MỞ ĐẦU
Cũng giống như cảm nhận của các anh chị tham dự Cuộc thi ngày hôm nay, tôi rất vinh dự khi được đứng đây, thay mặt cho các cán bộ, Đảng viên và công chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) được thuyết trình về tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ, tự hào vì mình đã góp phần làm sinh động hơn những giá trị cao cả của lý tưởng Hồ Chí Minh trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, một đợt học tập chính trị có ý nghĩa do Đảng ta khởi xướng và thực hiện trong nhiều năm qua.
Chủ đề mà tôi sẽ trình bày ngày hôm nay là Đảng viên, công chức Bộ TN&MT học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ. Tôi đứng đây, xin phép không bàn luận quá sâu về những vấn đề mang tính học thuyết và lý luận, mà xin được trình bày những cảm nhận của bản thân về giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ trong thực tiễn xây dựng và phát triển nền Công vụ nước nhà.
PHẦN NỘI DUNG
PHẦN I: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ
Như Đảng ta đã đúc kết: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người lại đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Cả cuộc đời dành trọn cho quê hương, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại cho các thế hệ con cháu Việt Nam những tư tưởng cao quý, có giá trị sâu sắc, không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta.
Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn nêu lên một tấm gương mẫu mực điển hình, ngời sáng về đạo đức cách mạng nói chung và đạo đức công vụ nói riêng.
Trong hệ tư tưởng của Người, đạo đức cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Vai trò của đạo đức cách mạng được người khẳng định: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Quan điểm đạo đức cách mạng của Người được đúc kết ở 4 nội dung:
1. Từ quan điểm “Trung với vua, hiếu với cha mẹ” của tư tưởng Phương Đông, Bác kêu gọi Đảng viên và cán bộ phải “Trung với nước hiếu với dân, suốt đời tận tụy hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đây là câu nói cô đọng nhất về ý thức đạo đức cách mạng mà mọi người Đảng viên, cán bộ, công chức cần phải trau dồi rèn luyện.
2. Một trong những tư tưởng lớn của Người là quan điểm tất cả vì con người. Chúng ta không có mục đích nào khác là chăm lo cho con người, giải phóng con người, nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện cá nhân (Đức + Trí + Thể + Mỹ), nghĩa là xây dựng con người mới XHCN. Hồ Chí Minh coi đây là phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Do đó, Bác Hồ căn dặn: Phải luôn luôn làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, từ đó nhân rộng gương tốt, việc tốt ra thành nhiều vườn hoa khác đẹp hơn, tốt hơn, toàn diện hơn.
3. Trước khi về với Mác – Lê nin, Bác có dặn dò trong Di chúc rằng “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. (trích Di chúc)
4. Và Người có một tinh thần quốc tế trong sáng. Trong quan điểm của Người, Bác mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục và giữ vững khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Hệ tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự cấp bách, định hướng tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách nền hành chính hướng tới Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PHẦN II: Nguyên tắc cơ bản xây dựng đạo đức mới:
Nói tới tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức phải chú ý tới con đường và phương pháp hình thành đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đặc điểm và quy luật hình thành tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho thấy một số nguyên tắc cơ bản xây dựng đạo đức mới sau đây:
a. Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.
Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng tuyệt vời về nói đi đôi với làm. Người quan tâm đặc biệt, hàng đầu tới vấn đề đạo đức. Người để lại nhiều bài viết, bài nói về đạo đức và quan trọng hơn là Người thực hiện trước hết, nhiều nhất những tư tưởng ấy.
Nêu gương đạo đức, nói đi đôi với làm là một nét đẹp của văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: "Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Noi theo tấm gương của V.I. Lênin, Hồ Chí Minh cũng đào tạo các thế hệ cách mạng người Việt Nam không chỉ bằng lý luận cách mạng, mà bằng chính tấm gương đạo đức cao cả.
b. Xây đi đôi với chống, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi.
Làm cách mạng là quá trình kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Chống và xử lý nghiêm là nhằm xây, đi liền với xây và muốn xây thì phải chống. Mục đích cuối cùng là xây dựng con người có đạo đức và nền đạo đức mới Việt Nam.
