lầm thế tác hại đến công việc như thế nào? Làm thế nào để sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng. Phương pháp tốt nhất là “Dùng cách thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo”. Trường hợp nặng xử phạt, nhưng xử phạt “Cần phải phân tích rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Điều quan trọng là “Phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình”. Phê bình đúng, phê bình một cách hiệu quả là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, đó cũng là sự biểu hiện trình độ văn hóa, là văn minh của Đảng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức coi trọng thực hành dân chủ trong tự phê bình và phê bình, “Nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để soi mói”(6). Như vậy, theo Người, bất kể ai, từ những cán bộ cao cấp đến CBCS bình thường đều có quyền lợi, trách nhiệm như nhau trong việc tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, tự phê bình và phê bình phải có tổ chức, không được tùy tiện “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”, “ngồi lê đôi mach”. Người nêu rõ: “Không phê bình tức là bỏ mất quyền dân chủ của mình. Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, quyết không thầm thì thầm thụt”(7).

II. Lời dạy “Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ” trong 6 điều Bác Hồ dạy về tư cách, đạo đức người công an cách mạng là sự đúc kết, kế thừa truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là một nội dung có ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tự phê bình và phê bình. Lời dạy của Người “Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ” hàm chứa những nội dung tư tưởng thân ái, biết cách giúp đỡ đồng đội thông qua tự phê bình và phê bình để cùng nhau khắc phục khuyết điểm, trở thành một phương châm hoạt động mang tính cách mạng và khoa học.

“Đồng sự” là đồng đội, đồng chí cùng công tác trong một đơn vị, rộng hơn, đó chính là toàn thể CBCS công an cùng chiến đấu cho sự nghiệp bảo vệ ANCT và giữ gìn TTATXH. “Đối với đồng sự” - Bác muốn nói đến mối quan hệ của mỗi thành viên trong một tổ chức, nhân tố tạo nên sức mạnh của tổ chức. Bởi vì, tổ chức và cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tổ chức mạnh mẽ tạo điều kiện cho từng cá nhân phấn đấu tốt và ngược lại, từng cá nhân phấn đấu tốt là điều kiện để xây dựng tổ chức đoàn kết, vững mạnh. Tổ chức là nơi tạo sự liên kết, sự hợp đồng giữa những cá nhân, do vậy yêu cầu phải có những cá nhân tốt thì tổ chức mới mạnh. Do đó, vì lợi ích chung, vì mục tiêu chung của tập thể mà các cá nhân phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện mình để gắn bó, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau chính là nhằm xây dựng tổ chức, đơn vị vững mạnh, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng, đồng thời qua đó mà nâng cao sức mạnh của từng người.

Để quan hệ đồng sự luôn trong sáng, mỗi CBCS công an phải luôn đấu tranh để vượt qua rào cản của chủ nghĩa cá nhân, vì nó là nguồn gốc của mọi cái xấu, trái với đạo đức cách mạng. Người thường nhắc nhở CBCS công an phải thường xuyên đề phòng những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân muôn hình muôn vẻ trong cuộc đời thường, ví như “có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ tay năm ngón; đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau”(8). Do vậy, Người luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên trong đó có CBCS công an phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

“Thân ái giúp đỡ” là phương châm ứng xử của mỗi cá nhân trong quan hệ với đồng sự, là tình cảm giai cấp, tình cảm cách mạng, là tình đồng chí thiêng liêng cao cả. Muốn có tình thân ái thì trước hết phải giác ngộ lý tưởng cách mạng và tự nguyện chiến đấu vì lý tưởng đó, phải thấy được yếu tố thắng lợi là sức mạnh của tập thể, sức mạnh của đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Nội bộ công an từ cấp cao đến nhân viên phải đoàn kết, nhất trí. Đoàn kết không phải là “chén chú chén anh”, là anh A giấu lỗi cho anh B”(9). Là những người bảo vệ chế độ xã hội mới, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân thì mối quan hệ đồng sự trong lực lượng CAND phải được xây dựng trên cơ sở “thấu suốt chính sách của Đảng” và “đi đúng đường lối quần chúng”. Đồng thời mối quan hệ ấy phải không ngừng được bồi đắp trên nguyên tắc “đề cao kỷ luật”, “tính tổ chức” và tính nhân văn “thân ái, giúp đỡ”.

