BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp và yêu cầu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức

02/10/2015 16:44

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm sâu sắc vấn đề giáo dục, rèn luyện xây dựng đội ngũ cán bộ, coi vấn đề này là nhiệm vụ then chốt bảo đảm thành công của sự nghiệp cách mạng. Đối với người cán bộ, công chức, Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở phải làm tròn chức năng “công bộc”, “đầy tớ của dân”. Bổn phận của người cán bộ, công chức không có gì khác ngoài phận sự phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Để trở thành người đầy tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ, công chức không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn phải có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Đức và tài phải nhất thể trong tâm khảm và hành động của người cán bộ, công chức. Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Yếu tố đức được Bác coi là nền tảng, sức mạnh của người cách mạng “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì song cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”1. Đức được ví như gốc của cây, như nguồn của song và là gốc của con người. Đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là cái gì đó chung chung, khó hiểu, xa vời mà nó thể hiện ngay trong lối sống, cách sống của mỗi con người qua các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người đã từng viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”2. Có thể thấy, đạo đức người cán bộ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính toàn diện, các yếu tố của đạo đức gắn bó chặt chẽ là tiền đề của nhau, ví như:

“Trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông

Đất có bốn phương đông, tây, nam, bắc

Người có bốn đức cần, kiệm, liêm, chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người”3.

Đạo đức đã được Người ví với yếu tố trong tự nhiên của đất trời và do đó, nó như một yếu tố tất yếu phải có để thành người chân chính. Tuy nhiên, “đạo đức cách mạgn không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”4. Để có được đạo đức cách mạng, đòi hỏi mỗi cán bộ phải tự giác rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, trong công việc, trong các mối quan hệ của mình, phải nhìn thẳng vào mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện của mình để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác của mình để khắc phục; phải kiên trì rèn luyện, tu dưỡng suốt đời như công việc rửa mặt hàng ngày và trên hết là phải đạt được đến cái gốc của đạo đức cách mạgn đó là lòng “thương nước, thương dân”, bởi có lòng yêu nước, yêu thương con người thì mới hết lòng, hết sức đem tài đức của mình phục vụ nhân dân.

“Thương nước, thương dân” đã trở thành một trong những tiêu chí cốt lõi để đánh giá đạo đức của người cán bộ. Tiêu chí đó được thể hiện bởi những hành động rất cụ thể. Thương nước, thương dân cũng không phải là hai phạm trù độc lập, tách rời mà có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, một người có tình thương với nước, với nhân dân khi người đó không vô cảm trước những khó khăn của đất nước, những vấn nạn quốc gia đang từng ngày từng giờ đặt gánh nặng lên người dân. Một người cán bộ có đạo đức không thể lạnh lung, phó mặc những bức xúc, khó khăn của người dân mà trong phạm vi chức trách của mình có thể xử lý, tháo gỡ được. Và chỉ có tình thương mới giúp con người có nghị lực để biến thành hành động cụ thể trong việc thực thi chức trách, phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

Cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đắm mình trong hiện thực của cuộc sống nhân dân để hiểu cuộc đời, để yêu, để ghét, để trăn trở, hành động, đấu tranh không mệt mỏi, hiến dâng trọn đời mình cho nhân dân lao động, cho dân tộc Việt Nam. Bác Hồ “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”5. Hồ Chí Minh là thế đó. Bác gần gũi, bao dung, giản dị và thanh tao, bởi “Hồ Chí Minh trước hết là một con người và cuối cùng cũng chỉ là một con người” như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói. Khi sinh thời cũng như mãi mãi về sau, Bác Hồ là một tấm gương trong sáng, toàn mỹ về đạo làm người.

Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người”. Với Bác, “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền”, những cán bộ tư pháp là “bậc trí thức”, “có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm tấm gương cho dân trong mọi việc” và những ai đã trọn nghề tư pháp phải coi trọng “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”6. “Ở đời và làm người” không chỉ là lời dặn dò tâm huyết dung dị của Bác như lẽ thường ở đời, như cơm ăn, áo mặc của mỗi con người, mà còn hơn thế, đó là một triết lý sâu sa về lẽ ở đời và đạo làm người – đạo làm nghề tư pháp trong cõi đời này. Đạo làm người và ở đời của Bác thể hiện một bản ngã hết sức độc đáo không chỉ “hợp với lương tri và lương tâm con người”, mà còn bởi sự kết hợp tuyệt vời giữa nói và làm, giữa chính nghĩa và nhân ái, giữa công tâm, chính trực và độ lượng, bao dung.