Xây đi đôi với chống trên cơ sở tự giáo dục, đồng thời phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Điều này thuộc quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bởi vì chủ nghĩa xã hội là công trình tập thể của quần chúng nhân dân tự xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng
c. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Tu dưỡng đạo đức là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc và văn hóa phương Đông. Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta phải nhớ câu "Chính tâm, tu thân" để "trị quốc bình thiên hạ". Chính tâm tu thân tức là cải tạo. Bác đã từng có bài thơ:
“Gạo mang vào giã bao đau đớn
Gạo giã cong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”
PHẦN III: Một số vấn đề đạo đức xã hội hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
1. Thực trạng nền đạo đức công vụ hiện nay
Xét trên những lĩnh vực then chốt nhất của đạo đức, nền công vụ của đất nước ta đã có những chuyển biến quan trọng. Trong sự nghiệp đổi mới, cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đã sáng suốt, kế thừa và phát huy trí tuệ của dân tộc và thời đại, tiêu biểu là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện của đất nước. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho đời sống tinh thần - đạo đức xã hội phát triển đúng hướng.
Bên cạnh những thành tựu, nổi lên những mặt yếu kém về nhận thức, tư tưởng, chính trị, dẫn tới phai nhạt lý tưởng và sa sút về lối sống, phẩm chất đạo đức. Hai vấn đề này gắn bó với nhau.
Các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong thời gian gần đây đã thẳng thắn chỉ ra sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức có quyền, cán bộ trung, cao cấp. Nạn tham nhũng, lãng phí, dùng tiền của Nhà nước, tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Riêng tham nhũng thì “chứng minh bao nhiêu cũng không đủ, càng nói càng thấy đau xót”. Phải khẳng định bệnh đã nặng cho nên phải chữa tận gốc, chữa một cách cơ bản.
2. Xây dựng nền đạo đức xã hội hiện nay dưới ánh sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Là cán bộ, đảng viên, chúng ta phải giữ vững lý tưởng và đạo đức cách mạng của mình, không dao động, thoái hóa trước mọi biến cố của hoàn cảnh, phải thực hiện cho được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thắng không kiêu, khó không nản”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
Dưới ánh sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải học lại mấy bài học cơ bản nhất, cấp bách nhất hiện nay.
Thứ nhất, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, “làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân...
“Gốc có vững thì cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
Thứ hai, phải ra sức chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức, vì “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí,... Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Thứ ba, “Ít lòng ham muốn về vật chất”. “Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
PHẦN IV: Cán bộ, Đảng viên, công chức Bộ TN&MT học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng, thuỷ văn; đo đạc, bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Đảng bộ Bộ TN&MT luôn quán triệt tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, trước hết phải thấm nhuần tư tưởng của Người về vai trò và các chuẩn mực đạo đức. Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, nói đi đôi với làm, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết khắc phục các mặt suy thoái đạo đức cũng như những tiêu cực trong xã hội theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một quá trình tạo ra những chuẩn giá trị mới, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, tác động qua lại, là những nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, coi đây là những vấn đề cốt yếu. Hiện thực hóa chủ trương, giải pháp của Đảng, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và đã đạt được những kết quả bước đầu. Song bên cạnh những kết quả đó vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quan trọng của tài nguyên thiên nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi, Người cũng đã nhấn mạnh tiềm năng dồi dào của miền núi là khu vực giàu tài nguyên, cần phải biết khai thác, giữ gìn: “Miền núi chiếm 2/3 tổng số diện tích nước ta và có hơn 3.000 cây số biên giới. Tục ngữ ta có câu "Rừng vàng, biển bạc", câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta”.
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức về quan hệ giữa môi trường thiên nhiên với hoạt động và sinh sống của con người. Người căn dặn cán bộ phải tìm nơi làm việc ăn ở sao cho: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui...”. Trong cuộc cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người quan tâm nhiều đến việc “phải đấu tranh chống những tai họa của thiên nhiên ...”, đặc biệt là đến việc “trồng cây” và “bảo vệ rừng”. Phong trào “Tết trồng cây” mỗi dịp Tết đến, Xuân về do Người phát động ngày nay đã trở thành một hoạt động thường niên, rộng rãi trên khắp phạm vi cả nước với mục đích “làm cho nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn ... góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Từ những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nêu trên, có thể vận dụng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay như sau:
(1) Xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, tài nguyên thiên nhiên
Bản chất của nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Để nhân dân thực hiện quyền lực đó thì đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được sở hữu toàn dân. Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân, thay mặt toàn dân quản lý, phân bổ đất đai, các nguồn tài nguyên nhiên đảm bảo điều tiết công bằng và hiệu quả trong quá trình phân phối, khai thác, sử dụng để phát triển đất nước, phù hợp với sở hữu toàn dân. Đó là cũng kết quả tất yếu của thành quả cách mạng của cả dân tộc ta, phù hợp với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Dù do tự nhiên sinh ra, song vốn có đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu ngày nay có được là do công sức bao thế hệ nhân dân tạo nên mới có. Chính vì vậy, việc Đảng và Nhà nước chủ trương sửa đổi Hiến Pháp 1992 tại Điều 57 dự thảo sửa đổi, bổ sung khẳng định “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật” là phù hợp với chế độ xã hội ta, là cơ sở để thực hiện quyền lực nhân dân.