Truyền thống chiến đấu, xây dựng của lực lượng CAND đã tạo nên những tình cảm đẹp tương thân, nhân ái trong đội ngũ CBCS. Đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau bao giờ cũng là nguyên nhân cơ bản để tạo nên thắng lợi. Trong công tác công an, có thể nói không có việc gì mà không có sự phối hợp, hợp đồng, nhất là khi hoạt động trong lòng địch, nơi ẩn náu của tội phạm, nơi công tác khó khăn, gian khổ. Mỗi người nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm để đồng chí, đồng đội cùng làm tốt nhiệm vụ được giao. Trong xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh xóa bỏ mọi biểu hiện cục bộ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ích kỷ, vụ lợi…. Thân ái giúp đơ còn được thể hiện trong việc giúp đỡ nhau học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác. Trong cuộc sống đời thường phải giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, khi đau ốm, lúc hoạn nạn…. Điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhắc nhở “cán bộ phải chăm sóc đến đời sống vật chất và tinh thần của chiến sĩ” và mỗi người phải thành thật “giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ”(10), với những CBCS mắc phải sai lầm, khuyết điểm, Người cũng chỉ rõ quan điểm giúp đỡ nhau khi có sai phạm, tùy theo mức độ mà xử lý kỷ luật cho nghiêm, song quan trọng là làm sao để người vi phạm khuyết điểm nhận ra lỗi lầm và kiên quyết sửa chữa để tiến bộ.

Lời dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho lực lượng CAND hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng sâu xa. Phương châm xử thế thấm đậm truyền thống nhân văn và tính khoa học, cách mạng đó, 65 năm qua, đã được các thế hệ CBCS công an ghi lòng tạc dạ, trở thành nét đẹp trong truyền thống đạo đức của lực lượng CAND, lực lượng được Đảng và Bác Hồ giao cho trọng trách là “Thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng”. Tuy nhiên, trong thời kỳ cách mạng mới, khi tuyệt đại đa số CBCS công an một lòng một dạ trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, nêu tấm gương sáng về tình đồng chí, đồng đội, thì ở nơi này, nơi khác, có một bộ phận CBCS đã có biểu hiện xa rời lý tưởng và đồng đội, làm giảm lòng tin của nhân dân. Chính vì vậy, việc quán triệt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần điều dạy “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ” của Người lúc này có ý nghĩa rất thiết thực.

Tại Hội nghị lần thứ 4 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ra Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết nêu rõ: “Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả”. “Làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng cũng chính là để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình; giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ”. Nghị quyết cũng xác định rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm theo cương vị công tác”. Đó là yêu cầu cấp thiết chung của toàn Đảng cũng như đối với lực lượng CAND để tăng cường đoàn kết nội bộ, đề cao kỷ luật, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăng ngừa biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, là một trong những nội dung công tác chính trị quan trọng nhất nhằm xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ANQG, TTATXH thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày nay./.

N.T.K.D

1 Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội - 1996, tập 5, tr 261.

2 Sách đã dẫn, tập 7, tr 575.

3 Sách đã dẫn, tập 8, tr 387.

4 Sách đã dẫn, tập 7, tr 575.

5 Sách đã dẫn, tập 6, tr 448.

6 Sách đã dẫn, tập 6, tr 9.

7 Sách đã dẫn, tập 5, tr 242.

8 Sách đã dẫn, tập 9, tr 448.

9 Sách đã dẫn, tập 6, tr 336.

10 Sách đã dẫn, tập 6, tr 336.

Kỷ yếu Hội thảo khoa học - Bộ Công an, Hà Nội, tháng 5/2013, tr 55-59
Tìm kiếm