Trên chặng đường xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp 68 năm qua (1945 - 2013) các thế hệ cán bộ tư pháp rất đỗi tự hào được Bác quan tâm, tin tưởng và gửi gắm suy tư của mình về một nghề cao quý là bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, nhưng cũng rất đỗi trăn trở để tu dưỡng, rèn luyện cho xứng đáng với sự mong đợi của Bác. Mỗi khi mùa thu trở lại, là dịp chúng ta lại náo nức kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành Tư pháp (28/8) và cũng là dịp để cho chúng ta suy ngẫm và hiểu thêm những tầng nấc triết lý sâu xa của Bác về đạo làm người và ở đời.

Ngày hôm nay, trong sự nghiệp cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong xu hướng hội nhập quốc tế, vấn đề bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức tư pháp nói riêng là vấn đề đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan tư pháp các cấp. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang diễn ra trong mọi cơ quan, đơn vị và trong mỗi cán bộ, công chức. Những lời răn dạy của Bác Hồ là chuẩn mực đạo đức công vụ để cho mỗi cán bộ, công chức “soi” và “sửa” mình, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và tấm gương tuyệt vời về phẩm giá, nhân cách và đạo đức của Hồ Chí Minh đã trở thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và của cán bộ, công chức tư pháp nói riêng. Khi gửi gắm cho đội ngũ cán bộ tư pháp niềm tin sống và hành xử theo đạo làm người và coi đạo làm người chính là đạo làm nghề của mình thì Bác đã khẳng định: Trong hoạt động tư pháp, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp là vấn đề quan trọng hàng đầu bảo đảm cho cán cân công lý thăng bằng. Chuẩn mực đạo đức này không phải là khẩu hiệu mà phải trở thành hiện thực hành động trong cuộc sống. Ngày 03/10/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2659/QĐ-BTP ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, theo đó, những chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp đã được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong mối quan hệ với Tổ quốc, với nhân dân, với công tác tư pháp, với đồng nghiệp và với chính mình, cụ thể:

Với Tổ quốc, cán bộ tư pháp phải trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;

Với nhân dân, cán bộ tư pháp phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân;

Với công tác tư pháp, cán bộ tư pháp phải trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư;

Với đồng nghiệp, cán bộ tư pháp phải đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ;

Với bản thân, phải nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.

Những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp không phải là những đòi hỏi cao xa, viển vông, mà là những yêu cầu cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm, lương tâm và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tư pháp. Chuẩn mực đạo đức này hết sức gần gũi với công chức nói chung đồng thời gắn liền với nghề nghiệp nói riêng của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Với bất cứ ai, đã là người con đất Việt đều có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, nói mà mình đã sinh ra, lớn lên và cho đến khi từ giã cõi đời lại trở về với đất mẹ, tội lớn nhất là tội phản bội Tổ quốc. Cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp cũng như bất cứ công dân nào đều có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Trong tư tưởng của Bác, “Dân là gốc” là cốt lõi về một nền dân chủ nhân dân, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Theo tư tưởng của Người, với nhân dân, công tác tư pháp và pháp luật không chỉ làm luật, thuộc luật một cách máy móc, xa rời cuộc sống thực tiễn của người dân, mà phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân để thêm liêm khiết, công bằng; phải phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, công tác tư pháp với nhiều lĩnh vực hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân. Để bảo đảm công bằng, khách quan, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của nhân dân, mỗi cán bộ tư pháp phải trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư.

Trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay, với yêu cầu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả”, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, đạo đức và có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao là khâu có ý nghĩa quyết định, bảo đảm sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu trên. Nền công vụ chuyên nghiệp đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải chuyên trách, chuyên sâu, chuyên tâm trong quá trình thực thi công vụ. Nếu yêu cầu về chuyên trách, chuyên sâu gắn liền với trình độ chuyên môn và kỹ năng xử lý công việc của người cán bộ, công chức nói chung thì yêu cầu chuyên tâm là đòi hỏi về dạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Người cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải trăn trở với nghề, phải nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, nói về cải cách chế độ công vụ, công chức thì trước tiên phải nói tới đổi mới lề lối làm việc, đổi mới cách thức thực thi công vụ. Cách thức thực thi công vụ được thể chế hóa thành các quy định pháp luật như quy định về trình tự, thủ tục hành chính, quy chế công chức, viên chức…. Mặt khác, nó cũng được hình thành bởi thói quen, tính cách của từng người, thậm chí của cả một thập thể. Lề lối thực thi công vụ thể hiện trực tiếp bản chất mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, đó là Nhà nước phục vụ dân hay Nhà nước cai trị dân. Nói đến nhà nước của dân, do dân và vì dân, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đề vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ cấp xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra”7. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân và vì dân, việc cải cách công chức, công vụ, phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, xa rời quần chúng trong giải quyết công vụ, phải “gần dân, học dân, hiểu dân” như Bác Hồ đã dạy và khắc phục thói hình thức, coi trọng thủ tục hơn là hiệu quả. Hiện nay, việc đánh giá cán bộ còn nhấn mạnh tiêu chuẩn mang tính hình thức như bằng cấp học vấn, ngoại ngữ, tin học… còn vấn đề năng lực thực tiễn về giải quyết công việc thì chưa được quan tâm đung mức. Chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ chưa phải là tiêu chí hàng đầu trong quá trình đánh giá cán bộ. Điều này cũng dẫn đến tình trạng bình quân chủ nghĩa, hình thức trong thi đua khen thưởng.

Thực thế, khai cải cách chế độ công vụ, công chức người ta thường nghĩ đến cải cách thể chế nhưng mọi thể chế có đi vào cuộc sống hay không đều phải thông qua vai trò của đội ngũ thực thi các thể chế đó. Mỗi khi có những bức xúc trong giải quyết công vụ thì lại đặt ra vấn đề rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, mà chúng ta thường chưa quan tâm đến việc củng cố đội ngũ cán bộ áp dụng các thể chế này. Phải chăng chúng ta cho rằng, việc xây dựng thể chế có thể hoàn hảo đến mức mà người cán bộ, công chức áp dụng thể chế đó không thể nào để xảy ra những tiêu cực, phiền hà đối với người dân? Đây là một vấn đề không tưởng. Chúng ta đều biết, công tác tư pháp là một trong những lĩnh vực nhạy cảm của quyền lực nhà nước. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức tư pháp ở bất cứ vị trí công tác nào ít nhiều đều liên quan đến quyền và lợi ích, niềm vui và nỗi buồn của người dân. Phục vụ hay cai trị dân, tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho dân đều tùy thuộc vào lương tâm, đạo đức, thái độ và trách nhiệm của người thừa hành công vụ. Suy cho cùng, chúng ta lại phải trở về với nguyên lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Bởi vậy, cải cách chế độ công vụ, công chức là hai vấn đề không thể tách rời nhau, là hai mặt của một hiện tượng.

Đối với ngành Tư pháp, việc ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ nhằm hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, mà một khía cạnh khác còn phòng ngừa những nguy cơ tha hóa đạo làm người, đạo làm nghề của đội ngũ cán bộ này – những cán bộ có trọng trách trên mặt trận giữ gìn nền công lý nhân dân. Việc thường xuyên rèn luyện và học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh theo Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhằm góp phần định vị tâm thế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp hôm nay trong bối cảnh quốc nan “tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên” và để mỗi chúng ta tiếp tục soi mình, sửa mình, rèn luyện, vươn lên để có một bản lĩnh, năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp xứng đáng “ở đời và làm người” như Bác Hồ đã từng căn dặn.

TS. Trần Văn Quảng
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp

 

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập V, NXB Chính trị quốc gia, tr. 251-252.

2. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập V, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 631.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 293.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập IV, NXB Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 100.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập V, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 381, 382.

7. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập VI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 515.

(Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2013, tr. 49-55).
Tìm kiếm