(2) Hoàn thiện và tăng cường tính thực thi của hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường:
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật không phải để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bằng pháp luật, trước tiên pháp luật đó phải xuất phát từ mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, đem lại lợi ích cho nhân dân, thỏa mãn những nhu cầu hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Việc hoàn thiện và tăng cường tính thực thi của hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục.
(3) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường:
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo đảm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khắc phục, cải tạo ô nhiễm môi trường; hạn chế hậu quả của thiên tai, của chiến tranh, công nghiệp hoá hiện đại hóa gắn với phát triển bền vững đất nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ ngành tổ chức Giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp nhằm tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn trong quản lý tài nguyên và môi trường; thể hiện tinh thần gần dân, sát dân, lấy dân làm gốc theo lời dạy của Bác.
(4) Xây dựng đạo đức môi trường:
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức luôn luôn gắn liền với kinh tế. Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời hy sinh cho cách mạng để giành lấy độc lập và tự do là nhằm xoá bỏ áp bức, bóc lột, phát triển kinh tế đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, cho mỗi con người. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, cần phải xây dựng đạo đức môi trường của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân như một bộ phận cấu thành của đạo đức cách mạng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
(5) Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường:
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần quan điểm coi sức mạnh của cách mạng là sức mạnh của nhân dân, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trước tiên phải phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân tiến bộ trên thế giới, đặc biệt trước các vấn đề môi trường toàn cầu, biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp tới nhân loại.
(6) Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí về tài nguyên, môi trường:
Đảng Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng Bộ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đăng ký là đơn vị không có quan liêu, tham nhũng, hách dịch và cửa quyền và quán triệt thực hiện trong thời gian qua.
(7) Các nội dung triển khai thực hiện cụ thể:
Đảng Bộ đã tổ chức đợt học tập tác phẩm „Sửa đổi lối làm việc“ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã xây dựng và ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường; xây dựng và ban hành Hướng dẫn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 trong toàn Đảng bộ Bộ, tiếp tục chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức đảng. Chỉ đạo các chi bộ trong Đảng bộ trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng đưa nội dung học tập chuyên đề năm 2012: “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị; học tập tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc“ và “Đường Kách mệnh” của Bác. Chỉ đạo các chi bộ trong toàn Đảng bộ Bộ chọn lời dạy của Bác đối với ngành, nghề và nhiệm vụ công tác đang thực hiện, viết bài để cán bộ, đảng viên tọa đàm, thảo luận tại chi bộ và chọn bài tiêu biểu tham dự hội thảo cấp trên trực tiếp. Chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng chuẩn mực đạo đức sát hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và tổ chức thực hiện theo chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị mình...
Trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có nhiều cấp ủy, chi bộ có cách làm hay, sáng tạo đạt hiệu quả thiết thực như Đảng ủy Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Viễn thám quốc gia…Đến nay đã có 30/36 đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức của đơn vị và tổ chức thực hiện bước đầu đạt kết quả tốt; có 28/36 đơn vị có bài viết từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
PHẦN KẾT
Thay cho lời kết, tôi xin được dẫn một câu nói nổi tiếng “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”, hãy biến những lời nói và tư tưởng của Hồ Chủ tịch trở thành hành động cụ thể, để những bài học về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và khối đại đoàn kết dân tộc trở thành thực tiễn sinh động trong mỗi hành động và việc làm cụ thể của mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức hôm nay và trong tương lai./.
Võ Thịnh Hiền
Chi bộ: Vụ Kế hoạch Tài chính
Đảng bộ: Tổng cục Môi trường